Vì sao dự án của Trung Quốc bị “đào thải” ở nhiều nước?

Theo thesaigontimes.vn

Các dự án của Trung Quốc đang bị “đào thải” khỏi các quốc gia khắp thế giới với những lo ngại khác nhau của chính quyền các nước. Điều này cho thấy vấn đề gì?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Reuters đưa tin vào ngày 11/8/2016, Chính phủ Úc đã từ chối bán cổ phần trong mạng lưới điện Ausgrid cho hai nhà thầu gồm tập đoàn State Grid của Trung Quốc và tập đoàn Cheung Kong Infrastructure (CKI) của Hồng Kông vì những lo ngại về vấn đề an ninh. Hai nhà thầu này dự định sẽ mua 50,4% cổ phần của Ausgrid.

Cách sự kiện này gần hai tuần, vào ngày 30/7/2016, tân Thủ tướng Anh Theresa May đã đưa ra quyết định tạm ngừng phê chuẩn dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Hinkley Point trị giá gần 24 tỉ đô la Mỹ có vốn đầu tư Trung Quốc do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.

Trước đó, vào ngày 9/6/2016, Công ty XpressWest của Mỹ đã tuyên bố hủy hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc với tập đoàn Đường sắt quốc tế Trung Quốc (CRI). XpressWest cho biết nguyên nhân chính là do “vấn đề thời gian và khó khăn của CRI trong việc đáp ứng yêu cầu của chính quyền trong việc triển khai dự án”, theo LA Times.

Dự án này trước đó dự kiến sẽ dài 370 ki lô mét nối liền hai thành phố Los Angeles và Las Vegas của Mỹ. Mặc dù phía CRI không đưa ra tuyên bố chính thức nhưng sau đó Tân Hoa xã đã dẫn lời một quan chức của CRI cho biết phía Mỹ đã “vô trách nhiệm” khi đơn phương hủy hợp đồng trong khi hai bên vẫn đang trong quá trình thương lượng, theo Reuters.

Tại Nam Mỹ, vào tháng 4/2016, Nhà máy Lọc dầu quốc gia Costa Rica (RECOPE) cũng đã hủy dự án xưởng lọc dầu trị giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc đầu tư tại nước này. Trên thực tế, dự án này có số phận “lênh đênh” trong suốt chín năm qua, bất chấp phía Trung Quốc chấp nhận cho Chính phủ Costa Rica vay 900 triệu đô la Mỹ.

Ngoài ra, dự án kênh đào tham vọng của Trung Quốc tại Nicaragua cũng đã rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Được khởi công cuối năm 2014, dự án 50 tỉ đô la Mỹ được xem là đối trọng với kênh đào Panama. Tuy nhiên, đến tháng 11/2015, dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Người phát ngôn của Ủy ban kênh đào Nicaragua trả lời: “Kênh đào tạm hoãn không phải vì vấn đề tài chính mà là vì vấn đề thời gian kỹ thuật (cho những nghiên cứu môi trường)”, theo Financial Times.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một quốc gia ngừng hợp tác với Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR, bốn nguyên nhân chính lần lượt liên quan đến vấn đề môi trường; vấn đề xã hội; sự thiếu minh mạch trong đấu thầu và lo ngại về an ninh.

Đầu tiên, những dự án phớt lờ tác động đến môi trường đã khiến cho người dân các nước phản đối. Bên cạnh dự án kênh đào Nicaragua kể trên, chính phủ Campuchia, Myanmar, Canada và Sri Lanka cũng đã ngừng cho phép Trung Quốc thi công các dự án sau khi đánh giá lại tác động môi trường.

Thứ hai, những ảnh hưởng về mặt xã hội cũng khiến các quốc gia không còn mặn mà với các nhà thầu Trung Quốc. Đơn cử, tại Myanmar, trước làn sóng phản đối của người dân, chính phủ của cựu Tổng thống Thein Sein đã hoãn ba siêu dự án từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, vấn đề lao động cũng tác động không nhỏ. Đặc điểm của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) sử dụng vốn Trung Quốc là quy mô lớn và sử dụng chủ yếu lao động Trung Quốc. Do đặc điểm sinh sống và làm việc của người Trung Quốc tương đối tập trung theo nhóm, hay hình thành các “Chinatown” nên đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền sở tại trong việc quản lý.

Thứ ba, sự thiếu minh bạch đang khiến Trung Quốc mất điểm. Việc các nhà thầu Trung Quốc vận động hành lang mạnh để giành được các dự án cơ sở hạ tầng cũng khiến chất lượng công trình bị giảm sút. Thông thường, khi lựa chọn nhà thầu Trung Quốc, quốc gia sẽ được vay vốn của Trung Quốc để đầu tư.

Tuy nhiên, lựa chọn này dễ dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”. Việt Nam chẳng hạn, đã gặp thách thức đối với việc quản lý, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chi phí và xử lý các vấn đề môi trường, xã hội tại các dự án trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Ninh Thuận, đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.

Cuối cùng và quan trọng hơn cả, sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và những căng thẳng về chủ quyền với các nước láng giềng khiến chính phủ các nước nghi ngại các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ được sử dụng như vũ khí chính trị.

Trước sự nhiệt tình thái quá của Trung Quốc trước các dự án đầu tư trọng điểm, như trong trường hợp Nhà máy Điện hạt nhân Hinkley Point hay mạng lưới điện Ausgrid, các quốc gia phải cân nhắc thận trọng và rõ ràng, để đảm bảo an ninh quốc gia, họ buộc phải từ bỏ các nhà thầu Trung Quốc.

Những siêu dự án của Trung Quốc có thể sẽ trở thành những lâu đài trên cát nếu nó còn tồn tại những gót chân Achilles như vậy.