Những vết thương mà cú sốc COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu qua 7 biểu đồ

Theo Yên Khê/vietnambiz.vn

Dịch vụ, chế tạo và thương mại - các động cơ tăng trưởng chính cho nền kinh tế, đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong số liệu khi nhiều chính phủ phong tỏa đất nước, đẩy nền kinh tế thế giới vào cuộc suy thoái mang tên Đại Phong tỏa.

WTO cho biết kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2020 có thể lao dốc 12,9% hoặc 31,9% so với cùng kì năm ngoái.
WTO cho biết kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2020 có thể lao dốc 12,9% hoặc 31,9% so với cùng kì năm ngoái.

Kể từ khi khởi phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm ngoái, đại dịch COVID-19 đã lan sang 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 2,7 triệu người và khiến hơn 190.000 người tử vong trên toàn cầu, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.

Để làm chậm tốc độ lây lan của COVID-19, chính phủ các nước trên khắp thế giới đã thực hiện các biện pháp chưa từng có như ban bố lệnh phong tỏa trên diện rộng hoặc trên toàn quốc, đóng cửa trường học và công sở,...

Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gọi các lệnh hạn chế này là "Đại Phong tỏa". Đại Phong tỏa đã đẩy nhiều hoạt động kinh tế toàn cầu vào cảnh đình trệ, làm tổn hại doanh nghiệp và khiến người lao động mất việc.

"Đại Phong tỏa thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, không quốc gia nào bình an vô sự", bà Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng của IMF, cho hay hồi đầu tháng 4.

CNBC đã tổng hợp 7 biểu đồ cho thấy sức ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu trong hơn 4 tháng qua.

Tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt

Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo rằng các biện pháp phong tỏa trên thế giới sẽ đẩy nhanh tốc độ người lao động bị mất việc. Trên thực tế, lo ngại này đã xảy ra và thể hiện trong số liệu thất nghiệp của nhiều nền kinh tế.

Những vết thương mà cú sốc COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu qua 7 biểu đồ - Ảnh 1

Tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, hơn 26 triệu việc làm đã biến mất trong 5 tuần qua, toàn bộ thành tựu việc làm tích cóp được kể từ Đại Suy thoái (2008 - 2009) bị quét sạch. Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 3 đạt 4,4% - mức cao nhất kể từ tháng 8/2017, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Dù vậy, Mỹ không phải nền kinh tế duy nhất phải đối mắt với tình trạng thất nghiệp gia tăng. Australia và Hàn Quốc cũng ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp tăng, một số nhà kinh tế cảnh báo tình hình có thể chuyển biến xấu hơn.

Ngành dịch vụ oằn mình chống đỡ

Ngành dịch vụ là nguồn tăng trưởng và việc làm chính cho nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế và cũng là hai thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, cả hai nước đều báo cáo mức sụt giảm mạnh về doanh số bán lẻ vì các biện pháp kiểm soát đại dịch buộc vô số cửa hàng phải đóng cửa và người tiêu dùng phải ở yên trong nhà.

Những vết thương mà cú sốc COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu qua 7 biểu đồ - Ảnh 2

Doanh số bán hàng trực tuyến tăng ở một số nhà bán lẻ, chẳng hạn như Amazon. Dù vậy, mức tăng này cũng không thể bù lại đà sụt giảm chung của toàn ngành dịch vụ.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng người tiêu dùng có thể sẽ không quay lại mua sắm ngay cả sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Theo các nhà phân tích của Oxford Economics, thực trạng doanh số bán lẻ "phục hồi chậm" đang thể hiện rõ nét tại Trung Quốc dù nước này đã cho phép hoạt động kinh doanh mở cửa dần dần.

Những vết thương mà cú sốc COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu qua 7 biểu đồ - Ảnh 3

"Chi tiêu hộ gia đình phục hồi chậm củng cố quan điểm của chúng tôi rằng trên toàn cầu, người tiêu dùng không thể quay lại cửa hàng mua sắm ngay khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ", nhóm nhà phân tích của Oxford Economics viết trong báo cáo.

Theo IHS Markit, tác động to lớn của đại dịch đối với ngành dịch vụ có thể quan sát thấy được trên toàn cầu, khi hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, bất động sản và du lịch - lữ hành chứng kiến một số mức sụt giảm mạnh nhất.

Ngành chế tạo liên tục nhận tin dữ

Bị đè nặng bởi thương chiến Mỹ - Trung trong hai năm qua, các nhà sản xuất lại một lần nữa phải chịu áp lực khi mà COVID-19 lây lan trên khắp thế giới.

Những vết thương mà cú sốc COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu qua 7 biểu đồ - Ảnh 4

Đại dịch tác động đến các nhà sản xuất bên ngoài Trung Quốc đại lục đầu tiên vì hoạt động chế tạo của họ phụ thuộc vào nguyên liệu thô và linh kiện của thị trường tỉ dân. Tuy nhiên, các nhà máy tại Trung Quốc lại đóng cửa lâu hơn dự kiến do giới chức địa phương phải làm việc để kiểm soát dịch bệnh.

Khi có thêm nhiều quốc gia áp dụng biện pháp phong tỏa thì cũng ngày càng có nhiều nhà sản xuất bị ảnh hưởng. Một số công ty buộc phải tạm thời đóng cửa, trong khi số khác tuy mở cửa nhưng gặp phải hạn chế trong chuỗi cung ứng nguyên liệu và linh kiện trung gian.

Những vết thương mà cú sốc COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu qua 7 biểu đồ - Ảnh 5

Thêm vào đó, nhu cầu hàng hóa giảm còn làm trầm trọng thêm những thách thức mà các nhà sản xuất phải đối mặt. Cho nên, các nhà máy trên khắp nước Mỹ, châu Âu và châu Á đều báo cáo sản lượng sụt giảm trong tháng qua.

Một năm tồi tệ khác cho hoạt động thương mại

Thương mại toàn cầu, vốn đã chững lại trong năm 2019, dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống trong năm nay.

Những vết thương mà cú sốc COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu qua 7 biểu đồ - Ảnh 6

Trong dự báo mới nhất công bố trong tháng 4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2020 có thể lao dốc 12,9% hoặc 31,9% so với cùng kì năm ngoái, tùy thuộc vào quĩ đạo của nền kinh tế thế giới.

"Dưới cả hai kịch bản, tất cả các khu vực trên toàn cầu đều sẽ ghi nhận mức giảm hai chữ số trong giá trị xuất và nhập khẩu năm 2020", WTO cho hay.

Kinh tế toàn cầu khó thoát khỏi suy thoái trong năm 2020

Tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều tổ chức hạ dự báo tăng trưởng năm nay.

Vào đầu tháng 4, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020. Chỉ có một số ít nền kinh tế, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, được dự đoán sẽ tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ cũng sụt giảm đáng kể.

Những vết thương mà cú sốc COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu qua 7 biểu đồ - Ảnh 7

Mặc dù dự báo kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 5,8%, IMF cho rằng sự phục hồi "chỉ diễn ra một phần do mức độ hoạt động kinh tế có thể sẽ nằm dưới mức chúng tôi đã dự đoán cho năm 2021 vào thời điểm trước khi đại dịch xảy ra".

"Thiệt hại lũy kế của COVID-19 đối với GDP toàn cầu trong hai năm 2020 và 2021 có thể rơi vào khoảng 9.000 tỉ USD, lớn hơn qui mô nền kinh tế Đức và Nhật Bản gộp lại", bà Gopinath - Kinh tế trưởng của IMF nói.