Vũ khí của Ryadh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Là nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Ảrập Xêút giữ vai trò chủ chốt trên thị trường năng lượng thế giới. Trong bối cảnh giá vàng đen tụt dốc không phanh hiện nay, dầu mỏ là vũ khí để quốc gia vùng Vịnh này giành ảnh hưởng trong khu vực.

Vũ khí của Ryadh
dầu mỏ là vũ khí để Ảrập Xêút giành ảnh hưởng trong khu vực. Nguồn: internet

Tại cuộc họp của OPEC diễn ra tại Vienna, Áo, cuối tháng 11 vừa qua, Ảrập Xêút đã dùng dầu mỏ để chơi trò chơi chính trị, khi ép tổ chức này tiếp tục duy trì sản lượng khai thác ở mức 30 triệu thùng/ngày nhằm kéo giá dầu đi xuống. Hậu quả là giá dầu thế giới giảm tới 35% kể từ đầu năm nay xuống 70 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2010. Câu hỏi đặt ra là tại sao Riyadh lại bất chấp thiện chí của một số quốc gia thành viên OPEC khác, thúc giục tổ chức này duy trì sản lượng ở mức cao trong khi giá dầu vẫn đang tụt dốc? Đây hẳn là cuộc chơi mạo hiểm và sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới Ryadh trong dài hạn. Song, cái đích mà Ảrập Xêút hướng tới là hai đối thủ lớn ganh đua ảnh hưởng tại Trung Đông là Iran và Syria.

Michael Stephens, chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng, với việc tác động để kéo giá dầu thế giới đi xuống, Ảrập Xêút đang hướng tới mục tiêu kìm hãm sự lớn mạnh của Iran, đối thủ tiềm tàng của nước này trong lĩnh vực năng lượng và là đồng minh thân cận của chính quyền Bashar al-Assad ở Syria.

Nhiều chuyên gia cho rằng đang diễn ra Chiến tranh Lạnh giữa Ảrập Xêút và Iran. Trong tất cả các vấn đề lớn của khu vực, mỗi lợi thế mà Tehran giành được đều được xem là một thất bại của Riyadh. Ảrập Xêút cho rằng, Mỹ đã nhượng bộ và tạo điều kiện cho Iran trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Tehran và Nhóm P5+1. Trong quá trình đàm phán này, phương Tây cũng đã đưa ra những đề nghị kinh tế hấp dẫn cho Tổng thống Iran Hassan Rowhani có quan điểm ôn hòa, nhằm xoa dịu những nhân vật theo đường lối bảo thủ ở Tehran. Đối với Riyadh, ông Rowhani chỉ là hiện thân của một chế độ đang tìm cách thống trị Trung Đông. Tại Iraq, Iran đã và đang hỗ trợ bộ máy an ninh quốc gia của nước này. Nếu không có sự can thiệp của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), theo đề nghị giúp đỡ của các khu vực phía Bắc Iraq, trong đó có khu vực giáp biên giới của người Kurd, thì lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm được hết các khu vực của người Hồi giáo dòng Shi’ite.

Với Syria, trong khi liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS thì áp lực lên Tổng thống al-Assad - một đồng minh của Iran - dường như cũng đã giảm nhiều. Trước đây, nhiều nước âm mưu muốn phế truất ông al-Assad, nhưng ngày càng xuất hiện nhiều tin đồn rằng phương Tây sẽ phải xem xét khả năng bắt tay với Damascus trong cuộc chiến chống IS. Với sự hỗ trợ tài chính của Iran, sự cổ súy của phong trào Hezbollah và sự ủng hộ của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngôi vị của Tổng thống al-Assad vẫn được an toàn.

Trong bối cảnh khu vực có nhiều bất ổn và Iran dường như được hưởng lợi nhiều từ tình hình này, Ảrập Xêút đã chọn dùng dầu mỏ làm công cụ để tranh giành ảnh hưởng. Nền kinh tế Iran hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ, sản phẩm chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 25% tổng sản phẩm quốc nội của nước này trong năm 2013. Với sự can dự của Tehran vào cuộc chiến ở Syria và Iraq, mỗi tháng Iran phải chi hàng triệu USD, trong khi vẫn phải cố gắng xoa dịu tình hình bất ổn ở trong nước. Việc Iran đề nghị OPEC cắt giảm sản lượng khai thác trước thềm cuộc họp hồi tháng trước càng khiến cho Ảrập Xêút quyết tâm áp dụng chiến lược một mũi tên trúng hai đích trong cuộc chơi giá dầu.

Trong khi đó, vũ khí dầu mỏ không được Ảrập Xêút áp dụng trực tiếp với Syria mà thông qua Nga. Giá dầu giảm sâu khiến Moscow thiệt hại hàng chục tỷ USD, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga vốn đang gặp khó khăn do những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Giá dầu trượt dốc thì đồng ruble của Nga cũng bị mất giá tới 35% kể từ hồi tháng 6 vừa qua.

Một mũi tên trúng hai đích có vẻ như là một chính sách khôn ngoan của Riyadh ở thời điểm hiện nay, nhất là khi chiến thuật này tránh gây leo thang quân sự trong khu vực.