Tương lai Eurozone dưới góc nhìn trái chiều từ doanh nghiệp Đức và Pháp

Theo Vietstock

Tầm nhìn không rõ ràng về hướng đi của Eurozone có thể dẫn tới những bất ổn trong hoạt động kinh doanh và hủy hoại tiềm năng tăng trưởng của khu vực.

Theo nghiên cứu mới nhất của Grant Thornton Quốc tế, các doanh nghiệp tại hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp đang có cách nhìn khác nhau về tương lai của khối. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng tầm nhìn không rõ ràng về hướng đi của Eurozone có thể dẫn tới sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh và hủy hoại tiềm năng tăng trưởng của khu vực. Báo cáo được Grant Thornton công bố ngày 08/05 - một ngày trước thềm kỉ niệm sự ra đời của Liên minh châu Âu – EU (Europe Day, 09/05).

Báo cáo cho biết các doanh nghiệp tại Đức tỏ ra lạc quan hơn so với các doanh nghiệp Pháp về sự hội nhập sâu rộng của Eurozone như lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Cụ thể, có tới 61% doanh nghiệp Đức ủng hộ việc hội nhập sâu hơn về mặt chính trị và 76% ủng hộ cho việc tăng cường hội nhập kinh tế, trong khi đó tỷ lệ này theo thứ tự tại Pháp chỉ là 35% và 69%.

Các cường quốc khu vực bất đồng về đường hướng tương lai

(Dựa trên tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ việc thực hiện các chủ trương)

Tương lai Eurozone dưới góc nhìn trái chiều từ doanh nghiệp Đức và Pháp - Ảnh 1

Nghiên cứu đã khảo sát các doanh nghiệp về cách nhìn nhận đối với tư cách thành viên của quốc gia trong châu Âu. Tại Đức, 85% doanh nghiệp lạc quan về tư cách thành viên của nước này, cao hơn so mức 79% trong năm ngoái. Trái lại, tỷ lệ này tại Pháp giảm từ 71% xuống còn 64%, mức lạc quan thấp nhất trong khu vực đồng tiền chung EUR.

Paul Raleigh, Trưởng bộ phận phát triển toàn cầu của Grant Thornton, nhận định: “Pháp và Đức đang đứng ở vị trí tiên phong trong những nỗ lực hội nhập châu Âu, từ sự ra đời của từng thị trường riêng lẻ đến việc áp dụng hệ thống tiền tệ duy nhất. Nhưng không may khi trước thềm công bố điều đã dẫn đến sự hình thành của EU, chúng ta lại chứng kiến sự khác biệt về quan điểm từ hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone”.

“Mức độ rõ ràng của tầm nhìn đang là mối lo ngại của các doanh nghiệp. Có lẽ khu vực này đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi EU ra đời; cuộc bầu cử tại Ý và gói cứu trợ kinh tế đối với Cyprus cho chúng ta biết khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. Rõ ràng là bộ máy lãnh đạo cần phải chấm dứt sự bất ổn hiện nay và khuyến khích các lãnh đạo doanh nghiệp tăng cường đầu tư nhằm tạo công ăn việc làm và đem lại đà tăng trưởng”.

Trong khi Đức đang đứng trước khả năng đạt được thặng dư ngân sách trong năm 2013 thì Pháp lại có nguy cơ không đáp ứng được mục tiêu thâm hụt 3%. Do đó, các lãnh đạo doanh nghiệp tại hai nền kinh tế này có cái nhìn khác nhau về nợ cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có 32% doanh nghiệp tại Đức có ý định ủng hộ sự ra đời của công cụ gọi là “trái phiếu châu Âu” (trái phiếu chung cho Eurozone), con số này chỉ bằng xấp xỉ một nửa so với Pháp (60%).

Cũng theo báo cáo, các doanh nghiệp ngoài Eurozone không mấy ủng hộ việc hội nhập châu Âu, điều này tăng nỗi lo sợ về “một châu Âu hai tốc độ”. Chỉ có 14% các doanh nghiệp thuộc EU ủng hộ sự hội nhập chính trị, 32% ủng hộ việc hội nhập kinh tế, thậm chí tại Anh tỷ lệ này chỉ là 6% và 20%. Hơn 29% doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế này không muốn chứng kiến việc hội nhập sâu rộng hơn nữa, trong khi đó tỷ lệ chung tại Eurozone là 9%. Giữa lúc này, sức hấp dẫn của EU ngày càng suy giảm trong con mắt của các lãnh đạo doanh nghiệp bên ngoài Liên minh khi 51% tin rằng sự hội nhập sâu rộng hơn sẽ là lợi thế, thấp hơn so mức 62% trong cùng kỳ năm ngoái.

Sự khác biệt quan điểm giữa Pháp và Đức

(Dựa trên tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về việc gia nhập Eurozone)

Tương lai Eurozone dưới góc nhìn trái chiều từ doanh nghiệp Đức và Pháp - Ảnh 2
Được biết, báo cáo của Grant Thornton Quốc Tế (IBR) cung cấp các thông tin về quan điểm và kỳ vọng của hơn 12,500 doanh nghiệp tại 44 nền kinh tế. Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên dữ liệu trong 21 năm qua từ các thành viên tham gia thuộc châu Âu và dữ liệu trong vòng 10 năm từ các nền kinh tế không thuộc châu Âu.