Vì sao CPTPP toàn diện, khả thi hơn TPP?

Theo Phương Hiền/baochinhphu.vn

Không còn sự tham gia của Hoa Kỳ, Hiệp định TPP giờ đây đã có “phiên bản” mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Ngày 11/11/2017, 11 nước thành viên đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành CPTPP - tức Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Nguồn: Internet
Ngày 11/11/2017, 11 nước thành viên đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành CPTPP - tức Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Nguồn: Internet

Điều mà nhiều người quan tâm là vì sao tính khả thi và toàn diện hơn lại được nhấn mạnh ở một liên minh kinh tế không thể bằng TPP “cũ” cả về quy mô thị trường, sức mạnh kinh tế lẫn kim ngạch thương mại đa phương.

Những hàm ý có thể từ CPTPP

Ngày 11/11/2017, 11 nước thành viên đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành CPTPP - tức Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đây được xem là “phiên bản” mới của TPP “cũ” với tính khả thi và toàn diện cao hơn.

Theo TS. Trần Du Lịch, sở dĩ nói khả thi hơn là vì Hiệp định mới đã tạm “rút bớt” những nội dung còn có ý kiến khác nhau, tạm hoãn lại những điều kiện cao có thể gây xung đột lợi ích giữa các nước thành viên. Còn về cơ bản là đạt được đồng thuận.

“Dù vẫn phải chờ thêm các bước đi tiếp theo nhưng Thỏa thuận Đà Nẵng cũng đã là thành công của Việt Nam khi thúc đẩy được sự nhất trí tiến về phía trước của 11 nước thành viên còn lại”, vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.

Trong khi đó, từ khía cạnh cơ quan nghiên cứu và tư vấn hội nhập cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP. Hồ Chí Minh tin rằng bản chất TPP12 trước đây đã là Hiệp định rất tiến bộ của thế kỷ 21 với kỳ vọng đạt được sự tự do hóa thương mại cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Với ‘cái gốc’ có tiêu chuẩn rất cao như vậy, nên trong dài hạn không thành viên nào muốn hạ thấp các điều khoản nền tảng, thay vào đó chỉ là ‘tạm gác’ những điều khoản khó khăn nhất để chuyện thực thi Hiệp định được dễ dàng hơn”, ông An phân tích.

Thật vậy, nếu quan sát diễn biến toàn bộ quá trình đàm phán của Hiệp định này từ tháng 5 (thời điểm 11 nước thành viên quyết định khởi động lại TPP không có Hoa Kỳ) đến tháng 11 năm nay, có thể thấy ngay đây là bước đi khôn ngoan. Về bản chất, CPTPP vẫn mang “luồng tư tưởng” xuyên suốt và nội dung cơ bản của Hiệp định TPP12 đã được đàm phán suốt 5 năm qua giữa các nước.

Tuy nhiên, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút lui thì 11 nước còn lại phần nào đã được giải tỏa sức ép trước một số điều khoản rất khó khăn. Thế là một giải pháp khôn ngoan được đặt ra: “Thay vì sửa đổi hoặc bỏ đi một số nội dung trong TPP ‘cũ’ thì những người đàm phán thống nhất tạm hoãn lại 20 điều khoản”.

Có những học giả tin rằng đây chính là bước đi chiến lược “để ngỏ” cánh cửa cho sự quay lại của Hoa Kỳ vào một thời điểm thích hợp. Và nếu giả định này xảy ra thì lúc ấy, 20 điều khoản tạm hoãn này sẽ được “kích hoạt” trở lại và thực thi đầy đủ.

Cơ hội và thách thức vẫn phía trước

Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc năm 2016 đã cho thấy: Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ là 2.450 tỷ USD. Trong đó, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 2%. Như vậy, tiềm năng từ thị trường còn quá lớn này vẫn nằm trong “tầm ngắm” của doanh nghiệp tại Việt Nam, bất chấp TPP có trở thành “phiên bản” nào đi nữa. Chỉ là khi Hoa Kỳ rút đi thì cơ hội trở thành đối tác “hưởng lợi nhiều nhất” cho một số ngành nghề của Việt Nam không còn.

Nhưng nếu nhìn vào bình diện chung của thực tế xuất nhập khẩu Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, có thể thấy sự kiện Hoa Kỳ rút khỏi TPP dường như không thể ngăn cản nổi xu hướng giao lưu thương mại ngày càng tăng giữa hai nước. So với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam - Hoa Kỳ năm nay vẫn tăng gần 10%. Và Hoa Kỳ vẫn đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc.

Riêng 3 quý đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu sang Hoa Kỳ 24,1 tỷ USD. Điều này cho thấy doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang khai thác tốt thị trường này. Tất nhiên, “nếu có Hoa Kỳ tham gia Hiệp định thì doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ được nhận giá trị ‘cộng thêm’, còn không thì xu hướng doanh nghiệp tiếp tục ‘chinh phục’” thị trường Hoa Kỳ vẫn sẽ diễn ra như lâu nay”, ông Phạm Bình An nhận xét.

Ngoài ra, theo người đại diện Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO thì “cái hay ở chỗ CPTPP có tính ‘mở’, tức sẵn sàng đón nhận các nền kinh tế khác tham gia. Bởi vậy, doanh nghiệp không phải chờ đợi gì cả, cứ sẵn sàng ‘nâng cấp’ để khi cơ hội mở rộng thị trường xuất hiện là có thể tận dụng ngay”.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, “doanh nghiệp hãy chứng tỏ mình tận dụng hết các FTA mà Việt Nam có tham gia đi đã, như hiệp định với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU chẳng hạn. Và một điều cực kỳ quan trọng khác lúc này là dõi theo câu chuyện về con đường đi tới Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ”.