Tứ toàn - học thuyết bình thiên hạ

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Với học thuyết Tứ toàn (Bốn toàn diện), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ra con đường để hiện thực hóa tham vọng Giấc mộng Trung Hoa của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bài viết đầu tiên trên tờ Nhân dân nhật báo ra ngày 25.2 với nhan đề “Bố cục chiến lược dẫn dắt sự phục hưng dân tộc” đã lập luận về nội dung của Tứ toàn. Theo thứ tự, Bốn toàn diện lần lượt bao gồm: xây dựng thành công một xã hội khá giả toàn diện; Cải tổ sâu sắc toàn diện; Thực hiện nhà nước pháp quyền toàn diện; Thực hiện kỷ cương Đảng toàn diện. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chúc mừng việc công bố khẩu hiệu mới, trong đó nói rằng, khẩu hiệu này có sức nặng to lớn, là kim chỉ nam cho cấu trúc chiến lược đổi mới quốc gia.

Theo giới phân tích, ba điểm toàn diện đầu tiên là những nội dung khá quen thuộc với giới lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm thứ tư có vẻ như nhằm trực tiếp đến chiến dịch chống tham nhũng mà chính quyền Bắc Kinh đang tiến hành. Và đây chính là điểm khác biệt lớn trong học thuyết Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là bước đi tiếp nối Hội nghị lần thứ 4 hồi năm ngoái với chủ đề Quản lý đất nước theo pháp luật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa XVII.

Các nhà phân tích tại chỗ nhận định với học thuyết Bốn toàn diện, Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa đề cập mạnh mẽ đến một nhà nước y pháp trị quốc – kiểm soát đất nước bằng pháp luật - và đẩy mạnh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy đảng và chính phủ để xây dựng xã hội khá giả toàn diện, có thể coi là định nghĩa trực tiếp của Giấc mộng Trung Hoa, một lý tưởng được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2013 nhằm phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ vinh quang trong quá khứ. Bằng việc khởi xướng, quảng bá khái niệm đó, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc tiến hành công cuộc phục hưng vĩ đại để đưa quốc gia này thành một siêu cường, giàu về kinh tế và mạnh về quân sự.

Trên hành trình hiện thực hóa giấc mộng của mình, tham nhũng là một rào cản lớn đối với chính quyền Tập Cận Bình. Quản lý theo pháp luật tương đối yếu đã trở thành chướng ngại quan trọng kiềm chế sự chuyển đổi loại hình và nâng cấp kinh tế của Trung Quốc. Trước thực tế này, ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây 2 năm, Chủ tịch đã nhắc lại cam kết theo Hiến pháp là không ai đứng trên luật pháp. Cùng với đó, ban lãnh đạo thế hệ thứ 5 tại Trung Quốc đã phát động một phong trào kiên quyết chống tham nhũng – một vấn nạn đe dọa chính sự sống còn của Đảng Cộng sản.

Việc quảng bá chính thức cho kế hoạch phát triển của Chủ tịch Tập Cận Bình vào thời điểm này không phải là điều ngẫu nhiên, nhất là khi nó được công bố trước hai phiên họp thường niên tại Bắc Kinh vào tháng 3, gồm họp Quốc hội và Chính hiệp. Một số tờ báo cho rằng sự quảng bá rầm rộ học thuyết mới có thể nhằm đưa khẩu hiệu 4 điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình vào cương lĩnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuẩn bị cho kỳ đại hội Đảng sắp tới, sẽ diễn ra vào năm 2017.

Như vậy, sau 2 năm cầm quyền, Chủ tịch Tập đã chính thức công bố lý thuyết sẽ trở thành di sản của cá nhân Chủ tịch trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau những khẩu hiệu như thuyết Bốn hiện đại hóa của Chu Ân Lai, Cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình, Ba đại diện của Giang Trạch Dân và Tầm nhìn phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào.

Các phương tiện thông tin đại chúng Trung Hoa tuyên truyền Tứ toàn là thuyết trị quốc. Tuy nhiên, thế giới không muốn ngây thơ trước tham vọng Giấc mộng Trung Hoa mà cho rằng hình như đằng sau con số 4 là ước mơ Bình thiên hạ...