Ông Trump bất an vì Fed, song sẽ có lợi thế nhờ Fed

Theo Hồng Quân/thoibaonganhang.vn

Fed có thể là một trong những “con bài” mà ông Trump khai thác để giành lợi thế trong tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ lần 2 của mình.

Giới phân tích nhận định chính quyền Tổng thống Trump muốn gây áp lực với Fed để có lợi thế trong chiến dịch tái tranh cử. Nguồn: internet
Giới phân tích nhận định chính quyền Tổng thống Trump muốn gây áp lực với Fed để có lợi thế trong chiến dịch tái tranh cử. Nguồn: internet

Không hài lòng nhưng khó có thể làm gì

Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích và thể hiện sự không hài lòng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dưới thời Jerome Powell - vị Chủ tịch mà ông Trump tiến cử - liên tục tăng lãi suất. Trong khi Tổng thống có thể cho phép các hoạt động quân sự, ban hành các quy tắc theo lệnh hành pháp, triệu tập họp với Quốc hội… thì lại không thể làm gì nhiều liên quan đến điều hành của Fed. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Trump sẽ không cố gắng làm gì đó.

Trong một loạt các dòng tweet, các cuộc phỏng vấn và nhận xét trái ngược với những người tiền nhiệm lãnh đạo Nhà Trắng, ông Trump đã liên tục cáo buộc Fed có “những hành động không cần thiết và phá hoại”. Mới đây nhất là vào cuối tháng 3 vừa qua, ông lại tweet rằng, “nếu Fed không sai lầm tăng lãi suất thì tăng trưởng GDP và chứng khoán Mỹ đã cao hơn nhiều”. Tổng thống Trump cho rằng, Fed là “vấn đề duy nhất mà nền kinh tế của chúng ta gặp phải” và “là vấn đề lớn hơn nhiều so với quan hệ với Trung Quốc”, đồng thời khẳng định “không hài lòng chút nào với lựa chọn của mình” về việc đề cử ông Powell làm Chủ tịch Fed. Kể từ khi Fed quyết định dần bình thường hóa CSTT vào năm 2015, lãi suất đã được tăng lên 9 lần, trong đó 7 lần gần đây nhất rơi vào trong nhiệm kỳ của ông Trump. Trong khi Tổng thống Mỹ muốn Fed phải giảm lãi suất và tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ, tức là phải nới lỏng định lượng để kích thích nền kinh tế.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Tổng thống không thể ra lệnh cho Fed phải làm gì? Không giống như các Bộ trưởng nội các trực thuộc chính phủ và có trách nhiệm triển khai các chỉ đạo của Tổng thống, Fed là NHTW, là một cơ quan hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội Mỹ về các mục tiêu của mình - và thường mất nhiều thời gian để theo đuổi các mục tiêu đó. Chính vì thế, Tổng thống không được phép “ký nháy” vào các quyết định lãi suất hoặc các chính sách khác của Fed. Điều này cũng tương đồng với các NHTW độc lập ở các nền kinh tế đã phát triển khác.

Nhưng chắc chắn Tổng thống Mỹ - người có quyền lực cao nhất - phải có thể làm gì với Fed chứ? Than phiền và chỉ trích công khai – như cách mà ông Trump thể hiện trong thời gian vừa qua là một trong những việc mà các Tổng thống Mỹ có thể làm. Thực tế thì trong khoảng 25 năm qua, các đời Tổng thống Mỹ gần như không có bình luận nào về điều hành chính sách của Fed. Một cách khác là với tư cách cá nhân, Tổng thống có thể đưa ra những lời phàn nàn của mình một cách trực tiếp với lãnh đạo Fed, như Tổng thống Lyndon Johnson đã làm với Chủ tịch Fed William McChesney Martin vào năm 1965. Bên cạnh “than phiền” công khai hay lấy tư cách cá nhân để tác động đến chính sách của Fed như vậy thì một cách tác động trực tiếp hay có thể coi là quyền lực nhất của Tổng thống là chọn lựa ra những nhân vật để bổ nhiệm vào Hội đồng Thống đốc Fed - những người sẽ bỏ phiếu cho các quyết định về lãi suất của Fed trong các cuộc họp chính sách của Ủy ban thị trường mở Liên bang.

Biến khó chịu thành lợi thế

Trên thực tế, hiện có 4 trong số 7 ghế của Hội đồng Thống đốc là những nhân vật đã được ông Trump bổ nhiệm, gồm ông Powell - Chủ tịch hiện tại của Fed; Randal Quarles; Richard Clarida và Michelle Bowman. Những dấu hiệu hiện nay cho thấy ông Trump đang tìm kiếm những “tín đồ chân chính”, những người sẽ đấu tranh cho quan điểm của ông để bổ nhiệm thêm 2 ghế nữa trong Hội đồng này.

Một nhân vật đang được ông Trump nhắc tới nhiều là Stephen Moore, cố vấn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông và hiện là một thành viên tại Viện nghiên cứu Heritage Foundation, người luôn “nhiệt tình” phê bình chính sách lãi suất thắt chặt của Fed hiện nay. Nhân vật thứ hai là Herman Cain, cựu Giám đốc điều hành của God Father's Pizza và từng là Chủ tịch Fed Kansas City. Ông này cũng từng có nhiều chỉ trích về các chính sách của Fed và là người đồng sáng lập một ủy ban ủng hộ các hành động chính trị của ông Trump.

Một trở ngại lớn nhất với đề cử của ông Trump là: Bất kỳ ứng cử viên Fed nào cũng cần phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Bên cạnh đó, thực tế những lần quyết định tăng lãi suất của Fed trong thời gian vừa qua không gặp phải ý kiến bất đồng nào và không có quan chức Fed nào kêu gọi phải cắt giảm lãi suất. Fed đưa ra quyết định bằng sự đồng thuận và về cơ bản, các ý kiến từ những người được ông Trump bổ nhiệm cho thấy cũng phù hợp với hiện trạng điều hành của Fed.

Liệu Tổng thống có thể sa thải các thống đốc, hay thậm chí Chủ tịch Fed không? Theo Đạo luật Dự trữ Liên bang 1913, các thành viên của Hội đồng Thống đốc sẽ phục vụ trong vòng 14 năm kể từ ngày kết thúc nhiệm kỳ của người tiền nhiệm, trừ khi bị Tổng thống sa thải. Các Thống đốc Fed có thể bị Tổng thống sa thải vì các lý do như “làm việc không hiệu quả, bỏ bê nhiệm vụ hoặc hành động phi pháp”. Với vị trí Chủ tịch, Đạo luật Dự trữ Liên bang không quy định về các điều kiện cần thiết để sa thải người nắm giữ vị trí này. Thực tế trong nhiều thập kỷ qua không có người đứng đầu Fed nào bị bãi nhiệm, chỉ có trường hợp Thomas McCabe, Chủ tịch Fed giai đoạn 1948-1951, đã có những bất đồng nghiêm trọng về điều hành lãi suất với Tổng thống lúc đó là Harry Truman (ông Truman muốn giữ lãi suất ở mức thấp), tới mức ông McCabe đã chủ động từ chức. Một trường hợp khác là Chủ tịch Fed George William Miller, người chỉ nắm giữ vị trí này 1 năm, sau đó bị Tổng thống Jimmy Carter đánh giá là “không đủ khả năng” nhưng cũng không bị sa thải mà được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Tài chính để nhường lại vị trí này cho ông Paul Volcker.

Trở lại với câu chuyện của Fed hiện tại, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cho thấy sẽ chống lại mọi nỗ lực của Trump để sa thải mình. Trong khoảng 6 tháng qua, ông Trump đã liên tục “dọa nạt” và chỉ trích ông Powell vì đã tăng lãi suất “một cách thiếu cảm giác” đối với thị trường, thậm chí đề cập tới khả năng sa thải. Giới phân tích cho rằng, khi nhìn đến chiến dịch tái tranh cử của mình, “tấn công” vào Fed có thể là một trong những cách thức ông Trump sẽ tiếp tục làm để ghi điểm với cử tri. Cách thức này vẫn hấp dẫn với ông Trump bởi Fed đặt ra lãi suất mà các ngân hàng phải trả để vay dự trữ, từ đó giúp xác định lãi suất cho tất cả mọi thứ, từ vay thế chấp nhà đến chi tiêu bằng thẻ tín dụng.

Khi lãi suất thấp, người tiêu dùng sẽ tăng vay và chi tiêu; doanh nghiệp tăng tuyển dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh... nghĩa là mọi thứ sẽ tốt lên và đấy chính là điều mà chính quyền của ông Trump kỳ vọng. Khi lộ trình bình thường hóa tiền tệ của Fed có tín hiệu dừng lại (Fed đưa ra thông điệp tạm dừng kế hoạch tăng lãi suất) thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh. Nhưng những người ủng hộ ông Trump còn muốn thúc đẩy nhiều hơn thế. Các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump như Stephen Moore và Larry Kudlow đều công khai vận động hành lang để gây áp lực với Fed phải cắt giảm lãi suất 0,5%. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ tiếp thêm sức mạnh rất lớn cho ông Trump trong chiến dịch tái tranh cử. Theo số liệu khảo sát mới đây của Viện Chính trị Georgetown, có 58% cử tri tán đồng với những gì ông Trump đã làm trên lĩnh vực kinh tế. Một báo cáo của Goldman Sachs vào cuối tuần trước cho thấy, phần lớn các thành viên thị trường mong đợi ông Trump sẽ tiếp tục nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai.

Trong khi ông chủ Nhà Trắng hiện đang gặp phải nhiều khó khăn trong xử lý các vấn đề liên quan đến người nhập cư, đối ngoại, quan hệ đồng minh… và có thể khiến tỷ lệ cử tri ủng hộ suy giảm trong tranh cử thì một Fed ôn hòa hơn – dù vì bất cứ lý do gì – chính là “món quà” và cơ hội mà ông Trump kỳ vọng và triệt để tận dụng.