Vững tay chèo

Theo daibieunhandan.vn

Cuộc họp báo cuối năm thường niên do Tổng thống Nga chủ trì luôn thu hút sự quan tâm của dư luận Nga và thế giới. Bởi lẽ, thông qua các câu trả lời, ông chủ Điện Kremlin vẽ nên bức tranh toàn cảnh của xứ sở bạch dương sau một năm, cũng như đưa ra lập trường, quan điểm của Moscow trong các vấn đề quốc tế. Cuộc họp báo năm nay của Tổng thống Vladimir Putin đặc biệt gây sự chú ý trong bối cảnh Nga đã trải qua năm 2016 nhiều thách thức.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Năm ấn tượng

Cuộc họp báo lớn nhất trong năm được giới báo chí ví với cuộc marathon, bởi kéo dài gần 4 tiếng. Ông Putin đã trả lời tổng cộng 47 câu hỏi của phóng viên, bao quát nhiều lĩnh vực, song tập trung vào các vấn đề trong nước nhiều hơn so với năm ngoái. Trước đó, Tổng thống Nga đã phải lùi thời điểm tổ chức cuộc họp báo để dự lễ viếng Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov, người bị ám sát hôm 19/12 ở Ankara.

Trong năm qua, Tổng thống Putin đã lãnh đạo nước Nga vượt qua nhiều thách thức từ phương Tây, liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào Duma quốc gia (Hạ viện) diễn ra trong tháng 9. Cũng trong năm 2016, Tổng thống Putin đã được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng và quyền lực nhất thế giới. Đây là năm thứ 4 liên tiếp ông được bình chọn danh hiệu này.

Tại họp báo, ông Putin cho biết, tăng trưởng GDP của Nga đã sụt giảm 3,7% so với năm ngoái và dự kiến tiếp tục tăng trưởng âm 0,6% năm nay. Bất kể chịu nhiều khó khăn từ bên ngoài như giá dầu giảm mạnh hay các biện pháp trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga đang dần phục hồi nhờ vào các ngành nông nghiệp, sản xuất, chế tạo máy móc, hóa chất, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Hiện nhiều lĩnh vực của nền kinh Nga đã có khả năng cạnh tranh, thậm chí Nga còn dẫn đầu trong một số lĩnh vực quan trọng.

Thành công năm 2016 của Nga còn thể hiện trong lĩnh vực quốc phòng. Nga đã đạt được nhiều tiến bộ trong hoàn thiện “bộ ba hạt nhân”, bao gồm khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa, hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân và lực lượng vũ trang. Với bước tiến này, Nga đã đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân chiến lược với các tên lửa mới cũng như các hệ thống dùng cho máy bay. Tổng thống Putin cũng một lần nữa khẳng định, Nga mạnh hơn “mọi kẻ xâm lược tiềm tàng”.

Hé lộ tương lai

Theo giới phân tích, các câu trả lời của ông Putin đưa ra những gợi ý về chính sách mà Nga sẽ theo đuổi trong năm tới. Tại cuộc họp báo, ông chủ Điện Kremlin khẳng định: “Chúng ta sẽ chiến thắng”, khi nói về chủ trương phát triển sản xuất trong nước nhằm thay thế nhập khẩu. Tổng thống Putin nhấn mạnh, thay thế nhập khẩu không có nghĩa Nga lựa chọn kịch bản tự cô lập, bởi kinh tế Nga là một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu và đây là điều kiện quan trọng để Nga phát triển kinh tế dựa trên công nghệ cao.

Ông dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ quay trở lại vào cuối năm sau và loại bỏ khả năng thay đổi chính sách lương hưu cũng như thuế suất thu nhập cố định 13%. Bên cạnh đó, Moscow cũng chủ trương cải thiện hệ thống tư pháp theo hướng nhân đạo hơn. “Nga rộng lớn và rất phức tạp, một số kẻ cực đoan vẫn đang bảo vệ các giá trị tự do và thể hiện sự khiêu khích công khai. Điều này cũng đúng với cả những kẻ yêu nước một cách quá khích. Do đó, mọi người cần trở nên nhún nhường hơn. Họ cần phải hiểu hơn về đất nước mình đang sống”.

Trả lời các câu hỏi liên quan đến quan hệ của Nga với phương Tây, ông Putin nhấn mạnh, Nga không muốn hủy hoại quan hệ với phương Tây và Đức. Việc áp đặt là lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) chỉ là sự đáp trả của Nga đối với các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt lên Moscow. Ông Putin khẳng định, sẽ dỡ bỏ ngay lệnh trừng phạt nếu các đối tác EU cũng làm như vậy. Ông nhấn mạnh, Nga sẵn sàng và luôn mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với EU và Mỹ trên mọi lĩnh vực, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, trên tinh thần đối tác - hợp tác tin cậy.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho rằng, quan hệ Nga - Mỹ khó có thể tồi tệ hơn; đồng thời bày tỏ hy vọng, tại cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp tới, hai nhà lãnh đạo có thể cùng nhau thảo luận phương hướng cải thiện quan hệ song phương. Ông cũng cảnh báo, việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002 là nhân tố lớn nhất có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang. Ông nhấn mạnh, Nga đang tăng cường năng lực hạt nhân, cũng giống như các cường quốc hạt nhân khác. Tuy vậy, ông Putin khẳng định, Nga sẽ không bao giờ lãng phí tiền bạc hay bị lôi kéo vào các cuộc chạy đua vũ trang.

Mặc dù phạm vi phần hỏi - đáp khá rộng, song có ít thông tin mới được đưa ra tại cuộc họp báo năm nay. Được phóng viên quan tâm nhất câu hỏi về việc ông Putin có tiếp tục tham gia nhiệm kỳ Tổng thống kế tiếp không. Ông Putin cho biết, sẽ đưa ra quyết định dựa trên tình hình trong nước và thế giới, cũng như đánh giá những gì đã làm, cần làm và làm thế nào. Giới bình luận đánh giá, dù vậy, ông Putin đã thể hiện rất tốt trong phần trả lời các câu hỏi của báo giới, khẳng định được bản lĩnh vững vàng và vai trò quyết định trong việc chèo lái đất nước vượt qua khó khăn, hóa giải những thách thức để phát triển bền vững. Có lẽ sau cuộc họp báo này, những đối thủ của nước Nga sẽ thất vọng vì lập trường kiên định của người đứng đầu Điện Kremlin trong các vấn đề liên quan tới Nga thời cấm vận.

Liên quan tới cuộc nội chiến ở Syria, Tổng thống Nga cho rằng, với việc quân chính phủ Syria giành quyền kiểm soát vùng phía đông thành phố Aleppo khỏi tay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã đến lúc khởi động các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn trên toàn Syria và thực hiện những bước đi thực sự nhằm đạt được giải pháp chính trị cho tình hình ở Syria.