Vị trí trung tâm tài chính hàng đầu của Anh bị lung lay vì Brexit

Theo TTXVN

Theo nghiên cứu mới nhất của công ty kiểm toán Ernst & Young (EY), ngành tài chính của Anh vẫn là địa chỉ đầu tư quốc tế hấp dẫn nhất châu Âu, song khoảng cách với các trung tâm tài chính khác trong khu vực đang dần thu hẹp, do lo ngại những tác động từ tiến trình Brexit.

Trung tâm tài chính London gồm văn phòng của các ngân hàng HSBC, Citigroup, JPMorgan Chase, Barclays... Nguồn: Internet
Trung tâm tài chính London gồm văn phòng của các ngân hàng HSBC, Citigroup, JPMorgan Chase, Barclays... Nguồn: Internet
Phóng viên TTXVN tại London dẫn nghiên cứu trên cho hay trong năm 2016, ngành tài chính Anh đã thu hút 99 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mức cao nhất kể từ năm 2006 và tăng 5% so với năm trước đó. 

Đứng ở vị trí thứ hai, Đức thu hút 39 dự án, tăng 18%, và Pháp ở vị trí thứ ba với 25 dự án, tăng 25%. 

Thủ đô London (Anh) được ví là “thủ đô” của châu Âu về vốn đầu tư trong lĩnh vực tài chính, thu hút 69 dự án trong năm 2016; Paris (Pháp) và thành phố Frankfurt (Đức) đuổi bám ở vị trí thứ hai và thứ ba, với lần lượt 19 và 12 dự án. 

Mỹ là nước rót nguồn vốn FDI lớn nhất vào ngành tài chính Anh trong năm 2016, chiếm tới 1/3 tổng vốn FDI, tiếp đến là Trung Quốc chiếm 9% trên tổng số. 

Nghiên cứu của EY được thực hiện qua thăm dò ý kiến của 80 nhà đầu tư nước ngoài tại 20 nước trên toàn thế giới. 83% số người được hỏi trả lời rằng chất lượng cuộc sống, văn hóa và công nghệ là những yếu tố mang lại sức hấp dẫn cho nước Anh trong vai trò là trung tâm tài chính hàng đầu ở châu Âu. 

Bên cạnh đó, 42% số nhà đầu tư tham gia khảo sát cho rằng việc đánh mất khả năng tiếp cận các thị trường EU là mối quan ngại chủ yếu.