Những nhân tố đứng sau đợt lao dốc gần đây của chứng khoán Mỹ

Theo Khánh Ly/vietnamplus.vn

Chỉ cách đây vài tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã chạm mức cao chưa từng thấy 26.951,81 điểm. Thế nhưng, sau nhiều ngày ghi nhận các mức giảm ba chữ số, tới phiên 24/10, chỉ số này tiếp tục để mất 608,01 điểm xuống còn 24.583,42 điểm, "thổi bay" mọi thành quả đạt được từ đầu năm.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 10/10/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 10/10/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng chỉ ra chính xác nguyên do gây ra thăng trầm trên thị trường chứng khoán ở bất kỳ thời điểm nào, nhưng có nhiều yếu tố được cho là "góp sức" vào đợt lao dốc gần đây của Phố Wall.

Nguy cơ tỷ suất lợi nhuận giảm

Hầu hết các doanh nghiệp Mỹ đều ghi nhận kết quả tài chính khả quan trong quý 3 vừa qua. Nhưng vào thời điểm này, giới lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang bàn tán về những thách thức mà họ phải đối mặt khi chi phí nguyên vật liệu và sản xuất gia tăng, cũng như các mức thuế mới.

Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp mình có nguy cơ sụt giảm vì những yếu tố này, và họ có thể sẽ phải đẩy gánh nặng chi phí gia tăng này sang khách hàng (dù chưa phải áp dụng).

Bảy trong số 11 lĩnh vực của chỉ số S&P 500 đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, có nghĩa là chúng đã giảm 10% trở lên so với các mức cao gần đây nhất. Bị ảnh hưởng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, tài chính, năng lượng và công nghiệp. Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu là một "điểm sáng" của Phố Wall, khi đang trên đà ghi nhận tháng khởi sắc thứ năm liên tiếp nhờ Procter & Gamble và các nhà sản xuất khác.

Chỉ số biến động CBOE (CBOE Volatility Index), thước đo “bắt mạch” tâm lý lo sợ của thị trường chứng khoán, đang ở mức 25, mức cao nhất kể từ đợt “chao đảo” của thị trường trước đó trong năm. Đây là chỉ số đo mức độ biến động dự kiến của S&P trong ngắn hạn.

Lo ngại lãi suất tăng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất ba lần trong năm nay và được dự đoán sẽ tăng thêm một lần nữa vào tháng 12 tới. Fed đã quyết tâm phải “chạy trước” lạm phát và ngân hàng này cũng cho thấy sự sẵn sàng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, bất chấp những chỉ trích từ phía Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, lãi suất tăng lại kìm hãm nhu cầu vay tiền của người tiêu dùng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bị lao dốc trong năm nay trước những lo ngại về hoạt động cho vay. Không những thế, doanh số bán nhà mới trong tháng Chín của Mỹ cũng giảm 5,5% xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, và các nhà phân phối ôtô cũng không thoát được xu hướng này.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Phố Wall cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài nước Mỹ. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tăng trưởng chậm lại. Số liệu được công bố hồi tuần trước cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự đoán, ở mức 6,5% trong quý 3/2018. Và quốc gia châu Á này cũng bị vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, trong đó mỗi bên lần lượt đưa ra các mức thuế nhiều tỷ USD đối với hàng nhập khẩu để trả đũa lẫn nhau.

Không có một lộ trình cố định nào để giải quyết những bất đồng này, dù Tổng thống Trump được dự đoán sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina nhân hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng tới.

Bên cạnh tình hình căng thẳng thương mại còn là một yếu tố khác. Đó là sự mạnh lên của đồng USD so với đồng nhân dân tệ và các đồng tiền chủ chốt khác, khiến hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn. Đây là một vấn đề đối với các thị trường mới nổi, nơi mà các món nợ tính bằng đồng USD sẽ trở nên khó chi trả hơn và nhu cầu đối với hàng hóa Mỹ cũng có thể bị "xói mòn."

Các nhân tố chính trị

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang thận trọng dõi theo những diễn biến ở Saudi Arabia và Italy. Giá dầu đã hạ trong thời gian gần đây. Nhưng khi lệnh trừng phạt mới mà Mỹ sắp áp đặt lên Iran từ đầu tháng tới được dự đoán sẽ cắt đứt nguồn cung dầu từ Iran, thị trường “vàng đen” sẽ chờ đợi Saudi Arabia và các nước thành viên khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đưa ra các biện pháp ứng phó.
rong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia có phần căng thẳng hơn sau khi Washington thông báo sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại.

Còn ở châu Âu, Italy đang rơi vào thế khó khi đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề tái cơ cấu nợ.

Cuối cùng, kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đang đến gần. Thị trường đang chi phối bởi những quan ngại về khả năng đảng Dân chủ đảo ngược thế đa số kiểm soát của đảng Cộng hòa tại cả hai viện Quốc hội có thể chặn đứng những chính sách nới lỏng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà đảng Cộng hòa đang theo đuổi./.