Ung nhọt doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Sự phát triển thần tốc của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc trong 10 năm qua đã khiến chúng trở thành những thực thể có quyền lực cao và phát sinh nhiều ung nhọt, từ nợ công đến hối lộ và thậm chí rửa tiền. Đây sẽ là một trở ngại lớn cho Bắc Kinh trong nỗ lực cải cách kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 9/7 vừa qua, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) khiến nhiều người ngạc nhiên khi phát bài điều tra, cáo buộc Ngân hàng Trung Quốc (BOC - một ngân hàng quốc doanh) rửa tiền, vi phạm quy tắc quản lý ngoại hối, trợ giúp chuyển tiền mặt ra khỏi Trung Quốc cho giới nhà giàu muốn định cư ở nước ngoài.

Động thái đáng ngờ

CCTV cũng cáo buộc tội danh rửa tiền đối với Citic Bank - ngân hàng do Tập đoàn Citic Group kiểm soát và được điều hành trực tiếp từ Hội đồng Nhà nước. CCTV cho chiếu một đoạn hình cho thấy phóng viên điều tra của họ đang được một nhân viên của BOC chi nhánh Quảng Đông chỉ dẫn cách lách luật ngoại hối để chuyển tiền ra nước ngoài.

“BOC ngang nhiên cung cấp dịch vụ rửa tiền và bịa đặt thông tin thông qua dịch vụ Youhuitong” - CCTV nói . Chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép mỗi cá nhân chuyển đổi tối đa 50.000USD từ đồng NDT mỗi năm. Từ năm 2011, BOC mở dịch vụ Youhuitong để giúp khách hàng chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, trong một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm quản lý tốt hơn số dự trữ ngoại hối hơn 4.000 tỷ USD và quốc tế hóa NDT.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho rằng việc CCTV tấn công một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước là động thái bất ngờ, đặc biệt sau chỉ thị của cơ quan quản lý báo chí hồi tháng trước cấm truyền thông đưa tin chỉ trích các tổ chức thuộc nhà nước nếu không được cho phép.

“Động thái một hãng truyền hình nhà nước đánh một ngân hàng nhà nước với quy mô và tính nghiêm trọng của cáo buộc cho thấy CCTV đã nhận được sự đồng ý từ chính quyền cấp cao” - SCMP viết. Một bài báo của Shanghai Securities News hôm 9/7 cho biết Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB - một trong tứ đại ngân hàng Trung Quốc) cũng cung cấp những dịch vụ tương tự Youhuitong.

Cấp phép hoạt động phi pháp?

SCMP trích lời một quan chức giấu tên nói các dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài của 2 ngân hàng nói trên không phải là hoạt động kinh doanh bất hợp pháp: “Cả BOC và Citic Bank chỉ có thể thực hiện hoạt động kinh doanh này khi nhận được sự cho phép từ chi nhánh Quảng Đông của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).

Nếu có vấn đề gì, không phải là về việc nó có hợp pháp hay không, mà là nó được làm như thế nào”. BOC cũng lên tiếng phủ nhận cáo buộc từ CCTV khi cho rằng báo cáo của CCTV là lệch lạc và thiếu hiểu biết về Youhuitong.

“BOC giới thiệu dịch vụ chuyển tiền xuyên quốc gia từ năm 2011, chỉ cho phép chuyển tiền vì mục đích nhập cư hoặc đầu tư tài sản nước ngoài. Ngân hàng chúng tôi có quy trình xử lý rất nghiêm ngặt” - tuyên cáo của BOC viết và cho biết các giao dịch chuyển tiền được cơ quan quản lý cấp phép và ngân hàng phải báo cáo với họ.

Theo May Yan, một nhà phân tích của Barclays Plc, chương trình này là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thử nghiệm các cách thức cho phép chuyển NDT ra nước ngoài, trước khi phổ biến rộng rãi. Mục tiêu đã được công bố bởi các nhà hoạch định chính sách từ những năm 1990 và là một bước tiến tới kế hoạch biến Thượng Hải thành thủ đô tài chính toàn cầu vào năm 2020.

Hồi tháng 2, PBOC đã công bố các quy tắc giúp các công ty hoạt động trong khu vực tự do thương mại Thượng Hải dễ dàng chuyển NDT trong và ngoài nước hơn. NDT đã vượt qua đồng EUR trở thành loại tiền tệ phổ biến thứ hai thế giới trong tài chính thương mại vào năm 2013, theo Hiệp hội Tài chính viễn thông liên ngân hàng thế giới (SWIFT).

Dù BOC không cung cấp số liệu, tờ 21st Century Business Herald ước tính ngân hàng này đã chuyển khoảng 20 tỷ NDT (3,4 tỷ USD) ra nước ngoài thông qua Youhuitong. Nhiều ngân hàng thương mại ở Quảng Đông cũng cung cấp dịch vụ tương tự. Cho đến nay dịch vụ Youhuitong đã bị tạm ngưng để PBOC và cơ quan chống rửa tiền kiểm tra các chứng từ của tất cả giao dịch đã thực hiện.

Một nhân viên phụ trách Youhuitong của BOC cho biết việc chuyển tiền cho các khách hàng Youhuitong thường mất vài tuần đến 1 tháng. Khách hàng phải cung cấp chứng từ chứng minh nguồn gốc sạch của số tiền muốn chuyển, như biên lai nộp thuế và chứng minh thu nhập, cũng như một thỏa thuận mua tài sản ở nước ngoài, hay giấy phép di cư…

Khách hàng Youhuitong thường phải gửi NDT vào BOC ít nhất 2 tuần trước khi số tiền được chuyển đi, nhân viên giấu tên cho biết. Một khi việc chuyển tiền được cấp phép, khách hàng và ngân hàng sẽ thỏa thuận mức chênh lệch trước khi số tiền được chuyển vào một tài khoản nước ngoài do khách hàng chọn. Nếu số tiền để mua bất động sản, nó sẽ chuyển thẳng vào tài khoản của người bán để bảo đảm không bị sử dụng cho mục đích khác.

Nhu cầu nhà giàu

Ngân hàng HSBC, một trong những ngân hàng nước ngoài có mạng lưới chi nhánh lớn nhất ở Trung Quốc, từ lâu đã cung cấp cho khách hàng Trung Quốc một cách khác để truy cập vào các khoản thế chấp ở nước ngoài trong khi tránh được các giới hạn về chuyển đổi ngoại tệ, điều tra của tờ SMH (Australia) cho biết. Theo đó, khách hàng gửi NDT vào chi nhánh ở Trung Quốc của HSBC hoặc mua các sản phẩm quản lý tài sản của ngân hàng.

Sau đó, một chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng sẽ phát hành một thế chấp ngoại tệ bằng cách sử dụng tiền gửi NDT ở chi nhánh Trung Quốc để thế chấp. "Chúng tôi tìm cách tuân thủ các quy tắc và luật lệ của khu vực pháp lý và khu vực địa lý mà chúng tôi hoạt động" - Gareth Hewett, một phát ngôn viên của HSBC tại Hồng Công, cho biết. Nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài của những người giàu có ở Trung Quốc rất cao. Thứ nhất, họ muốn tìm một nơi trú ẩn an toàn cho số tài sản kếch xù của mình.

Ngoài ra, nhiều người muốn tìm kiếm những kênh đầu tư sinh lợi nhiều hơn, trong bối cảnh chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã giảm 66% từ mức kỷ lục năm 2007, trong khi chính phủ đã siết cho vay bất động sản để kiềm chế giá cả tăng cao. Tổ chức Global Financial Integrity ước tính trong một báo cáo vào năm ngoái rằng Trung Quốc bị chảy khoảng 1.000 tỷ USD chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp từ năm 2002-2011.

Theo tờ Epoch Times, các quan chức Trung Quốc nằm trong số những nhóm người giàu nhất đất nước, mà phần lớn sự giàu có đó đến từ các hành vi, phương tiện phi pháp như biển thủ công quỹ, ăn hối lộ… Với hàng tỷ NDT bằng tiền mặt, họ hoặc phải tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài hoặc phải tìm những nơi ít người biết để cất giấu. Theo báo chí Trung Quốc, khi một quan chức tham ô tên Wei Bei bị bắt, cảnh sát đã đưa 16 máy đếm tiền đến nhà ông để đếm số tiền ông đang cất giấu. Trong số đó, 4 máy đếm tiền đã bị cháy do quá nóng vì phải đếm số tiền quá lớn.

Tổng nợ 250% GDP

Theo ước tính mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered, tính đến cuối tháng 6, tổng lượng nợ của Trung Quốc đã tăng lên tương đương 251% GDP, so với mức chỉ 147% GDP năm 2008. Trong đó đa số khoản nợ nằm trong DNNN hoặc các công cụ đầu tư của chính quyền địa phương. Một sự trương phình nhanh chóng như vậy là điều đáng lo ngại hơn cả mức nợ tuyệt đối.

Tại các nền kinh tế khác, sự gia tăng nợ với cường độ này trong thời gian ngắn như vậy hầu như sẽ kéo theo khủng hoảng tài chính. “Mức nợ hiện tại của Trung Quốc đã rất cao so với tiêu chuẩn thị trường mới nổi. Nói cách khác, Trung Quốc đã trở thành nước nặng nợ trước khi thành một nước giàu” - Chen Long, nhà kinh tế của Công ty Tư vấn Gavekal Dragonomics, nói.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng sự kết hợp của tăng trưởng chậm lại và nợ ngày càng nhiều sẽ dẫn đến việc phân bổ vốn sai nghiêm trọng. Kết quả có thể được nhìn thấy trên khắp Trung Quốc, với vô số tòa nhà bỏ không và sự dư thừa công suất lớn từ các tấm năng lượng mặt trời đến thép và xi măng. Để nhanh chóng hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh đã phụ thuộc nhiều vào hoạt động vay nợ, với tỷ lệ nợ so với GDP tăng 17% chỉ trong 6 tháng qua (từ 234% vào cuối năm ngoái) so với mức tăng khoảng 20% trong năm trước.

Thay vì kiềm chế tín dụng, chính phủ lại thúc đẩy vì lo ngại tăng trưởng chậm lại cộng với sự suy giảm thị trường bất động sản có thể khiến nền kinh tế phải "hạ cánh cứng". Lượng tín dụng mới tại Trung Quốc trong tháng 6 đạt 1.960 tỷ NDT (316 tỷ USD), tháng cao nhất kể từ tháng 3 và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau vài tháng giảm do sự kiềm chế của chính phủ, tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng bóng tối (shadow banking) cũng tăng trở lại trong tháng 6. “Tăng trưởng tín dụng chung tiếp tục vượt tăng trưởng giá trị gia tăng, điều đó là không bền vững” - Stephen Green, kinh tế trưởng tại Trung Quốc của Standard Chartered, cho biết.

6 tháng, truy tố 25.000 người

Một bài báo trên Tân Hoa Xã (THX) hôm 24-7 cho biết hơn 25.000 người tại Trung Quốc đã bị điều tra tham nhũng chỉ trong 6 tháng đầu năm nay. Gần 85% các trường hợp bị điều tra liên quan khoản tiền tham nhũng hơn 50.000NDT (8.000USD) hoặc biển thủ 100.000NDT công quỹ. Những vụ lớn như vậy tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các cơ quan điều tra của Trung Quốc cũng theo dõi những quan chức chạy ra nước ngoài bằng nguồn tiền không minh bạch. Trong 6 tháng đầu năm, 320 nghi phạm tham nhũng đã bị đưa về Trung Quốc. THX cho biết cơ quan điều tra sẽ lập ra một nhóm chuyên làm nhiệm vụ thu hồi các khoản tiền tham nhũng bị đưa ra nước ngoài, tăng cường giám sát các vụ lớn và xây dựng cơ sở dữ liệu về quan tham.

Trước đó, ngày 30-6, cựu giám đốc Ủy ban Giám sát tài sản nhà nước, ông Jiang Jiemin, người trước đây từng là Chủ tịch PetroChina - nhà khổng lồ dầu khí quốc doanh - đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vì tội tham nhũng. Ông này bị kết tội lợi dụng vị trí và quyền hạn để tìm kiếm lợi ích cá nhân và nhận một lượng lớn tiền hối lộ.

Tháng 4-2013, Song Lin, lúc đó là Chủ tịch DNNN China Resources bị điều tra vì nghi ngờ cũng với tội danh trên. Jiang và Song nằm trong danh sách dài các nhà điều hành quản lý cấp cao trong các DNNN bị hạ bệ kể từ năm 2012. Hơn 50 người trong các lĩnh vực từ dầu mỏ, thép, năng lượng, viễn thông, hàng không và giao thông vận tải đã bị cách chức vì dính đến tham nhũng.

Hũ mật vô chủ

Tháng 3/2012, sau khi được chính phủ chấp thuận việc tiếp tục mở rộng nhà máy lọc dầu trị giá 900 triệu USD ở tỉnh Phúc Kiến, phía Đông Nam của Trung Quốc, gã khổng lồ dầu khí nhà nước Sinopec Corp đã cảnh báo về tình trạng hối lộ: Dự án kỹ thuật và xây dựng là một khu vực chính cho các hoạt động tham nhũng tại Sinopec.

Các chuyên gia cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc và nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng là nạn hối lộ tràn lan trong các hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng của các công ty nhà nước. Tham nhũng trong khu vực nhà nước là phổ biến nhưng từ năm ngoái mới được nêu bật khi các nhà chức trách liên tục mở những cuộc tấn công vào ngành công nghiệp năng lượng với cuộc điều tra 5 nhà cựu điều hành cao cấp của PetroChina và công ty mẹ China National Petroleum Corp.

Cuộc điều tra đã đặt ra câu hỏi về việc ông Tập sẽ đi xa đến đâu để nhổ tận gốc tham nhũng trong một ngành công nghiệp được xếp vào những lĩnh vực quyền lực nhất của khu vực DNNN.

Hầu như quan chức cấp cao tại các công ty nhà nước đều là đảng viên nên nắm trong tay quyền lực rất lớn và có rất nhiều tiền bạc. Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, DNNN ban hành hồ sơ dự thầu hàng hóa và dịch vụ trị giá tới 9.260 tỷ NDT (1.510 tỷ USD) năm 2011.

Không rõ bao nhiêu trong số này là các hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng, thường được gọi là EPC. Cũng không có bất kỳ con số điều tra tham nhũng vào hợp đồng EPC. Chỉ riêng thị trường kỹ thuật dầu khí của Trung Quốc đã đạt 40 tỷ USD vào năm 2016. Trung Quốc cũng đang đầu tư 65-80 tỷ USD từ năm 2012-2016 để mở rộng khả năng lọc dầu. "Không thể tránh khỏi có vấn đề tham nhũng trong đấu thầu các hợp đồng EPC do sự tập trung quyền lực” - Chen Weidong, Giám đốc nghiên cứu năng lượng tại CNOOC Group, nói.

Theo các nhà phân tích, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã thúc đẩy sự đột biến trong đầu tư tài sản cố định của các công ty chính phủ và nhà nước. Theo đó các quan chức tại các công ty nhà nước tham gia đấu thầu thường nhận hối lộ để trao hợp đồng, hoặc chọn các công ty được điều hành bởi người thân hoặc bạn bè.

Họ thường chia một dự án lớn thành nhiều phần để né tránh quá trình đấu thầu công khai. Một thí dụ gần đây là cựu Bộ trưởng Đường sắt Liu Zhijun, người đã bị tuyên án tử hình treo trong năm 2013 vì tội nhận hối lộ. Người ta phát hiện ông Liu đã giúp 11 người thắng thầu đường sắt hoặc nhận được chương trình khuyến mại để đổi lấy 64,6 triệu NDT tiền hối lộ từ năm 1986-2011.

Thực tế từ năm 2000, Trung Quốc đã có những giải pháp kiềm chế tham nhũng trong mua sắm công. Tuy nhiên nỗ lực này cho đến nay chưa đạt được kết quả khả quan, tình trạng tham nhũng trong DNNN vẫn đang là vấn nạn lớn của đất nước 1,3 tỷ dân này.