Vì sao Pakistan phải xin cứu trợ từ IMF?

Theo TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Pakistan Asad Umar đã lên tiếng xin cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Dư luận cho rằng nguyên nhân có thể liên quan tới các dự án thuộc Sáng kiến BRI do Trung Quốc khởi xướng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kể từ những năm 1980 tới khi Asad Umar lên tiếng, Pakistan đã phải xin IMF cứu trợ 13 lần, gần nhất là vào năm 2013 với gói cứu trợ trị giá 6,7 tỷ USD.

Các nhà kinh tế cho rằng lần này Pakistan cần phải huy động được 12 tỷ USD thì mới có thể dọn dẹp được đống đổ nát tài chính do chính phủ tiền nhiệm để lại, tránh rơi vào khủng hoảng tài chính do thâm hụt thương mại tăng mạnh kết hợp với dự trữ ngoại tệ giảm mạnh. Và việc Pakistan xin cứu trợ của IMF dường như là chuyện vạn bất đắc dĩ.

Từ khi lên cầm quyền vào giữa tháng 8/2018 tới nay, Thủ tướng Pakistan Imran Khan luôn nỗ lực tìm kiếm các khoản vay từ các nước Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia, nhằm giải quyết vấn đề kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, điều kiện mà Saudi Arabia đưa ra, theo Bộ trưởng Thông tin Pakistan Chaudhry Fawad Hussain, khó có thể chấp nhận. Saudi Arabia từng yêu cầu Pakistan đứng về phía mình trong xung đột với Iran, nhưng Iran lại là nước có đường biên giới rất dài với Pakistan, cho nên Pakistan đã từ chối yêu cầu trên.

Không thành công trong việc cầu viện Saudi Arabia, Pakistan đành phải nhờ tới IMF đúng như dự đoán của giới chuyên gia đưa ra từ trước khi chính phủ của ông Imran Khan lên nắm quyền. Vấn đề là IMF có đồng ý cứu trợ Pakistan hay không bởi Mỹ là cổ đông lớn nhất của IMF, trong khi đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây tuyên bố sẽ phản đối bất cứ kế hoạch cho vay nào của IMF nhằm giúp Pakistan trả nợ Trung Quốc.

Tờ Economic Journal dẫn tư liệu công khai cho biết Trung Quốc đang triển khai rất nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Pakistan như đường cao tốc, đường sắt, đường ống dẫn dầu, cảng biển, nhà máy điện… với tổng quy mô lên tới 62 tỷ USD. 

Mặc dù ngập trong nợ nần, nhưng Pakistan lại không thể dừng những công trình tốn kém, hiệu quả thấp này lại được. Nguyên nhân là do 1/3 trong số đó đang trong giai đoạn xây dựng hoặc đã hoàn thành.

Trung Quốc kỳ vọng xây dựng Pakistan trở thành “cửa sổ” phản ánh thành quả của BRI và lấy đó để làm giảm ảnh hưởng của Mỹ, vẽ lại bản đồ địa chính trị toàn cầu. Bên cạnh đó, BRI còn được nhìn nhận như một công cụ quan trọng để Trung Quốc chống lại thế bao vây chiến lược của Mỹ. Bắc Kinh cũng biết rõ dù có từ bỏ BRI, điều đó không có nghĩa Mỹ sẽ nới lỏng chiến lược kiềm chế Trung Quốc. 

Vì thế Trung Quốc chỉ còn cách tiếp tục thúc đẩy BRI. Nhưng giờ đây, vì các dự án thuộc BRI, Pakistan phải xin cứu trợ từ IMF, không chỉ tương lai BRI trở nên chông chênh, mà Trung Quốc cũng rơi vào thế khó xử.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde chỉ rõ Pakistan hay bất cứ quốc gia nào muốn vay tiền của IMF thì trước tiên phải tuyệt đối minh bạch về tính chất, quy mô và điều khoản vay mượn từ nước chủ nợ. Như vậy, nếu Pakistan muốn nhận được gói cứu trợ của IMF, nước này phải báo cáo rõ với IMF về tình hình vay nợ từ Trung Quốc. 

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày một leo thang, nhiều nhà quan sát cho rằng tình cảnh khó khăn hiện nay của Pakistan có thể trở thành “cái cớ mới” để Mỹ vin vào nhằm chỉ trích “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc thông qua thúc đẩy BRI.