Tỷ giá biến động chi phối giá nông sản toàn cầu

Theo thoibaonganhang.vn

Giới quan sát nhận định có lẽ chưa bao giờ sự biến động tỷ giá sẽ tác động mạnh tới các thị trường nông sản như trong năm 2016. Đây là nhận định của Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) trong báo cáo hàng năm về triển vọng thị trường nông sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đánh giá về triển vọng thị trường nông sản năm 2016, Rabobank - ngân hàng hàng đầu thế giới chuyên hỗ trợ tài chính cho ngành nông nghiệp và thực phẩm - cho rằng giá đường sẽ tăng mạnh nhất. Triển vọng giá bông cũng khá lạc quan, dự báo sẽ tăng từ mức 63 xu/pound trong quý hiện nay lên 68 xu/pound (1 pound = 0,454 kg).

Ngược lại, sau khi tăng khoảng 17% từ đầu năm đến nay và hiện đang giao dịch ở mức khoảng 2.270 USD/tấn, giá cacao có thể sẽ đi xuống trong năm 2016 do việc giá thu mua cacao tăng lên trong năm nay đang khuyến khích nông dân tăng sản lượng và qua đó đẩy nguồn cung đi lên trong thời gian tới.

Tờ Thời báo tài chính The Financial Times (của nước Anh) dẫn dự báo của Rabobank cho hay đồng USD sẽ mạnh lên trong năm 2016 trong bối cảnh nhiều thị trường mới nổi có khả năng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ngược lại, đồng tiền của các nước Mỹ Latinh và các nước châu Âu lại yếu đi. Tuy nhiên, giá đồng nội tệ đi xuống là yếu tố khuyến khích các nước sản xuất nông sản lớn như Brazil, Nga và Ukraine tăng sản lượng.

Xét về tác động của tỷ giá hối đoái đối với thương mại, Rabobank cho rằng lĩnh vực nông nghiệp của Brazil sẽ là một trong những bên được lợi nhiều nhất.

Đồng real yếu đi giúp làm gia tăng đáng kể khả năng cạnh tranh xuất khẩu của đậu tương, ngô, cà phê và đường của Brazil. Tương tự, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và Nga cũng trở nên cạnh tranh hơn khi đồng hryvnia của Ukraine và ruble (rúp) của Nga xuống giá.

Ngược lại, đồng USD mạnh lên đồng nghĩa rằng nông sản của Mỹ sẽ khó cạnh tranh được về mặt giá cả so với nông sản của các nước Mỹ Latinh và các nước Đông Âu.

Nông dân Mỹ có chiều hướng lưu giữ nông sản ở các kho chứa ngay tại nơi trồng trọt, trong bối cảnh giá ngũ cốc và các loại hạt có dầu tiếp tục đi xuống. Rõ ràng, đồng USD mạnh sẽ tiếp tục hạn chế thị phần của Mỹ trên thị trường xuất khẩu nông sản toàn cầu.

Trong khi đó, khả năng Trung Quốc tiếp tục phá giá NDT có thể làm giảm nhu cầu của Trung Quốc về nhập khẩu nông sản. Theo Rabobank, tiêu thụ đường của Trung Quốc - một trong những nước tiêu thụ nông sản hàng đầu thế giới - sẽ giảm trên 3% trong năm 2016 do nước này nhập nhiều xi-rô ngô fructose cao (HFCS), loại đường có vị ngọt nhất trong các loại đường thiên nhiên, vốn có giá rẻ hơn.