Nhật Bản ký hiệp định thương mại lịch sử với EU

Theo Hải Châu/thoibaokinhdoanh.vn

Nhật Bản vừa cùng với Liên minh châu Âu (EU) ký kết một hiệp định thương mại tự do với giá trị khổng lồ, trong đó cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hầu hết các loại hàng hóa.

 Hiệp định Nhật Bản - EU mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Nguồn: Internet
Hiệp định Nhật Bản - EU mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Nguồn: Internet

Hiệp định trên được đánh giá là có tầm ảnh hưởng rất lớn, khi tác động tới 600 triệu dân và gần 1/3 giá trị nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo cú hích cho hệ thống thương mại toàn cầu đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ nhăm nhe lan rộng.

Thỏa thuận lớn nhất

Dự kiến hiệp định bắt đầu có hiệu lực vào năm 2019, sau khi được hai bên phê chuẩn. Lúc đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của châu Âu như thịt lợn, pho mát và rượu vang sẽ được xóa bỏ thuế.

Ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất ôtô và điện tử Nhật Bản sẽ gặp ít rào cản hơn, khi đưa hàng sang các nước thành viên EU. Giá bán trà, cá của Nhật tại thị trường châu Âu cũng trở nên rẻ hơn.

Nhìn chung, theo các cam kết mở cửa thị trường, 99% dòng thuế đối với hàng Nhật vào EU sẽ được đưa về 0% để đổi lấy việc xóa bỏ 94% dòng thuế đối với hàng châu Âu vào Nhật (tỷ lệ này cũng sẽ tăng lên mức 99% sau vài năm). Một số trường hợp đặc biệt mà Nhật chưa thể gỡ hàng rào thuế quan bao gồm gạo - một mặt hàng có sự nhạy cảm lớn cả về văn hóa và kinh tế mà Tokyo đã bảo hộ nhiều thập kỷ.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các sản phẩm từ EU đang chịu mức thuế trung bình là 1,6% khi cập bến Nhật Bản, còn hàng hóa của đất nước mặt trời mọc chịu thuế 2,9% tại EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ca ngợi đây là "thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từ trước đến nay".

"Mối quan hệ giữa EU và Nhật Bản đang khăng khít hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể cách trở về mặt địa lý, nhưng về mặt chính trị và kinh tế, chúng ta đang ở gần nhau hơn bao giờ hết", ông Tusk khẳng định trong một tuyên bố bằng văn bản.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker nhấn mạnh hiệp định Nhật Bản - EU là minh chứng cho quan điểm "đôi bên cùng có lợi" trong thương mại tự do.

"Chúng ta đang cho thế giới thấy rằng chúng ta ngày càng mạnh hơn và tốt đẹp hơn khi làm việc cùng nhau. Hoạt động thương mại không chỉ có thuế quan và rào cản, mà còn bao gồm các vấn đề về giá trị, nguyên tắc và tìm kiếm giải pháp cùng có lợi cho tất cả các bên liên quan", ông Juncker khẳng định.

Theo số liệu của EU, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều với Nhật Bản đã đạt gần 129 tỷ euro trong năm ngoái.

Giữ vững quan điểm thương mại tự do

EU trông chờ quá trình tự do hóa thương mại với Nhật Bản sẽ giúp xuất khẩu được nhiều hơn các sản phẩm sang đất nước mặt trời mọc để tạo thêm việc làm cho người châu Âu. Người tiêu dùng Nhật vốn ưa chuộng hàng hóa châu Âu, nên giá hàng châu Âu rẻ hơn có thể khuyến khích người dân quốc gia châu Á chi tiêu nhiều hơn

Trong khi đó, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản thể hiện sự tin tưởng rằng thông qua tăng cường quan hệ với EU, Nhật Bản có thể thúc đẩy đầu tư trực tiếp song phương, đồng thời tăng cường vị thế của các thương hiệu Nhật Bản.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho hay trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang nhăm nhe gia tăng trên toàn cầu, việc Nhật Bản và EU thống nhất ký kết hiệp định song phương sẽ một lần nữa cho thế giới thấy ý chí chính trị vững vàng của hai bên nhằm thúc đẩy thương mại tự do.

Ngoài hiệp định vừa ký với EU, Nhật Bản cũng xúc tiến các thỏa thuận thương mại khác, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang chờ các quốc gia phê chuẩn và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất đàm phán trong tương lai gần.

Giới chuyên gia nhận định Hiệp định Nhật Bản - EU phát đi một tín hiệu mạnh mẽ tới chính quyền Mỹ rằng hai đối tác thương mại lớn của nước này đang đồng hành cùng nhau một cách vững chắc và đều nhìn thấy lợi ích từ việc loại bỏ các rào cản và cắt giảm thuế, thay vì tăng thuế để bảo hộ trong nước.