Những kỹ năng bí mật của lực lượng đặc nhiệm Nga

Theo russian7.ru/qdnd.vn

Spetsnaz được coi là đội quân tinh nhuệ của lực lượng vũ trang Nga. Trong suy nghĩ nhiều người, họ là những siêu nhân có thể lực vượt trội những người lính bình thường. Tuy nhiên trên thực tế, điều quan trọng nhất đối với bất kỳ lính đặc nhiệm nào chính là tài mưu trí.

 Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tài mưu trí

Trong ấn phẩm “Huấn luyện cơ bản Spetsnaz. Sinh tồn cùng cực” của mình, tác giả Alexey Ardashev viết, lực lượng đặc nhiệm bao gồm những đơn vị trinh sát và biệt kích chuyên hoạt động ở hậu phương của kẻ địch.

Chính vì vậy, công tác huấn luyện lính đặc nhiệm cả cơ bản và chuyên nghiệp đều được đặc biệt chú trọng. Huấn luyện cơ bản bao gồm rèn luyện thể chất chung, kỹ năng chiến đấu giáp lá cà và tự vệ không có vũ khí, sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt, huấn luyện leo núi, nhảy dù... Trong khi đó, huấn luyện chuyên nghiệp là những bài tập sử dụng chất nổ, lặn sâu dưới nước và những kỹ năng khác. 

Đôi khi, ngay cả những điều này vẫn chưa đủ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo Sergei Kozlov, tác giả của cuốn sách “Lực lượng đặc nhiệm của Tổng cục tình báo: 50 năm lịch sử, 20 năm chiến tranh”, điều quan trọng nhất đối với một người lính đặc nhiệm là tinh thần cao, khả năng suy nghĩ độc lập, táo bạo và vượt trội, cũng như khả năng đưa ra những quyết định phi thường.

Đánh lạc hướng sự chú ý

Khả năng chuyển hướng chú ý của kẻ địch là điều không kém phần quan trọng đối với một người lính đặc nhiệm. Tác giả Sergei Kozlov khẳng định rằng, để đột nhập vào bên trong công trình, lính đặc nhiệm đôi khi phải “hy sinh” một người đồng đội của mình. Trong khi kẻ địch đang tập trung chú ý vào “kẻ phá hoại”, thì những lính đặc nhiệm còn lại thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, ngay cả một cánh tay bình thường cũng có thể đánh lạc hướng được sự chú ý của đối phương. Tác giả Viktor Popenko đã viết như vậy trong ấn phẩm “Hướng dẫn bí mật của lực lượng đặc nhiệm Tổng cục Tình báo” của mình.

Theo ông, một người lính đặc nhiệm không bao giờ được phép bị hạn chế chỉ với một con dao trong tay, mà cần phải sử dụng toàn bộ cơ thể của mình như một thứ vũ khí. Do vậy, tay không vẫn có thể thu hút mọi sự chú ý của kẻ địch và từ đó tạo ra kẽ hở trong việc phòng vệ của chúng.

Nghệ thuật ngụy trang

Lính Spetsnaz cũng bắt buộc phải có khả năng ngụy trang cho mình và tất cả các loại đồ vật. Trong cuốn sách “Lính biệt kích của Stalin. Lực lượng đặc nhiệm Bộ Dân ủy Nội vụ ở hậu phương kẻ địch” của mình, tác giả Alexei Popov viết rằng, trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đôi khi các nhóm phá hoại đã làm việc tại một vị trí trong vài ngày.

Lính đặc nhiệm không chỉ nghiên cứu kỹ tình hình, mà còn khéo léo che giấu những quả mìn do họ cài đặt. Những người lính biệt kích luôn cẩn thận gỡ phần đất còn sót lại rồi cho vào áo mưa và mang theo bên mình.

Nhờ những mưu mẹo như vậy, nên kẻ thù thậm chí còn không thể ngờ rằng cái chết đang chờ chúng ở đâu đó rất gần. Nhưng mỗi lính đặc nhiệm cần phải tự biết cách tránh khỏi cái chết.

Konstantin Komarov, tác giả cuốn sách “Spetsnaz. Khóa đào tạo sử dụng súng”, đưa ra lời khuyên rằng, nếu khi bắn nhau mà không tìm thấy chỗ ẩn nấp thích hợp thì nên xóa bỏ hoặc che đi những đường nét trên cơ thể.

Để làm được như vậy, theo Komarov, không chỉ có thể sử dụng quần áo, mà còn sử dụng bất kỳ vật dụng nào có trong tầm tay. Đăc biệt, tác giả khuyến cáo đặc biệt lưu ý đến quy tắc: “Mục tiêu càng lớn, thì ngắm bắn càng bất cẩn”.

Điều nghịch lý là, mục tiêu lớn làm giảm đáng kể khả năng bắn trúng. Mức độ của mục tiêu cũng ảnh hưởng đến hiệu quả bắn súng, bởi sẽ luôn khó khăn hơn khi bắn lên trên, còn trong bóng tối thì khó khăn hơn khi bắn xuống dưới.