Những yếu tố nào đẩy lạm phát tại Mỹ lên cao nhất trong gần 40 năm?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Mức tăng của lạm phát so với cùng kỳ như vậy cao nhất tính từ tháng 6/1982, lạm phát tăng trong bối cảnh thiếu nguồn cung hàng hóa và nhân lực khi mà kinh tế Mỹ đón lượng tiền khổng lồ.

Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Tháng 12/2021, lạm phát tại Mỹ tăng mạnh nhất 12 tháng và lên mức cao nhất trong gần 40 năm, theo báo cáo mới nhất mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư.

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số đo lường giá cả của nhiều loại mặt hàng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính theo tháng, chỉ số CPI tăng 0,5%.

Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones đã dự báo chỉ số này tăng 7% so với cùng kỳ trong tháng 12/2021 và 0,4% so với tháng liền trước.

Mức tăng của lạm phát so với cùng kỳ như vậy cao nhất tính từ tháng 6/1982, lạm phát tăng trong bối cảnh thiếu nguồn cung hàng hóa và nhân lực khi mà kinh tế Mỹ đón lượng tiền khổng lồ từ Quốc hội và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm sau thông tin trên còn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm.

Trưởng bộ phận quản lý đầu tư tại mạng lưới Commonwealth Financial Network, ông Brian Price, nhận xét: “Thông tin chỉ số CPI tăng 7% trong 12 tháng gần nhất sẽ gây sốc với nhiều nhà đầu tư bởi chúng ta chưa từng chứng kiến con số đó trong gần 40 năm. Tuy nhiên, đây cũng là con số mà nhiều người đã dự đoán trước và chúng ta có thể chứng kiến điều đó trên thị trường trái phiếu bởi lợi suất trái phiếu loại dài hạn giảm đáng kể trong sáng nay”.

Loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tăng 5,5% so với cùng kỳ năm và tăng 0,6% so với tháng liền trước. Tính toán của các chuyên gia đưa ra con số 5,4% và 0,5%. Với chỉ số lạm phát lõi, đây là mức tăng cao nhất tính từ tháng 2/1991.

Chỉ số giá nhà ở, vốn đóng góp khoảng gần 30% tổng các chi phí, tăng 0,4% trong tháng và 4,1% so với cùng kỳ năm, đây là mức tăng mạnh nhất tính từ thấng 2/2007.

Giá các phương tiện đi lại đã qua sử dụng, cho đến nay vốn là một yếu tố quan trọng đẩy cao lạm phát trong thời kỳ đại dịch COVID-19 do những hạn chế về chuỗi cung ứng hạn chế hoạt động sản xuất thiết bị mới. Chỉ số giá các sản phẩm đã qua sử dụng tăng 3,5% trong tháng 12, mức tăng so với cùng kỳ năm trước lên đến 37,3%.

Ngược lại, giá các sản phẩm năng lượng giảm trong tháng. Mức suy giảm ghi nhận ước tính 0,4% bởi giá dầu nguyên liệu hạ 2,4% còn giá xăng giảm 0,5%. Tính chung, giá các sản phẩm năng lượng nói chung tăng 29,3% trong 12 tháng, riêng giá xăng tăng 49,6%.

Các quan chức thuộc Fed đang theo dõi sát sao số liệu về lạm phát và dự kiến sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm nay trong nỗ lực ứng phó với tình trạng giá cả tăng quá nóng và thị trường việc làm tăng trưởng đạt trạng thái ổn định. Dù rằng ngân hàng trung ương sử dụng chỉ tiêu chi tiêu tiêu dùng như chỉ số chính đo lường lạm phát, các nhà hoạch định chính sách vẫn còn cần phải tính đến nhiều thông tin khác nhằm đưa ra quyết định.

Giám đốc điều hành chiến lược đầu tư tại E-Trade, ông Mike Loewengart, nhận xét: “Thông tin về chỉ số CPI mới nhất chỉ củng cố cho những gì chúng ta đã biết: Người tiêu dùng đang chịu rất nhiều áp lực giá cả và kết quả, Fed có cách tiếp cận cứng rắn. Tuy nhiên, hiện người ta vẫn còn đang hoài nghi về việc liệu Fed có tăng cường tốc độ siết chặt chính sách hay không bởi lạm phát sẽ vẫn duy trì ở mức cao, ít nhất trong trung hạn. Khi mà số lượng ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tăng, tác động từ chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động có thể duy trì”.

Lạm phát tăng cao đã “ăn mòn” mức tăng lương của người lao động. Tuy nhiên, mức thu nhập thực tính theo giờ tăng rất nhẹ 0,1% trong tháng. Nếu tính theo năm, mức thu nhập thực của người lao động giảm 2,4%, theo tính toán của BLS.

Các quan chức thuộc Fed dẫn lý do áp lực lạm phát liên quan đến các vấn đề của đại dịch COVID-19, trong đó tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã dẫn đến nguồn cung khó khăn và các cửa hàng trống nhiều. Dù rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy số lượng ca nhiễm liên quan đến biến chủng Omicron sớm lập đỉnh, các vấn đề dai dẳng liên quan đến COVID-19 kết hợp với thời tiết lạnh ở Bắc Bán cầu, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng của Capital Economics – ông Paul Ashworth.