WB bi quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015

Huy Hiếu

(Taichinh) - Ngày 10/6/2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu”. Theo Báo cáo, năm 2015 trở thành năm thứ 4 liên tiếp kinh tế toàn cầu có mức tăng trưởng đáng thất vọng.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nguồn: WB
Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nguồn: WB

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu ra 6 tháng/lần, WB dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2015 sẽ tăng trưởng 2,8% (giảm so với mức 3% mà tổ chức tài chính này đưa ra hồi tháng 01/2015). Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 và 2017 dự báo vẫn ở mức 3,3% và 3,2%.

Với các nền kinh tế phát triển, WB nhận định các nước này sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2015, 2,4% trong năm 2016 và 2,2% trong năm 2017 (từ mức tăng 1,8% đạt được trong năm 2014).

Khu vực châu Âu và Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại, kinh tế Mỹ mở rộng tuy còn hơi yếu vào đầu năm. WB kỳ vọng Mỹ tăng trưởng 2%, Nhật Bản tăng trưởng 1,1%, tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu lên mức 1,5%.

Với các nước đang phát triển, WB đánh giá, đà sụt giảm của giá dầu và các loại hàng hóa khác đã khiến tình trạng giảm tốc tại một số quốc gia đang phát triển trầm trọng thêm vì các quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu tài nguyên. WB cũng cho biết lãi suất tại Mỹ nếu tăng sẽ làm cho vốn vay trở nên đắt đỏ hơn đối với các nền kinh tế mới nổi, có thể sẽ châm ngòi cho một đợt biến động trên thị trường, giảm luồng vốn chảy vào các thị trường mới nổi. Trong trường hợp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn tăng 1 điểm phần trăm, thì dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi có thể giảm 18-40%.

Ngân hàng Thế giới hạ triển vọng tăng trưởng năm 2015 và 2016 của các nền kinh tế đang phát triển xuống lần lượt 4,4% và 5,2%, từ mức dự báo đầu năm nay là 4,8% và 5,3%.

Về tăng trưởng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dự báo toàn khu vực sẽ tiếp tục giảm xuống còn 6,7% năm 2015 và giữ ổn định ở mức này trong thời gian sau đó. Tại Trung Quốc, tăng trưởng dự báo sẽ đạt 7,1% năm 2015 và 7,0% năm 2016 do áp dụng các chính sách nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Với các nước ASEAN, dự báo, tăng trưởng của Indonesia, sẽ giảm xuống 4,7% trong năm 2015, sau đó sẽ tăng dần nhờ phục hồi đầu tư và xuất khẩu. GDP của Thái Lan sẽ tăng 3,5%, xuất khẩu tăng nhẹ. Tăng trưởng của Malaysia sẽ giảm xuống còn 4,7% do giá dầu thấp làm giảm đầu tư trong ngành dầu khí, trong khi đó tăng trưởng tín dụng cũng vẫn còn chậm.

Tại Việt Nam, tăng trưởng được dự báo là 6% năm 2015, 6,2% năm 2016 và 6,5% năm 2017.