Vén bức màn bí mật của các thiên đường thuế

Theo Đại biểu Nhân dân

Để giải quyết thâm hụt nguồn thu ngân sách, các nước châu Âu đang ráo riết tìm cách vén bức màn bí mật của các ngân hàng để truy thu thuế hàng trăm nghìn cá nhân gửi tiền ở những nơi được coi là “thiên đường thuế”.

Vén bức màn bí mật của các thiên đường thuế
Ảnh minh họa. Nguồn: federaltax.net

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jérôme Cahuzac, người chịu trách nhiệm tìm kiếm khoản ngân sách bổ sung khoảng 5 tỷ euro để bù đắp thâm hụt, chủ yếu bằng biện pháp chống thất thu thuế, đã phải từ chức sau khi thú nhận sở hữu một tài khoản ở nước ngoài có giá trị 600.000 euro không khai báo để trốn thuế.

Vụ việc trên, cùng với sự kiện OffshoreLeaks - chiến dịch do 38 tờ báo lớn thuộc Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tổ chức thực hiện - tiết lộ nắm giữ tên tuổi của hàng trăm nghìn chủ sở hữu tài khoản tại các thiên đường thuế ở hơn 170 nước, đã đưa vấn đề trốn thuế thu nhập cá nhân lên thành vấn đề quốc tế nổi bật.

Những cái tên được ICIJ tiết lộ bao gồm cả cựu giám đốc tài chính chiến dịch tranh cử của Tổng thống Pháp Franois Hollande, ông Jean - Jacques Augier. Hai sự kiện này đã làm suy yếu Chính phủ Pháp và một lần nữa nhấn mạnh sự thiếu hiệu quả của cuộc chiến chống gian lận thuế trên thế giới.

Theo đánh giá của giới phân tích, nỗ lực phối hợp hành động để xây dựng cơ chế chống trốn thuế một cách có hệ thống đã vấp phải nhiều trở ngại, đặc biệt là các quy định có tính chất truyền thống về bảo vệ bí mật ngân hàng của một số nước thuộc Liên minh châu Âu, vốn từ lâu được coi là nơi cất trữ tài sản đáng tin cậy của giới giàu có. Thực tế, cơ chế quốc tế chống trốn thuế hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế. 

Từ tháng 4.2009, khi sự thiếu minh bạch của thị trường tài chính bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhóm G-20 đã quyết định chấm dứt sự tồn tại của các thiên đường thuế trên thế giới. Dưới áp lực mạnh mẽ của các nước này, phần lớn các lãnh thổ được xếp vào danh sách “không hợp tác” đã ký thỏa thuận cung cấp thông tin ngân hàng theo yêu cầu, đổi lại họ được loại ra khỏi bản danh sách đen về thiên đường thuế do OECD giám sát.  

Tuy vậy, cho tới nay các thỏa thuận có tính chất song phương không giải quyết được vấn đề. Trong vụ bê bối Jérôme Cahudzac, Pháp đã gửi cho Thụy Sỹ yêu cầu cung cấp thông tin từ tháng 1, ngay sau khi có tin đồn quan chức này có tài khoản mật tại ngân hàng UBS. Vào thời điểm đó, tài khoản này đã được chuyển đi một nơi khác, nên yêu cầu của Pháp không giúp làm sáng tỏ nghi ngờ. Việc trao đổi tin tức chỉ giúp khẳng định một thông tin đã có, chứ không có tác dụng hỗ trợ điều tra. Giải pháp được nhiều chuyên gia khuyên dùng là yêu cầu các ngân hàng phải tự động cung cấp thông tin về chủ tài khoản ngoại quốc.

Mạng Công lý Thuế ước tính toàn thế giới có từ 21 đến 32 nghìn tỷ USD tài sản tư nhân nằm ở các thiên đường thuế nước ngoài. Theo công ty tư vấn Boston Consulting Group, số tiền này khiêm tốn hơn, nhưng cũng lên đến 8 nghìn tỷ. Để đối phó với vấn nạn này, năm 2010 Mỹ đã thông qua Luật về nghĩa vụ thuế đối với các tài khoản nước ngoài (Foreign Account Tax Compliance Act, còn gọi tắt là Fatca), buộc tất cả các ngân hàng trên thế giới công bố thông tin về tài khoản, khoản đầu tư và thu nhập ở nước ngoài của những người đóng thuế Mỹ, nếu không sẽ bị trừng phạt. Fatca được coi là mô hình kiểu mẫu và nay châu Âu đang muốn áp dụng.

Từ nhiều năm nay, Ủy ban châu Âu thúc đẩy thông qua một chỉ thị áp đặt quy định cung cấp tự động thông tin về chủ tài khoản tại các ngân hàng trong khối. Chỉ thị này vấp phải sự phản đối của một số nước muốn bảo vệ bí mật ngân hàng, đặc biệt là Áo. Thế nhưng, sau khi Thụy Sỹ và Luxembourg đã ký thoả thuận với Mỹ chấp thuận áp dụng luật Fatca, cả hai nước mới đây cũng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận yêu cầu tương tự của châu Âu. Vấn đề còn lại là thuyết phục Áo. Trong khi Bộ trưởng ngoại giao Áo thừa nhận bí mật ngân hàng của nước này “không có tương lai”, Bộ trưởng Tài chính Maria Fekter vẫn khẳng định “Áo sẽ kiên quyết giữ bí mật ngân hàng”. Tuy vậy, ngay cả khi được thông qua, chỉ thị này được đánh giá là khiêm tốn và hiệu quả chỉ bằng 10% luật Fatca.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính 6 nước lớn nhất trong EU (gồm Pháp, Đức, Anh, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha) đã phác thảo một kế hoạch hành động chống trốn thuế. Bản kế hoạch của nhóm nước tự nguyện đi đầu, sẽ được mở rộng trong nay mai, yêu cầu các ngân hàng tự động cung cấp thông tin của những chủ sở hữu không định cư, thay vì chỉ cung cấp khi có yêu cầu như hiện nay, với mục tiêu áp đặt một cơ chế giám sát và đối chiếu thuế hiệu quả lên hệ thống ngân hàng của tất cả các nước thành viên, giống như cơ chế của luật Fatca.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính EU tại Dublin cũng quyết định đưa vấn đề chống trốn thuế thành chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh khối ngày 22.5 tới. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, cần “nắm lấy cơ hội chính trị” đang nóng hổi để thúc đẩy tiến triển trên hồ sơ đặc biệt quan trọng này. Ước tính, bí mật ngân hàng châu Âu đang che đậy một khoản tiền trốn thuế lên đến 1.000 tỷ euro, tương đương một nửa GDP của Pháp.