Ước tính hoạt động rửa tiền trên thế giới đạt khoảng 2.000 tỷ USD/năm

Minh Hà (Theo UNODC; IMF)

(Tài chính) Đó là số liệu ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố mới đây. Theo đó, mỗi năm nạn rửa tiền trên toàn cầu chiếm tỷ lệ từ 2 - 5% GDP, tương đương từ 800 - 2.000 tỷ USD/năm. Đây được coi là mối đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính - tiền tệ trên thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đáng có tín hiệu le lói khởi sắc.

Tham nhũng là vấn nạn sản sinh ra lượng "tiền bẩn" khổng lồ mỗi năm ở các nước trên thế giới. Nguồn: fbi.gov
Tham nhũng là vấn nạn sản sinh ra lượng "tiền bẩn" khổng lồ mỗi năm ở các nước trên thế giới. Nguồn: fbi.gov
Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) mới đây cho biết, chính sự phát triển nhanh của công nghệ, thông tin tài chính và bưu chính viễn thông đã “bật đèn xanh” cho việc chuyển tiền đến bất cứ quốc gia nào trên thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng. Điều này khiến cho “cuộc chiến” chống lại nạn rửa tiền ngày càng cấp bách hơn.

Trên thực tế, hàng ngày lưu lượng “tiền bẩn” vẫn được gửi vào hệ thống các ngân hàng ở khắp nơi trên thế giới, gây khó khăn hơn cho việc xác định nguồn gốc của loại tiền này đến từ đâu.

Chính những bí ẩn về nguồn gốc của “tiền bẩn” khiến cho các cơ quan hữu quan khó có thể ước lượng được chính xác tổng lượng tiền thông qua quy trình rửa tiền khép kín nghiêm ngặt rất khó phát hiện.
 
Theo IMF, mỗi năm nạn rửa tiền trên toàn cầu chiểm tỷ lệ từ 2 - 5% GDP, tương đương khoảng 800 tỷ - 2.000 tỷ USD/năm. Nguồn gốc của lượng “tiền bẩn” trên bắt nguồn từ việc sản xuất, chế biến ma túy trái phép, buôn lậu vũ khí, buôn người, tham nhũng, trốn thuế, bắt cóc tống tiền và trộm cắp. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán đồng USD trên thị trường “chợ đen” cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây ra nạn rửa tiền.

Có một số ý kiến cho rằng, không thể phủ nhận lợi ích mà tiến trình toàn cầu hóa mang lại, song cũng phải nhìn nhận rằng, nó cũng là nguyên nhân gây ra vấn nạn rửa tiền đáng tiếc và các hoạt động phi pháp khác.
 
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, một học giả châu Âu cho rằng, hoạt động rửa tiền vừa lãng phí nguồn lực kinh tế của xã hội (thay vì đầu tư vào các hoạt động sản xuất thật sự hữu ích), vừa bóp méo sự phân bổ của các nguồn lực.

Như vậy, giải pháp hữu hiệu để chống rửa tiền đã được các quốc gia đặt ra, nhưng để giải quyết hiệu quả  vấn đề này thì cần có sự phối hợp quyết tâm giữa các quốc gia trên thế giới với nhau. Tuy nhiên, để triển khai, thực hiện được giải pháp này là điều không đơn giản, bởi mỗi nước có cách nhìn nhận và giải quyết việc rửa “tiền bẩn” khác nhau. Vấn đề mấu chốt là phải “dẹp” được nạn tham nhũng đang tồn tại cố hữu ở nhiều nước trên thế giới./.