Những "con nợ" khủng của chính phủ Mỹ

Theo Infonet

Thống kê cho biết, có ít nhất 68% số sinh viên Mỹ đã tốt nghiệp, ra trường hiện đang nợ tiền ăn học và trung bình mỗi người nợ khoảng 27.000 USD.

Amanda giật bắn người mỗi khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại cố định của gia đình cô vang lên. Từ vài tuần nay, số cuộc gọi đòi nợ ngày càng trở nên dày đặc hơn và nó trở thành nỗi ám ảnh với cô sinh viên vừa ra trường và cũng vừa chính thức…thất nghiệp.

Nhưng Amanda vẫn cảm thấy có một điều an ủi nhỏ khi qua báo chí cô biết rằng mình không phải là trường hợp cá biệt, số ít của nước Mỹ. Hiện đang có hàng triệu hộ gia đình Mỹ có con em học đại học đang là ‘con nợ khó đòi’ của chính phủ. Tại Mỹ, hầu hết các học sinh sau khi tốt nghiệp trung học, muốn học tiếp lên đại học mà không đủ khả năng tài chính có thể làm đơn xin vay tiền của chính phủ dưới sự bảo lãnh của bố mẹ.

Thông thường, các khoản vay này sẽ bắt đầu đáo hạn khi sinh viên tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Tuy nhiên, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đến nay vẫn chưa hết và kinh tế Mỹ vẫn chưa hồi phục. Khủng hoảng, thất nghiệp tràn lan khắp nước Mỹ khiến rất nhiều sinh viên không thể kiếm nổi việc làm để trả nợ cho chính phủ.

Mới đây, khảo sát sơ bộ của tờ L’Express (Pháp) cho biết, sau cuộc khủng hoảng nợ tiền mua nhà, mua xe hơi, giờ đây vấn đề nợ tiền ăn học đang là một trong những mối lo đè nặng lên xã hội Mỹ. Ước tính, đến cuối năm 2012, tổng số tiền nợ đến hạn nhưng chưa thể thanh toán của các sinh viên Mỹ đã lên tới hơn 1.000 tỷ USD.

Năm 2009, khi Tổng thống Obama bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất, tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ mới chỉ dừng ở mức 7% nhưng ngay sau đó đã vọt lên mức 10%, thậm chí có thời điểm đã chạm ngưỡng 12%. Kể từ cuối năm 2012, tình trạng thất nghiệp đã giảm nhiệt nhưng hiện vẫn vào khoảng 8%.

Sinh viên ra trường rất khó kiếm việc làm còn cha mẹ họ (những người đã có việc làm) lại liên tục bị giảm lương và hệ quả là vấn đề trả nợ chính phủ càng trở nên nan giải. Thống kê cho biết, có ít nhất 68% số sinh viên Mỹ đã tốt nghiệp, ra trường hiện đang nợ tiền ăn học và trung bình mỗi người nợ khoảng 27.000 USD.

Hồi năm 1989, con số này chỉ là khoảng 10.000 USD. Đối với 2 ngành “cao giá” và tốn kém nhất là y khoa và kinh tế, khoảng 10% số sinh viên ra trường cùng với khoản nợ lên tới 62.000 USD. Hiện nay có đến 20% số hộ gia đình Mỹ đang phải chi trả tiền ăn học hàng tháng cho con cái họ và nhóm ‘con nợ’ lớn nhất là những người dưới 35 tuổi.

Tyler Dickenson, 24 tuổi, cựu sinh viên của một trường đại học ở New York cho biết anh đã buộc phải bỏ học vì đơn xin vay tiền của anh không được gia hạn. “Số nợ tôi đã gánh quá lớn và nó không xứng đáng cho một tấm bằng cử nhân”, Dickenson phát biểu với phóng viên của hãng tin Reuters.

Hadi Nassar, một nha sỹ cho biết, sau 8 năm theo học ngành y số nợ của anh đã lên tới 186.000 USD và sau khi ra trường, anh chỉ xin được vào làm việc tại một phòng khám răng công với khoản thu nhập không đủ bù đắp cho sinh hoạt.

Hồi năm 2012, một số phong trào phản đối chính phủ của sinh viên đã nổ ra ở đất Mỹ. Các sinh viên kêu gọi chính phủ xóa nợ cho những người vay tiền để học đại học thay vì chi những khoản cứu trợ trị giá nhiều nghìn tỷ để cứu các ngân hàng sắp phá sản.

“Đây rõ ràng là một sự bất công và nó không xứng đáng. Đáng lẽ ra tôi không nên đi học đại học mà đi làm luôn cho một cửa hàng Starbuck sau khi tốt nghiệp trung học”, Katie Zaman, một nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành xã hội học của trường ĐH Wisconsin chia sẻ. Tuy học một ngành không mấy “đắt đỏ” và chưa tốt nghiệp nhưng cô đã nợ tới 111.000 USD.

“Nếu kinh tế ổn định hoặc tăng trưởng tốt, chúng tôi có thể trả hết nợ trong vài năm nhưng bây giờ, đến kiếm việc làm còn khó thì tôi không còn cách nào khác là chấp nhận bị phạt, bị đánh giá tín dụng tồi… Ngoài việc phải trả nợ tiền ăn học, hầu hết đều còn phải tiếp tục vay tiền để mua xe, trả tiền nhà nên gánh nặng của những người trẻ như tôi là vô cùng lớn. Nó khiến chúng tôi chẳng còn dám chi tiêu gì khác”, Amanda chia sẻ.

Bi kịch hơn nữa, trong khi nhiều sinh viên còn chưa kiếm được việc làm thì nhiều người đã kiếm được việc làm nhưng lương thấp và nợ nần đeo đẳng đã quyết định bỏ việc để… đi học tiếp nhằm trốn nợ. Những người này hy vọng trong khi họ đi học tiếp, chính phủ sẽ không đòi nợ quá gắt gao (khoản nợ cũ được hoãn trả) đồng thời họ có trình độ cao hơn qua đó sẽ kiếm được một việc làm tốt hơn trong tương lai.Các chuyên gia kinh tế đặc biệt tỏ ra lo ngại trước tình trạng “luẩn quẩn” này bởi sự nợ nần bế tắc sẽ khiến tiêu dùng bị cắt giảm một cách thậm tệ và góp phần khiến nền kinh tế trì trệ hơn.

Chuyện ngược đời đã xảy ra. Trước kia, các sinh viên mong sao nhanh chóng tốt nghiệp để đi làm còn ngày nay, sinh viên Mỹ chỉ mong càng lâu ra trường càng tốt.