Xu thế xoay trục của chính sách tiền tệ

Theo thoibaonganhang.vn

Triển vọng đối với việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại châu Âu và nhiều quốc gia khác có thể đặt ra một vấn đề mới đối với dự trữ liên bang, và nước Mỹ đang cân nhắc thông qua kế hoạch cắt giảm 4,2 nghìn tỷ USD mua lại danh mục trái phiếu sau khủng hoảng tài chính năm 2008.

EU có định hướng rõ ràng trong CSTT. Nguồn: internet
EU có định hướng rõ ràng trong CSTT. Nguồn: internet

Theo chương trình nới lỏng định lượng - QE, hiện tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã duy trì chính sách mua lại các trái phiếu chính phủ Mỹ và các chứng khoán dựa vào các khoản  thế chấp. Bên cạnh việc duy trì lãi suất ở mức rất thấp để thúc đẩy các hoạt động vay mượn và sự phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, thông qua  cuộc họp gần đây cũng như động thái  tăng lãi suất 3 lần trong vòng 6 tháng vừa qua, FED cũng có ngụ ý công bố kế hoạch cắt giảm việc nắm giữ các tài sản này.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương của nhiều nước lớn hiện đã bắt đầu phát tín hiệu về xu thế thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) trong nay mai, cụ thể như việc ngân hàng trung ương Canada đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau bảy năm và kỳ vọng mạnh về việc ngân hàng trung ương Anh cũng sẽ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát; hay sự cân nhắc của ngân hàng trung ương châu Âu - ECB về thời gian ra quyết định cắt giảm lượng trái phiếu mua lại hàng tháng vào thời điểm cuối năm.
Trong số đó, những tín hiệu từ ECB gần đây đã có ảnh hưởng mạnh tới thị trường. Bằng chứng là, ngay sau tuyên bố của ông Mario Draghi - Chủ tịch ngân hàng ECB về triển vọng của CSTT trong thời gian tới, lợi tức trái phiếu thế giới cũng đã tăng mạnh, đáng chú ý là lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh nhất kể từ sau kết quả bầu cử Mỹ vào tháng 11 năm ngoái.

Đồng thời, sự dịch chuyển của ECB theo hướng chấm dứt in thêm tiền cũng có thể thúc đẩy FED giảm tốc kế hoạch điều chỉnh lãi suất của nước Mỹ trước sự quan ngại về việc các điều kiện tài chính bị thắt chặt quá nhanh. Vấn đề trở nên phức tạp hơn đó là, cả FED và ECB đều có hai công cụ chính sách để điều hành, đó là lãi suất mục tiêu và bảng cân đối tài sản (hiện tại cả FED và ECB sở hữu khoảng 9 nghìn tỷ USD tài sản) nên  sẽ có những khó khăn nhất định nếu cả 2 NHTW cùng dịch chuyển CSTT theo xu hướng thắt chặt cùng một lúc.

Trong đó, đáng lưu ý là chỉ số lạm phát theo giá tiêu dùng hàng năm của Mỹ đã tăng 1,6% trong tháng 6 - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái và lạm phát theo năm cũng đã giảm xuống từ tháng 2, đạt mức 2,7%. Chính vì vậy cần phải giám sát lạm phát cẩn thận, tăng lãi suất thận trọng điều đó sẽ giúp cho lạm phát đạt được vùng mục tiêu, một chuyên gia cảnh báo. 

Trong cuộc họp định kỳ vào cuối tháng 7, các nhà chính sách của FED sẽ phải lựa chọn để đưa ra quyết định quan trọng về thời điểm cắt giảm quy mô trái phiếu mua lại trong gói chương trình QE theo hướng FED sẽ thực hiện ngay hoặc là cần phải có thêm thời gian để đánh giá về bước ngoặt của CSTT trên toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế như thế nào.

Kế hoạch cắt giảm quy mô trái phiếu nắm giữ của FED có thể sẽ làm tăng lợi tức trái phiếu trong dài hạn, làm tăng lãi suất tín dụng kỳ hạn dài trong hoạt động kinh doanh và cũng có thể dẫn tới yêu cầu tỷ lệ thế chấp sẽ cao hơn đối với khu vực nhà ở.

Các nhà phân tích đã so sánh thực tế hiện nay với sự kiện “taper tantrum” của năm 2013 (Taper tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn) khi lợi tức trái phiếu thế giới tăng ngay sau tín hiệu đầu tiên từ FED về việc có thể thắt chặt CSTT. 

Trước thực tế này, giới chuyên gia cũng có 2 luồng quan điểm khách nhau về vấn đề này. Trong đó, nhiều giới chuyên gia cho rằng không có quá nhiều lo lắng về tình hình hiện tại, chưa cần thiết phải giảm quy mô của bảng cân đối của ngân hàng trung ương ngay bây giờ.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng việc giảm quy mô của bảng cân đối nên bắt đầu sớm và các nhà phân tích cũng đã xác định vào khoảng tháng 9 tới là tháng mà FED sẽ chấm dứt việc tái đầu tư khi các chứng khoán nắm giữ đáo hạn. Đồng thời, trong biên bản ghi nhớ cuộc họp định kỳ vào tháng 6 của FED đã chỉ rõ 2 luồng quan điểm đối với quyết định này của FED.

Trong đó một số chuyên gia thể hiện đã sẵn sàng cho việc giảm quy mô của bảng cân đối trong một vài tháng tới, số còn lại vẫn muốn chậm lại để chờ đợi thêm các kết quả tích cực của nền kinh tế. Và ngay sau đó, số lượng chuyên gia cản trở quyết định giảm quy mô bảng cân đối đã tăng theo cấp số nhân.

Tóm lại cho đến thời điểm hiện nay có thể nhận thấy rằng chính FED là thời điểm hiện nay có thể nhận thấy rằng chính FED là ngân hàng trung ương đầu tiên khởi xướng cho xu thế thắt chặt CSTT khi kinh tế toàn cầu hồi phục sau khủng hoảng, tuy nhiên hiện nay chính sách của nước Mỹ lại có thể bị ảnh hưởng mạnh trong bối cảnh xoay trục của CSTT trên toàn cầu. Trong đó, ngoại trừ EU với những tín hiệu rõ ràng về đường đi của CSTT, định hướng điều hành CSTT của nhiều ngân hàng trung ương chủ chốt khác cũng chưa có gì là chắc chắn.