Tăng trưởng chậm

Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 29/5/2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhấn mạnh, tình hình kinh tế liên minh châu Âu (EU) suy giảm kéo dài đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Dự báo, tăng trưởng của khu vực Eurozone trong năm 2013 sẽ sụt giảm 0,6%. Theo OECD, EU có mức sụt giảm tăng trưởng như trên là do đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ngân hàng yếu kém, nợ công vẫn đang ở mức cao…

Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã bị OECD hạ dự báo tăng trưởng năm 2013 xuống còn 0,4% (so với mức dự báo 0,6% tháng 11/2012), còn mức tăng trưởng GDP năm 2014 vẫn giữ ở mức 1,9%. Báo cáo của OECD cũng cho hay, GDP của Đức trong quý I/2013 chỉ tăng 0,1% so với quý IV/2012. Các chuyên gia cho rằng, sự tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế đầu tàu này là không đủ sức kéo “con tàu” EU đang ngày càng lún sâu vào vũng bùn suy thoái.

Thất nghiệp cao sẽ kéo theo các hệ luỵ xã hội không thể xem thường. Theo báo cáo của ILO, 71 nền kinh tế có nguy cơ mất ổn định xã hội gia tăng từ năm 2011 - 2012, trong đó, các nước thành viên của EU có nguy cơ mất ổn định xã hội cao nhất.

Pháp – nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Eurozone cũng đã hai quý suy giảm liên tiếp với mức giảm 0,2%, tính từ quý IV/2012. Bên cạnh đó, theo OECD, Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha là những nước có mức tăng trưởng cũng rất đáng lo ngại.

Tỷ lệ thất nghiệp cao

Theo dự báo của OECD, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực Eurozone sẽ tiếp tục tăng từ mức hiện tại (12%) và ổn định trở lại trong năm 2014. Còn trong báo cáo “Tình hình Việc làm thế giới 2013” công bố ngày 3/6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho rằng bức tranh việc làm của châu Âu vẫn rất u ám.

Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực Eurozone tháng 4/2013 đã lên mức kỷ lục mới là 12,2% khiến giải quyết việc làm trở thành một trong chương trình nghị sự được ưu tiên hàng đầu ở châu Âu cùng với cuộc khủng hoảng nợ công. Đáng lo hơn là tỷ lệ thất nghiệp lên mức khó tin là 59,1% ở Hy Lạp hồi tháng 1 vừa qua hay 55,9% tại Tây Ban Nha trong tháng 3.

Thất nghiệp cao đã kéo theo các hệ lụy xã hội không thể xem thường như không ít cuộc biểu tình đòi công ăn việc làm, những cuộc bạo động đường phố. Theo báo cáo của ILO, trong số 71 nền kinh tế có nguy cơ mất ổn định xã hội gia tăng từ năm 2011 - 2012 thì các nước thành viên của EU có nguy cơ mất ổn định xã hội cao nhất, đặc biệt là Cyprus, Cộng hòa Czech, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha.

Giải pháp

Các nước châu Âu đang dồn mọi nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết công ăn việc làm như: cắt giảm lãi suất chỉ đạo (từ 0,75% xuống còn 0,50% (2/5/2013); đề ra “Sáng kiến cho giới trẻ”, với ngân sách 6 tỷ USD dành cho những vùng mà tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao hơn 25%...

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) đã gia hạn thêm 2 năm cho Pháp để hoàn thành chương trình “thắt lưng buộc bụng”. Các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Slovenia cũng được tăng thêm thời gian để thực hiện chương trình thắt chặt tài khóa. Tuy nhiên, EC khuyến cáo các nước cần tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm nợ công (nhưng với tốc độ chậm hơn), thực hiện cải cách cơ cấu nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 – 2013

Việc làm là cứu cánh...

Hồng Vân

(Tài chính) Khủng hoảng nợ công lan rộng khiến các nước châu Âu đã phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đến nay, hậu quả rõ nhất từ các biện pháp này là suy thoái kinh tế kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao kỷ lục…

Xem thêm

Video nổi bật