Viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2013

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Kết thúc năm 2012, thế giới tiếp tục chứng kiến một năm thoát hiểm của các nền kinh tế lớn và kịch bản xấu nhất đối với kinh tế toàn cầu đã không xảy ra, khi vào thời khắc chuyển giao sang năm mới 2013, hai đảng trong Quốc hội đã đạt được thỏa thuận tạm thời giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới này tránh được "vách đá tài chính" trong gang tấc...

Trước đó, nguy cơ tan rã khu vực euro cũng bị đẩy lùi sau khi Liên minh châu Âu nhất trí thành lập một cơ quan giám sát ngân hàng duy nhất trên toàn khu vực euro nhằm đảm bảo ổn định tài chính tại khu vực euro và toàn châu Âu, tiến tới thành lập liên minh ngân hàng và các bước tiếp theo trong quá trình nhất thể hóa châu Âu.

Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức kinh tế quốc tế đều thận trọng khi đưa ra nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2013 tiếp tục ảm đạm và không phục hồi nhanh như kỳ vọng. Báo cáo do Liên Hợp Quốc công bố ngày 18/12/2012 nêu rõ, kinh tế thế giới năm 2013 rất có thể sẽ tiếp tục ảm đạm, dự kiến chỉ tăng trưởng 2,4% và đang đứng trước nguy cơ lại rơi vào suy thoái trong 2 năm tới. Gần đây nhất, báo cáo cập nhật sáu tháng một lần do  Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/01 cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 do các biện pháp khắc khổ, thất nghiệp cao và lòng tin của doanh nghiệp suy giảm đang trút thêm gánh nặng lên các nước phát triển (xem bảng dưới đây).

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013

Quốc gia, khu vực

Báo cáo hồi 01/2013

Báo cáo hồi 6/2012

Toàn cầu

2,4

3,0

Các nước phát triển

1,3

1,9

Các nước đang phát triển

5,5

5,9

Mỹ

1,9

-

Khu vực euro

-0,1

0,7

Nhật Bản

0,8

1,5

Trung Quốc

8,4

8,6

Ấn Độ

6,1

6,9

Brazil

3,4

4,2

Mêxico

3,3

4,0

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Báo cáo 6 tháng một lần của WB nhận định, môi trường kinh tế toàn cầu năm 2013 vẫn mong manh và tiếp tục thất vọng, cho dù mức độ rủi ro đã giảm và không trầm trọng như những năm gần đây. Các nền kinh tế phát triển đã mất động lượng trong năm 2012, mặc dù đã thực hiện các giải pháp khắc phục khủng hoảng, củng cố các thị trường tài chính trên toàn cầu. Bất ổn xung quanh thỏa thuận chính trị tại Mỹ về cắt giảm chi tiêu công và căng thẳng Nhật – Trung là trở ngại lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu, trong khi các thị trường mới nổi vừa mới phục hồi từ mức tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ qua. 

Theo nhận định của WB, bất đồng về kế hoạch tài khóa trung hạn tại Mỹ đã dẫn đến tranh cãi chính trị, làm suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế này cũng như kinh tế toàn cầu. Những rủi ro khác bao gồm, mối quan tâm của các nhà đầu tư về nợ châu Âu, đầu tư giảm bất ngờ tại Trung Quốc và gián đoạn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

Tại Mỹ, thỏa thuận chính trị để tránh “vách đá tài chính” chỉ là giải pháp tạm thời, nước Mỹ sẽ phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn, đặc biệt là vấn đề cắt giảm thâm hụt tài chính, không để nước Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng hơn, hạn chế dần xu hướng nâng trần nợ công theo định kỳ mỗi khi gặp khó khăn như đã tiến hành trong thế kỷ qua. 

Tại châu Âu, mặc tình hình khu vực euro đã được cải thiện với nhiều vấn đề đã được giải quyết trong năm 2012, nhưng phải mất nhiều năm mới thoát khỏi khủng hoảng. Tại khu vực này, lo lắng vẫn dồn về Hy Lạp do quốc gia này sẽ lại yêu cầu hỗ trợ tài chính 20-30 tỉ euro vào tháng 5 tới. Trong khi đó, CHLB Đức chuẩn bị bầu cử, đa số cử tri Đức không muốn nhận thêm gánh nặng vốn đã quá tải này, yêu cầu xem xét lại tư cách thành viên của Hy Lạp tại khu vực euro sẽ trở thành một trong những chủ đề nóng trong năm 2013.

Tại Nhật Bản, khó khăn của nền kinh tế này tiếp tục tăng do hậu quả của động đất và sóng thần xảy ra hồi tháng 3/2011, tỉ lệ nợ công đã lên đến 230% GDP, trong khi tăng trưởng gần như bằng không trong suốt 2 thập kỷ qua, việc đưa ra các gói hỗ trợ tăng trưởng chưa mang lại hiệu quả thiết thực và giảm phát vẫn là vấn đề quan tâm trong năm 2013.

Do kinh tế các nước phát triển hàng đầu vẫn ảm đạm, nhiều người hy vọng vào triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm lại tại đại lục này đang ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu. Hầu hết các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều có chung nhận định, nền kinh tế này đang khó khăn trong việc duy trì nhịp độ tăng trưởng cao để có thể hoàn thành giai đoạn chuyển đổi từ quốc gia có mức thu nhập trung bình sang mức thu nhập cao với nguyên nhân chủ yếu là chất lượng tăng trưởng thấp, bất bình đẳng xã hội đã vượt ngưỡng nguy hiểm và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đây là những rào cản phổ biến nhất mà nhiều quốc gia không thể vượt qua nổi. Dường như chính phủ đang ưu tiên cho lĩnh vực an ninh quốc phòng hơn là thực hiện cải cách để tăng thu nhập, và những khó khăn tại Trung Quốc sẽ nổi lên vào cuối năm 2013.

Dự báo của Liên hợp quốc và của WB có vẻ bi quan hơn so với nhận định của các nhà kinh tế được Bloomberg tổng hợp nhận định của 41 nhà kinh tế học trong thời gian 04-09/01/2013 với dự báo trung bình là, kinh tế toàn cầu tăng 3,2% trong năm 2013 và 3,8% trong năm 2014, kinh tế Mỹ dự kiến tăng 2,5 trong năm 2013 và 2,3% trong năm 2014. Trong khi đó, WB dự báo kinh tế 2014 tăng 3,1%, thấp hơn dự báo 3,35 đưa ra hồi tháng 6/2012. Nhìn chung, các tổ chức kinh tế quốc tế đều dự báo khả quan về môi trường kinh tế thế giới sau năm 2013. Trong đó, các tia hy vọng tập trung vào nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là tác động của việc thay đổi lại chiến lược phát triển kinh tế và tiến bộ đạt được gần đây về công nghệ khai thác dầu đá phiến, đây là hai yếu tố quan trọng đối với việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

Báo cáo gần đây của Cục Dự trữ liên bang (Fed) cho thấy, kinh tế tháng 12/2012 đã cải thiện trên phạm vi toàn quốc, thị trường lao động có tín hiệu khả quan, thị trường chứng khoán tiếp tục phục hồi. Báo cáo cho biết, hoạt động xây dựng nhà ở tăng tốc tới 12,1% trong tháng 12/2012, đánh dấu một năm tốt nhất của lĩnh vực này kể từ năm 2008 và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cho vay mua nhà thời hạn 30 năm đã giảm xuống 3,4% từ 3,89% cùng kỳ năm trước, tỉ lệ thất nghiệp giảm dần từ 8,3% vào đầu năm 2012 và có thể giảm bền vững xuống 7,8% vào cuối năm 2013. Thị trường nhà ở phục hồi mạnh cũng là đòn bẩy cho thị trường chứng khoán, đẩy chỉ số S&P 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên mức cao nhất trong 5 năm qua.

Nhìn chung, kinh tế toàn cầu năm 2013 tiếp tục khó khăn, nhưng không ảm đạm như năm 2012 và các dự báo đều đưa ra nhận định khả quan về triển vọng sau năm 2013.