Những tín hiệu trái chiều từ FED

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Thời gian qua, để đối phó với sự suy yếu của nền kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã mạnh tay cắt giảm lãi suất và cam kết nhiều gói kích thích để hỗ trợ thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, những phát biểu và tuyên bố của FED cũng thường gửi đi những tín hiệu trái chiều khiến nhà đầu tư lúng túng.

Trong cuộc họp chính sách ngày 10/6/2020, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0% và cam kết giữ nguyên mục tiêu lãi suất hiện tại ở mức từ 0-0,25% cho đến khi tin tưởng rằng nền kinh tế đã vượt qua được những biến cố và đang trên đà đạt được mục tiêu bình ổn việc làm và giá cả.

Đồng thời, cơ quan này dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng âm 6,5% trong năm 2020, nhưng sẽ phục hồi ở mức dương 5% trong năm 2021 và 3,5% vào năm 2022. Trước đó trong cuộc họp tháng 3, FED đã không công bố các dự báo kinh tế hằng quý, do chưa chắc chắn việc tình trạng "ở yên trong nhà" tại Mỹ sẽ kéo dài trong bao lâu và tác động sâu rộng như thế nào.

Đến ngày 15/6/2020, FED thông tin về việc bắt đầu mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) như là một giải pháp cho vay khẩn cấp theo Chương trình Hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp (SMCCF), thay vì chỉ mua vào các chứng chỉ quỹ ETF như thông báo trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan này đưa ra cách mua lại TPDN và cho biết họ sẽ tuân thủ theo chỉ số đa dạng của thị trường TPDN Mỹ.

Được biết, SMCCF là một trong 9 chương trình cho vay khẩn cấp được FED công bố kể từ giữa tháng 3 nhằm hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ bởi đại dịch Covid-19. Với dung lượng 250 tỷ USD, cho đến nay, FED đã đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD vào các quỹ ETF mua lại TPDN. Biện pháp này nhằm giúp cho doanh nghiệp, cá nhân đang sở hữu trái phiếu mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp có thể bán lại cho FED để tăng lượng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày 16/6/2020, ông Powell - Chủ tịch FED lại tiếp tục có cái nhìn khá bi quan về nền kinh tế, khi thừa nhận một số chỉ báo kinh tế đã cho thấy sự ổn định trong hoạt động hoặc có dấu hiệu phục hồi nhẹ nhưng "vẫn còn không chắc chắn về thời điểm và mức độ phục hồi". Vì vậy, FED cam kết sử dụng đầy đủ các công cụ để đảm bảo đà phục hồi kinh tế cao nhất có thể.

Đối với chương trình mua TPDN, ông Powell phát biểu, FED sẽ không tăng cường quy mô của chương trình SMCCF, dù ông vẫn bảo vệ quyết định mua TPDN của FED trước những cáo buộc rằng cơ quan này đang can thiệp một cách không cần thiết vào thị trường trái phiếu. Theo ông Powell thì FED sẽ không mua ào ạt TPDN mà chỉ đảm bảo có mặt trên thị trường đề phòng trường hợp nền kinh tế chuyển hướng xấu hơn sẽ có giải pháp hỗ trợ.

Ông Powell cũng nhắc lại lập trường rằng "chúng tôi sẽ dừng các công cụ can thiệp", bao gồm cả chương trình mua TPDN khi chúng không còn cần thiết để hỗ trợ thị trường. Ngoài TPDN, FED cũng đang mua tối thiểu 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp mỗi tháng.

Phát biểu trên của Chủ tịch FED là một tín hiệu tiêu cực và đầy bất ngờ đối với thị trường tài chính. Cụ thể, chứng khoán Mỹ hôm 15/6/2020 đã đi lên sau thông báo của FED rằng cơ quan này sẽ bắt đầu mua trái phiếu của từng doanh nghiệp cụ thể, nhưng đến ngày 16/6/2020 đã điều chỉnh giảm trở lại khi cho biết có thể giảm quy mô mua vào trái phiếu hoặc sớm dừng chương trình tùy theo tình hình thị trường.