Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quay về nội địa để né thương chiến

Theo Mai Ngọc/thoibaonganhang.vn

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một bước ngoặt đối với vô số nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Trung Quốc hiện đang cung cấp sản phẩm cho các công ty phương Tây để đổi thương hiệu và bán lại.

Một dây chuyền sản xuất của Masutek ở Thẩm Quyến (Nguồn: Reuters)
Một dây chuyền sản xuất của Masutek ở Thẩm Quyến (Nguồn: Reuters)

Chuyển hướng… về quê

Hơn một thập kỷ qua, nhà sản xuất Matsutek đã nỗ lực thiết lập quan hệ kinh doanh với các thương hiệu lớn của phương Tây. Theo đó Matsutek cung cấp cho các công ty như Philips và Honeywell các sản phẩm của họ được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc để các đối tác này phân phối vào Hoa Kỳ và các thị trường nước ngoài khác. Chiến lược đó đã gặt hái được nhiều thành công, giúp Matsutek trở thành nhà sản xuất máy hút bụi robot lớn thứ hai thế giới.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quay về nội địa để né thương chiến - Ảnh 1
Một dây chuyền sản xuất của Masutek ở Thẩm Quyến (Nguồn: Reuters)

Thế nhưng, cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, công ty có trụ sở ở Đài Bắc này đã chịu nhiều tổn thất kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bùng nổ và ngày càng leo thang. Doanh số bán các sản phẩm Masutek tại thị trường Hoa Kỳ đã giảm 1/5 vào năm ngoái sau khi Chính quyền Trump áp thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, buộc công ty này phải đóng cửa hai trong số 11 dây chuyền lắp ráp - tất cả đều nằm ở Trung Quốc đại lục.

Vốn đã không hài lòng với thị trường Mỹ sau cuộc chiến pháp lý với đối thủ iRobot Corp năm 2017, chính sách thuế quan của ông Trump là “giọt nước tràn ly” và từ tháng 12/2018, Matsutek đã chuyển trọng tâm sang dòng sản phẩm máy hút bụi Jiaweishi của riêng mình và thúc đẩy phân phối sản phẩm này trên các sàn giao dịch thương mại diện tử Alibaba’s Tmall và Pinduoduo.

“Đây là thời điểm tỉnh ngộ đối với chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng không thể chỉ dựa vào thị trường nước ngoài, mà thay vào đó chúng tôi nên xây dựng thương hiệu của riêng mình tại Trung Quốc”, Terry Wu - Tổng giám đốc của hai đơn vị Matsutek ở Thẩm Quyến nói với Reuters.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một bước ngoặt đối với vô số nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Trung Quốc hiện đang cung cấp sản phẩm cho các công ty phương Tây để đổi thương hiệu và bán lại. “Trở thành một OEM giống như một người nông dân trông chờ vào một năm mưa thuận gió hòa. Tại sao chúng ta không xây dựng thương hiệu của riêng mình, hạ giá xuống một chút và cung cấp các sản phẩm có chất lượng tương đương như các thương hiệu nước ngoài”, Terry Wu nói.

Quả vậy, đối với các công ty có trụ sở tại Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, đó là một trong số ít lựa chọn chiến lược của họ ngoài việc chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước khác. Tuy nhiên về lâu dài, việc các công ty Trung Quốc đẩy mạnh phát triển thương hiệu của riêng họ được dự báo sẽ khiến sự cạnh tranh giữa các công ty Trung Quốc này với các đối thủ ở nước ngoài ngày càng khốc liệt hơn.

Tận dụng kênh thương mại điện tử

Anhui Deli - một nhà sản xuất ly rượu và đồ thủy tinh với doanh thu hàng năm là 800 triệu nhân dân tệ (113 triệu USD) cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thuế quan. “Mỹ là thị trường phát triển chính của chúng tôi cho đến năm nay. Nhưng do chiến tranh thương mại, khách hàng đã do dự trong việc đặt hàng và nhiều đơn hàng từ Mỹ đã bị hủy bỏ”, Cheng Yingling -Giám đốc tiếp thị của công ty nói.

Thuế quan bổ sung có hiệu lực trong tháng này sẽ đưa mức thuế đối với đồ thủy tinh Trung Quốc lên 40% - một đòn đánh mạnh đối với ngành công nghiệp thủy tinh của Trung Quốc, ông nói thêm. Tuy nhiên bán hàng qua kênh thương mại điện tử tại nhà đã giúp bù đắp phần nào những mất mát từ thị trường Mỹ. Sự hợp tác với Pinduoduo gần đây đã đẩy doanh số của sản phẩm hộp đựng thủy tinh mới đạt hơn 50.000 chiếc/tháng - gấp ba lần so với doanh số bán hàng tại các cửa hàng truyền thống.

Hiện Anhui Deli cũng đã quyết định mở một nhà máy ở Pakistan, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2020. Nhưng việc chuyển sản xuất sang các nước khác cần có thời gian và có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cả Matsutek - một công ty có doanh thu 500 triệu nhân dân tệ vào năm ngoái và Thâm Quyến MTC Co - nhà cung cấp TV cho Walmart Inc dưới thương hiệu Onn với doanh thu hàng năm khoảng 13 tỷ nhân dân tệ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu việc chuyển sản xuất sang Việt Nam. Nhưng cuối cùng họ đã từ bỏ ý định này khi Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát. Hiện MTC cũng đã bắt đầu hợp tác với Pinduoduo.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như một chất xúc tác giúp các công ty thương mại điện tử đang thu hút ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhanh chóng mở rộng thị trường nội địa bằng một chương trình được triển khai vào tháng 12, đó là cung cấp dịch vụ tư vấn về phát triển sản phẩm. Các sàn thương mại điện tử cũng hứa sẽ chia sẻ dữ liệu và cung cấp thời gian quảng cáo.

“Pinduoduo đã liên lạc với chúng tôi và nói rằng họ muốn có một mô hình kinh doanh từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Xem xét họ đang làm rất tốt ở các thành phố cấp thấp hơn và có ít đối tác hơn trong lĩnh vực thiết bị gia dụng (so với các công ty thương mại điện tử khác), chúng tôi quyết định hợp tác với họ”, David Fang -Phó chủ tịch của MTC cho biết.

Trong khi Terry Wu của Matsutek cho biết, định hướng mới hướng về thị trường Trung Quốc của công ty là một thành công lớn và họ đã bán được hơn 100.000 máy hút bụi robot dưới thương hiệu Jiaweishi.