Xung đột cản trở phục hồi kinh tế toàn cầu

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) “Trở ngại lớn nhất cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu không phải là sự mất cân bằng kinh tế mà là sự mất niềm tin vào các hệ thống làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu”. Đó là nhận định của GS. kinh tế Michael Spence, Trường Stern School of Business thuộc Đại học New York (Hoa Kỳ), người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, đăng trên tờ Japan Times.

Xung đột tại miền Đông Ukraine đang có dấu hiệu gia tăng. Nguồn: internet
Xung đột tại miền Đông Ukraine đang có dấu hiệu gia tăng. Nguồn: internet

Theo GS. Michael Spence, phần lớn các cuộc thảo luận ở giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đều tập trung vào sự mất cân bằng kinh tế đe dọa hoặc cản trở tăng trưởng. Tuy nhiên, sự gia tăng về mất an ninh chính trị, xung đột và quan hệ quốc tế bị xói mòn mới là mối đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu. Yếu tố này nguy hiểm hơn rất nhiều so với hậu quả của khủng hoảng tài chính 2008.

Châu Á, một điểm sáng về tăng trưởng trong những năm sau khủng hoảng, hiện đang đối mặt với những căng thẳng xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ đe dọa cho thương mại và tăng trưởng. Con tàu kinh tế Nhật Bản đang phục hồi mong manh có thể trật đường ray do tranh cãi về lãnh thổ với Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Nhật Bản. Theo một số liệu thống kê, đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Trung Quốc 6 tháng đầu năm nay đã sụt giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Giờ đây, Nhật Bản đang chuyển dần hướng đầu tư sang các quốc gia ASEAN.

Việc Hoa Kỳ và Trung Quốc sa vào một cuộc chiến an ninh mạng đã ảnh hưởng đến dòng chảy của hàng hóa, đầu tư và công nghệ. Những cam kết của 2 bên về giải quyết các vấn đề hợp tác chưa đem lại kết quả nào đáng kể. Do thám trên internet cũng thổi bùng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và châu Âu. Trong khi đó, Trung Đông đang bước vào giai đoạn vô cùng bất ổn và sẽ tác động tiêu cực về kinh tế ở khu vực và toàn cầu.

Xung đột giữa Nga, phương Tây, Ukraine và các quốc gia khác thuộc Liên Xô (cũ) sẽ ảnh hưởng xấu đến sự ổn định ở châu Âu, an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế. Việc Nga và châu Âu “ăn miếng, trả miếng” đang khiến nền kinh tế thế giới đứng trước những mối lo ngại mới. Nga được dự báo có thể thiệt hại 100 tỷ EUR trong 2 năm 2014-2015, còn Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại khoảng 90 tỷ EUR do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng. 

Nền kinh tế toàn cầu hiện nay có sự liên kết mạnh mẽ hơn nhiều so với 40 năm trước đây. Các dòng chảy hàng hóa, thông tin, con người và vốn xuyên quốc gia là huyết mạch phải được đảm bảo dựa trên sự an toàn, ổn định. Tuy nhiên những điều này dường như đang bị đe dọa. Quá trình tăng trưởng kinh tế tiếp tục diễn ra tại các quốc gia đang phát triển và sự phục hồi đang xuất hiện ở các nước phát triển đòi hỏi phải có sự bảo vệ. Điều này chỉ có được khi xung đột ở quy mô quốc gia và khu vực được ngăn chặn.

Bởi nếu thất bại trong giải quyết các xung đột ở khu vực và tranh cãi song phương có thể dẫn đến những cú sốc trong nhiều lĩnh vực kinh tế, làm xuất hiện các phản ứng tiêu cực: các nhà đầu tư rút lui, du lịch ảm đạm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu... Dẫu biết đảm bảo một hệ thống liên kết toàn cầu được an toàn không dễ dàng. Tuy nhiên, chỉ cần các bên nhận thức rõ về những thiệt hại trên diện rộng mà xung đột đem lại là có thể cùng nhau tìm được tiếng nói chung. Nếu không quản lý được căng thẳng và xung đột, dòng chảy toàn cầu sẽ bị gián đoạn và sự thịnh vượng sụt giảm ở khắp nơi.

Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực hiện nay, sự đồng lòng của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc giải quyết các tranh chấp, hợp tác quốc tế hiệu quả chính là giải pháp giúp nền kinh tế toàn cầu lấy lại được đà tăng trưởng, thoát cảnh phục hồi mong manh.