Xu hướng điều chỉnh chính sách tài khóa – tiền tệ trên thế giới

BAN TÀI CHÍNH QUỐC TẾ VÀ CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

(Tài chính) Kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi trong năm 2015 song vẫn phải đối diện với những thách thức và khó khăn trong việc tìm lại động lực tăng trưởng. Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và nợ công, nhiều nước trên thế giới đã có những thay đổi rõ rệt trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ.

Xu hướng điều chỉnh chính sách tài khóa – tiền tệ trên thế giới
Kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi trong năm 2015. Nguồn: internet

Chính sách tài khóa

Do tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, nên cuối năm 2014 và đầu năm 2015, một số quốc gia đã thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm mới.

Chính phủ Nhật Bản đã hoãn thời hạn tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% đến tháng 4/2017 và dự kiến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ mức 35% xuống còn 30% vào năm 2015. Dù nền kinh tế chưa có dấu hiệu tăng trưởng và tỷ lệ nợ công vẫn giữ ở mức cao nhất trên thế giới nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn đang xem xét điều hành chính sách tài khóa theo hướng mở rộng. Theo đó, ngày 28/12/2014, Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 3,5 nghìn tỷ yên (tương đương với khoảng 29 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, 600 tỷ yên dành cho các chương trình thúc đẩy kinh tế địa phương, 1.200 tỷ yên dành cho các biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ, còn 1.700 tỷ yên sẽ dùng để tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, như thảm họa sóng thần năm 2011 và các vụ lở đất trong năm 2014.

Bên cạnh việc tăng cường chi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các DN có quy mô nhỏ thông qua miễn, giảm thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng (GTGT): Nâng ngưỡng khởi điểm chịu thuế TNDN từ 60.000 NDT lên 100.000 NDT và giảm thuế TNDN cho DN quy mô nhỏ từ 1/1/2014 đến hết năm 2016; miễn thuế doanh thu và thuế GTGT đối với DN nhỏ và hộ kinh doanh cá thể có thu nhập từ 20.000 - 30.000 NDT từ tháng 10/2014 đến hết 2015.

Thái Lan đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 364 tỷ Bath, tương đương 11,2 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn cuối năm 2014. Trong đó, 40 tỷ Bath sẽ được thêm vào khoản chi hỗ trợ người nông dân trong việc sản xuất lúa gạo. Số tiền còn lại sẽ dùng cho chi tiêu đầu tư trong giai đoạn 2014 – 2015 và chi cho cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nhằm củng cố thị trường chứng khoán và thu hút tiết kiệm dài hạn của người dân, Bộ Tài chính Thái Lan sẽ xem xét dự thảo về chứng khoán và hối đoái trong thời gian tới; trong đó, đặc biệt là sáng kiến kéo dài ưu đãi thuế đối với quỹ chứng khoán dài hạn.

Cùng chung xu hướng thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm mới, Philippines đã thông qua dự luật tăng trần mức miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản lương tháng thứ 13 và các khoản tiền thưởng từ mức 30.000 peso lên 82.000 peso từ năm 2015. Hy Lạp thông qua dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2015, theo đó quốc gia này sẽ hoãn việc tăng thuế và cắt giảm lương trong năm 2015. Italy cũng đã chính thức thực hiện gói cắt giảm thuế cho 10 triệu người có thu nhập thấp từ 8.000- 26.000 Euro/năm

Tuy nhiên, tình hình nợ công và thâm hụt ngân sách của một số quốc gia tại khu vực châu Âu chưa được kiểm soát triệt để, trong khi đó xuất hiện quốc gia có tỷ lệ nợ công cao mới (Australia, Canada). Do vậy, xu hướng điều hành chính sách tài khóa thắt chặt vẫn diễn ra ở nhiều nước:

Tại Australia, Bộ trưởng Tài chính Joe Hockey dự kiến thâm hụt ngân sách của nước này sẽ vọt lên 40,4 tỷ AUD (33,2 tỷ USD) trong tài khóa 2014 (kết thúc vào 30/6/2015), do giá hàng hóa giảm mạnh (giá quặng sắt giảm hơn 30%, tiền lương tăng thấp hơn dự kiến và nguồn thu thuế ước giảm 31,6 tỷ USD là những yếu tố dẫn tới việc điều chỉnh lại mức dự kiến thâm hụt ngân sách). Để cải cách ngân sách, Chính phủ Australia dự kiến sẽ cắt giảm hơn 175 cơ quan trong năm tài khóa 2014-2015 để hạn chế quy mô và chi tiêu Chính phủ và thực hiện kỷ luật tài khóa mạnh mẽ.

Với Canada thì theo báo cáo về nợ của Cơ quan Thống kê Canada công bố ngày 15/12/2014, trong quý III/2014, tổng nợ tín dụng của các hộ gia đình Canada đã tăng lên 162,6% so với thu nhập sau thuế, tăng so với tỷ lệ nợ 161,5% trong quý trước đó; đồng thời, vượt tỷ lệ nợ kỷ lục 161,7% cùng kỳ năm 2013. Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ nợ quốc gia trong quý III/2014. Nhiều khả năng nước này sẽ có những động thái điều chỉnh chính sách tìa khóa theo hướng thắt chặt trong thời gian tới.

Xu hướng điều chỉnh chính sách tài khóa – tiền tệ trên thế giới - Ảnh 1

Bên cạnh đó, các nước khác như Mỹ cũng đã và đang điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ hơn thông qua cắt giảm chi cho trợ cấp lương thực; Chile cũng thực hiện lộ trình tăng thuế TNDN từ 20% lên 27% giai đoạn 2014-2018.

Ngoài ra, trong những tháng cuối năm 2014, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm, tác động mạnh đến kinh tế và ngân sách các nước. Một số nước đã điều chỉnh chính sách tài khóa theo hướng cắt giảm trợ giá xăng dầu, tăng thuế nhằm cải thiện nguồn thu. Cụ thể:

Trợ giá xăng dầu của Malaysia chiếm khoảng 7,34 tỷ USD mỗi năm khiến cho Malaysia trở thành một trong những nước có thâm hụt ngân sách chính phủ/GDP cao nhất trong khu vực. Để tiết kiệm cho ngân sách quốc gia và giảm thâm hụt ngân sách, Malaysia dự kiến sẽ bỏ trợ cấp dầu và nhiên liệu giúp chính phủ tiết kiệm được khoảng 20 tỷ Ringgit (5,7 tỷ USD) hàng năm. Indonesia cũng đã tăng giá xăng dầu hơn 30% nhằm cải thiện ngân sách và cán cân thanh toán vãng lai. Động thái tăng giá xăng dầu dự kiến sẽ tiết kiệm cho ngân sách Indonesia khoảng 11,5 tỷ USD, tương đương 9% chi tiêu ngân sách chính phủ.

Nhằm bù đắp những thâm hụt ngân sách do giá dầu thô giảm trên thị trường quốc tế, cắt giảm khí thải và thúc đẩy nền kinh tế xanh Trung Quốc đã điều chỉnh giá bán và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng dầu. Ngày 13/12/2014, Trung Quốc điều chỉnh giảm giá xăng dầu bán lẻ với mức giảm 170 NDT/tấn đối với xăng và 400 NDT/tấn đối với dầu diesel nhưng trước đó, ngày 29/11/2014 Trung Quốc đã tăng thuế từ 1 NDT lên 1,12 NDT/lít đối với thuế xăng và tăng từ 0,8 NDT lên 0,94NDT/ lít đối với dầu diesel. Ngày 13/12/2014, Trung Quốc tiếp tục tăng thuế tiêu thụ đặc biệt về các sản phẩm liên quan tới dầu mỏ như thuế về xăng, dầu dung môi và dầu bôi trơn tăng từ 1,12 NDT lên tới 1,4 NDT/lít và thuế về dầu diesel; nhiên liệu cho máy bay phản lực sẽ tăng từ 0,94 NDT lên 1,1 NDT/lít. Ngày 12/1/2015 tiếp tục tăng thuế đối với các mặt hàng trên tương ứng lên mức 1,54 NDT/lít và 1,2 NDT/lít.

Chính sách tiền tệ

Nhằm kích thích nền kinh tế, chính sách tiền tệ mở rộng cũng được thực hiện ở nhiều nước thông qua cắt giảm lãi suất (Ba Lan, Chile, Trung Quốc) và thực hiện các gói kích thích kinh tế thông qua mua vào chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản nhằm tăng thanh khoản cho thị trường (ECB, Nhật Bản).

Ba Lan: Ngày 08/10/2014, Ngân hàng Trung ương Ba Lan đã hạ lãi suất điều hành từ 2,5% xuống mức 2% trong bối cảnh sản lượng công nghiệp và chỉ số giá tiêu dùng giảm sâu (lạm phát gần bằng không), hệ quả của từ lệnh cấm nhập khẩu của Nga đối với một số mặt hàng lương thực của Ba Lan; sự phục hồi yếu của khu vực EU và xung đột Ucraina. Đây là lần đầu tiên Ba Lan giảm lãi suất trong vòng 15 tháng qua. Mặc dù vậy, theo ông Marek Belka, thống đốc Ngân hàng Trung ương thì Ba Lan vẫn còn room để tiếp tục hạ lãi suất do lạm phát đang ở mức thấp so với mục tiêu lạm phát 2,5%

Chile: Trong năm 2014, Chile đã 6 điều chỉnh lãi suất điều hành, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm, bất chấp lạm phát đang ở cao hơn mức lạm phát mục tiêu. Nguyên nhân là do tăng trưởng nền kinh tế đã giảm xuống mức chưa từng thấy trong hơn 4 năm qua, đầu tư ngày càng giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác mỏ và cầu tiêu dùng yếu nên Chile cắt giảm lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế. Hiện nay, lãi suất của Chile là 3%.

Trung Quốc: Trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong quý III/2014, tăng trưởng sản xuất và thị trường bất động sản, các trụ cột của tăng trưởng đang suy yếu, làm hạn chế các hoạt động mở rộng đầu tư cũng như làm giảm các nhu cầu khác như nội thất, xi măng, thép, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm từ 6% xuống còn 5,6%, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm giảm 0,25 điểm xuống còn 2,75% (bắt đầu có hiệu lực từ 22/11/2014) – đây là lần hạ lãi suất cơ bản đầu tiên từ năm 2012. Tuy nhiên, động thái giảm lãi suất lần này sẽ khiến cho các DN lớn hưởng lợi nhiều hơn, đặc biệt là các DN nhà nước vay từ ngân hàng. Hầu hết các DN tư nhân của Trung Quốc không thể tiếp cận khoản vay từ ngân hàng của Nhà nước mà dựa chủ yếu vào các thị trường tín dụng ngầm. Ngoài ra, kể từ 1/1/2015 Trung Quốc còn nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, bỏ yêu cầu dự trữ bắt buộc với khoản tiền gửi của các tổ chức tài chính không nhận tiền gửi nhằm mục đích cho vay nhiều hơn, qua đó tăng cung tín dụng ra nền kinh tế.

EU: Trong năm 2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất từ mức 0,25% xuống 0,15% và hiện nay là 0,05%. Bên cạnh việc giảm lãi suất, ECB còn tiến hành gói kích thích kinh tế thông qua chương trình mua tài sản, chủ yếu là các sản phẩm nợ của các ngân hàng nhằm tăng tính thanh khoản cho hệ thống cũng như hỗ trợ các ngân hàng phục hồi cho vay trở lại. Ngày 21/12/2014, ECB công bố đã bắt đầu chương trình mua chứng khoán đảm bảo bằng tài sản để ngăn chặn đà giảm phát (bắt đầu từ 21/11/2014).

Trong những tháng cuối năm 2014, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm, tác động mạnh đến kinh tế và ngân sách các nước. Một số nước đã điều chỉnh chính sách tài khóa theo hướng cắt giảm trợ giá xăng dầu, tăng thuế nhằm cải thiện nguồn thu.

Nhật Bản: Để ngăn chặn suy giảm kinh tế, Nhật đã tiếp tục duy trì các mức lãi suất thấp 0-0,1% nhằm đạt lạm phát mục tiêu 2%. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã giữ nguyên quy mô mức tăng lượng tiền cơ sở mỗi năm 60-70 nghìn tỷ yên (tương đương 584,5 tỷ USD) thông qua việc mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, sau khi tăng trưởng quý III/2014 tiếp tục âm, Nhật Bản đã nâng quy mô của gói QE này lên 80 nghìn tỷ yên (công bố ngày 31/10/2014). Ngoài ra, Nhật Bản đã ra nghị quyết về gói kích thích khẩn cấp trị giá 3.500 tỷ USD để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Toàn bộ khoản kinh phí này được lấy từ khoản tăng thu từ thuế và Chính phủ Nhật bản cho biết, sẽ không phát hành thêm công trái, nguồn kinh phí sẽ được tính vào ngân sách bổ sung tài khóa năm 2014.

Trong khi đó, một số nước có mức tăng trưởng ổn định trở lại đã bắt đầu thắt chặt tiền tệ như Mỹ đã thông qua việc dừng gói QE3 và nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát như Indonesia, Philippines, New Zealand, Colombia… hoặc để giữ ổn định giá trị đồng tiền như Nga.

Mỹ: Gói QE3 đã chính thức kết thúc theo tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và có hiệu lực từ 1/11/2014. Hiện nay, Mỹ vẫn giữ nguyên mức lãi suất điều hành ở mức 0,25%. Tuy nhiên, lãi suất có thể sẽ tăng trong năm 2015 do nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ổn định trở lại. Việc Mỹ chấm dứt QE sau một thời gian cắt giảm có lộ trình như dự báo đã không gây ra cú sốc cho thị trường tài chính quốc tế; lãi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng; kinh tế Mỹ tiếp tục có dấu hiệu phục hồi; đồng USD tiếp tục tăng giá so với hầu hết các đồng tiền; tỷ lệ lạm phát ổn định duy trì ở mức 1,7% (gần mức lạm phát mục tiêu 2%), thất nghiệp ổn định.

Nga: Ngân hàng Trung ương liên tiếp hai lần tăng lãi suất điều hành nhằm đối phó với việc đồng rúp mất giá từ mức 9,5% lên mức 10,5% (có hiệu lực từ 11/12) và lên mức 17% (có hiệu lực từ 15/12/2014). Ngoài ra, để hỗ trợ đồng rúp, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố sẽ nới lỏng các quy định cho phép các ngân hàng thương mại tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia; kiểm soát vốn phi chính thức. Ngân hàng Trung ương Nga không ngoại trừ khả năng hạn chế biên độ giao dịch ngoại tệ. Sau tác động của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng rúp Nga đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Theo Bộ trưởng tài chính Nga, khủng hoảng tiền tệ của nước này đã qua, hiện nay tỷ giá đồng rúp khoảng 52 rúp/USD.

Xu hướng điều chỉnh chính sách tài khóa – tiền tệ trên thế giới - Ảnh 2

Thụy Sỹ: Mới đây, Thụy Sỹ đã công bố lãi suất tiền gửi ở mức âm, giảm từ mức 0% xuống mức – 0,25%, đây là mức giảm lần đầu tiên kể từ thời điểm tháng 08/2011, để giảm bớt tính hấp dẫn của đồng franc Thụy Sỹ như là một đồng tiền “thiên đường an toàn” trong bối cảnh kinh tế châu Âu cũng đang rất ảm đạm và đang đứng trên bờ vực rơi vào suy thoái buộc ECB có thể phải tiếp tục nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã ấn định mức lãi suất -0,25% đối với các tài khoản tiền gửi bằng tiền mặt của các ngân hàng thương mại bắt đầu có hiệu lực từ 22/01/2015, với mục tiêu đưa lãi suất vay liên ngân hàng dao động trong khoảng - 0,75% tới 0,25%. Mức lãi suất âm sẽ áp dụng đối với phần số dư tài khoản của các tổ chức tín dụng gửi tại Ngân hàng Trung ương vượt ngưỡng 10 triệu franc Thụy Sỹ. Ngoài ra, Thụy Sỹ đã quyết định thả nổi đồng tiền sau hơn 3 năm cố định tỷ giá so với đồng Euro ở mức 1,2 franc.

Nhằm kiểm soát lạm phát, sau quyết định tăng giá xăng dầu, trong ngày 18/11/2014, Indonesia đã quyết định tăng lãi suất chính sách từ mức 7,5% lên 7,75%, điều chỉnh lãi suất cho vay lên 8% nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao. Các nước khác như New Zealand tiếp tục nâng lãi suất điều hành từ mức 3% lên mức 3,5% (có hiệu lực từ 23/07/2014); Colombia tăng lãi suất từ mức 4% lên mức 4,25% (có hiệu lực từ 31/07/2014).

Như vậy, nhằm mục đích kiểm soát lạm phát, một số nước đã nâng lãi suất và bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Mỹ đã chính thức dừng gói QE3 của Mỹ từ ngày 1/11/2014 theo tuyên bố của FED do nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại. Các chuyên gia dự báo, trong năm 2015, khi lạm phát đạt ngưỡng mục tiêu, Mỹ có thể nâng mức lãi suất điều hành. Do vậy, việc tăng lãi suất bằng đồng USD và lãi suất các đồng tiền khác có thể ảnh hưởng đến lãi suất VND trong ngắn hạn.