Nhìn lại những quyết sách chiến lược đáng nể của Tổng thống Indonesia

Theo Thanh Thắng/nhadautu.vn

Kể từ khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) nhậm chức vào năm 2014, quốc gia này đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng về mọi mặt trong đó có những thay đổi khiến dự luận quốc tế phải bất ngờ.

Tổng thống Jokowi. Nguồn: internet
Tổng thống Jokowi. Nguồn: internet

Nhìn vào tình hình kinh tế, chính trị và xã hội Indonesia thời gian qua, có thể nói quãng thời gian 5 năm tới chắc chắn sẽ không phải là “tuần trăng mật” khi Tổng thống Jokowi phải đối mặt với hàng loạt rắc rối đang thử thách khả năng của nhà lãnh đạo này.

Mặc dù vậy, ông Jokowi vẫn được người dân Indonesia đánh giá là một nhà lãnh đạo chăm chỉ, luôn hết mình cho công việc với sự tận tâm cống hiến cho đất nước. Bên cạnh đó vị tổng thống này còn nổi tiếng về những quyết sách chiến lược đáng nể giúp thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Indonesia.

Trẻ hóa đội ngũ cố vấn tổng thống

Thông qua tài khoản mạng xã hội Instagram, Tổng thống Indonesia Joko Widodo giới thiệu với công chúng 7 gương mặt cố vấn trẻ của ông trong nhiệm kỳ mới, hầu hết là nhà sáng lập của các start-up công nghệ.

Trong số 7 cố vấn này, người trẻ nhất mới 23 và lớn nhất 36 tuổi, đang hoạt động rất năng động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: giáo dục, doanh nghiệp, công nghệ sáng tạo, quyền người khuyết tật và tôn giáo.

Họ thuộc thế hệ thiên niên kỷ ‘millennials’ hay thế hệ Y (những người sinh từ đầu những năm 1980 đến 2000). Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), millennials là thế hệ đang làm chủ các nền tảng phổ biến nhất trong kỷ nguyên số - Internet, công nghệ di động, mạng xã hội - ở tầm mức mà các thế hệ trước đó không thể nào bắt kịp.

Sinh năm 1961, tổng thống Indonesia nhận thức rõ ông và những thành viên đầy kinh nghiệm trong nội các của mình không đủ "nhạy bén" để có thể tận dụng tốt những cơ hội do kỷ nguyên số mang lại bằng thế hệ millennials.

Trong nhiệm kỳ tổng thống lần 2 của mình, ông Jokowi không hề giấu giếm rằng ông cần những sáng tạo và đột phá công nghệ để giải quyết những thách thức mà đất nước đông dân thứ 4 thế giới đang đối mặt. Do đó, ông kỳ vọng nhóm cố vấn trẻ này thường xuyên cung cấp cho ông "những ý tưởng mới và sáng tạo, tìm tòi những cách thức mới mẻ và bên ngoài chiếc hộp để đưa đất nước tiến lên".

Di chuyển thủ đô ra khỏi Jakarta

Tổng thống Jokowi đã xác nhận thủ đô của Indonesia sẽ chuyển từ Jakarta đến Borneo, hòn đảo có diện tích tới 743.300 km2.

Vị tổng thống này đã cho thực hiện một cuộc khảo sát do Cơ quan Kế hoạch Phát triển quốc gia (BAPPENAS) đảm trách, để nghiên cứu chọn một địa điểm mới có thể ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo để làm thủ đô. Nơi có nhiều tiềm năng nhất là Palangkaraya, một thành phố thuộc tỉnh Kalimantan, mà trước đó cựu Tổng thống Sukarno từng mong muốn thay thế cho Jakarta làm thủ đô của Indonesia.

Borneo có diện tích 743.300 km2, là đảo lớn thứ ba thế giới và lớn nhất ở châu Á. Ba quốc gia có lãnh thổ trên Borneo là Brunei, Malaysia và Indonesia, trong đó Indonesia chiếm 73% diện tích. Thủ đô Jakarta hiện trên đảo Java, nơi có diện tích khoảng 128.000 km2 nhưng tập trung tới 60% dân số Indonesia.

Chính phủ Indonesia hồi tháng 4 đã công bố kế hoạch dời thủ đô ra khỏi Jakarta nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân. Lượng người tập trung ở các đô thị và thị trấn vệ tinh quanh thành phố gấp ba lần dân số trong đô thị, gây tắc nghẽn giao thông thường xuyên và nghiêm trọng.

Jakarta còn là một trong những thành phố đang bị chìm dưới mực nước biển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu cho biết phần lớn siêu đô thị này có thể bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2050. Hiện một nửa Jakarta đã nằm dưới mực nước biển.

AI hóa bộ máy công chức nhà nước

Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu các cơ quan nhà nước loại bỏ hai bậc công chức và thay thế bằng trí tuệ nhân tạo trong năm 2020.

Cụ thể, ông Jokowi muốn 4 cấp bậc trong cơ quan Chính phủ Indonesia sẽ được tinh giản còn 2 bậc trong vòng 2 năm tới nhằm cắt giảm bộ máy quan liêu. Bộ máy hành chính mới sẽ sử dụng AI nhằm tăng tốc độ làm việc. 

 Tuy nhiên kế hoạch của ông vẫn còn cần được Quốc hội Indonesia thông qua. Hiện ông Jokowi chưa tiết lộ thêm thông tin về vị trí nào trong Chính phủ nước này sẽ được loại bỏ và cách ứng dụng công nghệ trong kế hoạch này.

Tổng thống Indonesia lên kế hoạch cải cách hành chính mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế. Ông cho rằng đất nước nên chuyển dịch sang nền sản xuất cấp cao hơn, như xe điện và sử dụng các tài nguyên thô như than và bauxite trong hoạt động công nghiệp thay vì xuất khẩu ra nước ngoài.