Nhật Bản: BoJ “hết thuốc” để kích thích tăng trưởng?

Theo baoquocte.vn

Kinh tế Nhật Bản đang phát đi các tín hiệu cho thấy, tăng trưởng ở mức vừa phải sau hai năm mở rộng. Sản lượng nhà máy tăng chậm lại và lượng hàng trong kho tăng trong tháng 4/2018 - dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp có thể đã đánh giá quá cao nhu cầu toàn cầu.

Các nhà phân tích nhận định, nền kinh tế Nhật Bản suy giảm chỉ là một khó khăn tạm thời, do các nhân tố tạm thời như thời tiết xấu và các thị trường chứng khoán yếu. Nguồn: Reuters
Các nhà phân tích nhận định, nền kinh tế Nhật Bản suy giảm chỉ là một khó khăn tạm thời, do các nhân tố tạm thời như thời tiết xấu và các thị trường chứng khoán yếu. Nguồn: Reuters

Bất đồng thương mại leo thang từ các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang cho thấy ảnh hưởng đối với tâm lý kinh doanh, đã chuyển sang tiêu cực lần đầu tiên trong một năm, theo kết quả cuộc thăm dò của Chính phủ.

Lương hiếm khi mới tăng, kể cả khi các công ty thu được các khoản lợi nhuận cao kỷ lục từ các chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản giảm trong tháng 4/2018 và hoạt động trong khu vực dịch vụ tăng chậm lại trong tháng 5/2018 làm "lung lay" triển vọng của chi tiêu – vốn chiếm 60% nền kinh tế Nhật Bản.

Không giống như 5 năm trước, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) triển khai một gói kích thích khổng lồ nhằm kéo nền kinh tế ra khỏi đình trệ, BoJ hiện đang “hết thuốc” để kích thích tăng trưởng.

Một số nguồn tin trong BoJ cho biết, động thái sắp tới của ngân hàng này phụ thuộc vào các chính trị gia. Hiện trạng tài chính của Nhật Bản không cho phép Thủ tướng Abe đưa ra kế hoạch chi tiêu khổng lồ.

Giữa bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang gánh trên vai khoản nợ công lớn nhất trong bất kỳ nền kinh tế lớn nào, Thủ tướng Abe khẳng định, vào tháng Mười tới ông sẽ tiến hành tăng thuế tiêu dùng, kế hoạch vốn đã bị hoãn hai lần trước đây. Song triển vọng nền kinh tế yếu đi đang làm dấy lên hoài nghi về cam kết cân bằng ngân sách của vị “thuyền trưởng” này.

Hiện một số nhà phân tích cho rằng, Tokyo trong năm nay có thể thiết kế một ngân sách bổ sung 3.000 tỷ Yen (27 tỷ USD) nhằm ứng phó với các khoản chi tiêu ngoài dự tính. Song chi tiêu cũng có thể tăng mạnh, nếu tăng trưởng bắt đầu có dấu hiệu “đuối” hơn dự kiến, theo các quan chức Chính phủ Nhật Bản.

Báo cáo ngày 8/6 của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay, trong quý I/2018, kinh tế nước này suy giảm 0,2% so với quý trước đó và sụt giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2017, ghi dấu mức sụt giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm qua.

Sự suy giảm kinh tế trong quý I của Nhật Bản đã chấm dứt chuỗi tám quý tăng trưởng liên tiếp, được coi là “gáo nước lạnh” giáng xuống chính sách kinh tế "Abenomics" đầy tham vọng của Thủ tướng Abe. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân, đóng góp tới 60% nền kinh tế Nhật Bản, giảm 0,1% trong quý I/2018 giữa bối cảnh chi tiêu hộ gia đình bị thu hẹp do đà tăng lương chậm.

Tuy nhiên, nhận định về hiện trạng nền kinh tế Nhật Bản, các nhà phân tích nhận định, Nhật Bản sẽ tránh được một cuộc suy thoái (nền kinh tế thu hẹp hai quý liên tiếp), đồng thời cho rằng việc nền kinh tế này trong quý I/2018 suy giảm 0,2% so với quý trước đó chỉ là một khó khăn tạm thời, do các nhân tố tạm thời như thời tiết xấu và các thị trường chứng khoán yếu.