Nhật Bản có thể tiếp tục kế hoạch tăng thuế tiêu dùng

Theo Khánh Ly (Theo AFP)

Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết sẽ nâng thuế tiêu dùng lên 10%, nhưng đã trì hoãn hai lần do lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu dùng và nền kinh tế.

Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết sẽ nâng thuế tiêu dùng lên 10%, nhưng đã trì hoãn hai lần do lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu dùng và nền kinh tế.
Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết sẽ nâng thuế tiêu dùng lên 10%, nhưng đã trì hoãn hai lần do lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu dùng và nền kinh tế.

Sau những đồn đoán suốt nhiều tháng qua rằng Chính phủ Nhật Bản có thể hoãn tăng thuế tiêu dùng để tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế, Tokyo dường như sẽ tiếp tục với kế hoạch này nhờ số liệu tăng trưởng cao hơn dự đoán được công bố ngày 20/5. 

Theo số liệu mới công bố của Chính phủ Nhật Bản, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này đã tăng 0,5% trong quý I/2019, quý tăng trưởng thứ hai liên tiếp sau khi tăng 0,4% trong quý IV/2018. Dù sự phục hồi này chưa mạnh và giới chuyên gia vẫn lo ngại về tiêu dùng yếu, song số liệu trên có thể làm tăng khả năng Nhật Bản sẽ tăng thuế tiêu dùng. 

Thuế tiêu dùng tại Nhật Bản hiện đang ở mức 8%, được áp lên giá bán của hàng hóa dịch vụ. Tương tự như thuế giá trị gia tăng (VAT) ở nhiều nước khác, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết mức thuế này của Nhật Bản là một trong những mức thấp nhất trong 34 quốc gia thành viên của tổ chức này. Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết sẽ nâng thuế tiêu dùng lên 10%, nhưng đã trì hoãn hai lần do lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu dùng và nền kinh tế.      

Sau khi bong bóng trên thị trường chứng khoán và bất động sản tại Nhật Bản vỡ vào đầu những năm 1990, Nhật Bản đã liên tục đưa ra nhiều đợt kích thích kinh tế khiến khối nợ của Nhật Bản “phình” to.

Tỷ lệ nợ trên GDP của “đất nước Mặt trời mọc”, một chỉ báo chính thể hiện sức khỏe tài chính của nền kinh tế, đã ở mức cao đáng kinh ngạc 226% vào năm 2018, con số mà theo OECD là mức “cao chưa từng thấy” trong tổ chức này, trong khi tỷ lệ này chỉ ở mức 138% ở Mỹ, 71% ở Đức, 112% ở Anh, và mức giới hạn cho các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) chỉ là 60% GDP. 

Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng tăng thuế tiêu dùng là cần thiết để giảm khối nợ khổng lồ này. Thủ tướng Abe cũng cam kết sẽ dùng khoản tiền thuế thu được để tài trợ cho chương trình giáo dục mầm non miễn phí và chăm sóc trẻ em nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh và lực lượng lao động nữ ở một đất nước mà dân số đang ngày càng già hóa và suy giảm. 

Ông Abe và những quan chức cấp cao của mình khẳng định rằng việc tăng thuế sẽ được thực hiện như kế hoạch. Nhưng trong một nghiên cứu được đưa ra trước số liệu GDP quý I/2019 được công bố, ông Tobias Harris, một chuyên gia phân tích của tập đoàn tư vấn Teneo, lưu ý rằng ông Abe đã có một động thái tương tự vào năm 2016, sau những nỗ lực bảo vệ kế hoạch tăng thuế của mình, cuối cùng ông vẫn hoãn tăng thuế lần thứ hai.              

Bên cạnh đó, sau một khoảng thời gian dài liên tiếp tăng trưởng, kinh tế Nhật Bản đã đảo chiều vào cuối năm ngoái. Một loạt chỉ báo cho thấy kinh tế nước này có thể đã bước vào một đợt suy thoái. Đợt tăng thuế gần đây nhất vào năm 2014 được cho là nguyên nhân gây ra một đợt suy thoái và ông Abe sẽ không muốn lặp lại kịch bản này. 

Thủ tướng Nhật Bản đã hứa hẹn nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của việc tăng thuế tiêu dùng, trong đó có việc giữ nguyên mức 8% như hiện tại đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ uống không cồn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng ưu đãi nếu họ sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda tin rằng những biện pháp này sẽ đảm bảo rằng việc tăng thuế chỉ có tác động hạn chế đối với kinh tế Nhật Bản.