Ông Trump khiến doanh nghiệp Trung Quốc không còn ‘hứng thú’ với thị trường Mỹ?

Theo Lê Anh/vietnamfinance.vn

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhậm chức, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm tới 36% chỉ còn 29,7 tỷ USD.

 Ông Donald Trump đã đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc đảm bảo thương mại công bằng với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc. Nguồn: Internet
Ông Donald Trump đã đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc đảm bảo thương mại công bằng với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc. Nguồn: Internet

Trong năm 2016, doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào Mỹ ở mức kỷ lục 46,5 tỷ USD. Tới năm 2017, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhậm chức, con số này đã giảm tới 36% chỉ còn 29,7 tỷ USD, CNN dẫn báo cáo từ Rhodium Group và Ủy ban Quốc gia về Mối quan hệ Mỹ - Trung.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Rhodium Group, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng gấp ba trong năm 2016 so với năm 2015. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhậm chức, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm tới 36% chỉ còn 29,7 tỷ USD.

Trên thực tế, con số thực còn thấp hơn rất nhiều do có nhiều giao dịch được thực hiện từ năm trước. Nếu không tính những giao dịch được công bố trước năm 2017, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 74%.

Ông Trump khiến doanh nghiệp Trung Quốc không còn ‘hứng thú’ với thị trường Mỹ? - Ảnh 1

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng gấp ba trong năm 2016 so với năm 2015.

Mức sụt giảm này diễn ra trước khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang.

Sau khi Tổng thống thống Mỹ Donald Trump áp đặt biểu thuế lên tới 50 tỷ USD nhằm vào Trung Quốc ngày 23/03, thì chỉ trong mấy ngày qua, Mỹ và Trung Quốc đã liên tục công bố thêm các biểu thuế mới nhằm vào hàng hóa của nhau.

Mỹ đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng các sản phẩm công nghệ, máy móc. Trung Quốc nói sẽ áp thuế hơn 100 sản phẩm Mỹ, bao gồm đậu nành, ngô, thịt bò, thuốc lá, xe, đồ nhựa.

Mỹ “khắt khe” với doanh nghiệp Trung Quốc

Trong năm 2017, Trung Quốc đã giảm thiểu các khoản đầu tư ra nước ngoài, trong khi Mỹ cũng gây nhiều cản trở vì lý do an ninh quốc gia.

Tổng thống Mỹ Trump từ khi bắt đầu nhậm chức hồi đầu năm ngoái đã đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc đảm bảo thương mại công bằng với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc.

Trong năm 2017, các nhà lập pháp của Mỹ đã giới thiệu một đạo luật kêu gọi sự kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Họ cũng đang trong tiến trình mở rộng hoạt động của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (Cfius), một ủy ban bao gồm nhiều cơ quan chức năng có nhiệm vụ xem xét các giao dịch nước ngoài để nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Cfius không chỉ kiểm duyệt hoạt động thâu tóm trong lĩnh vực quốc phòng mà còn tập trung vào một loạt thách thức an ninh khác, bao gồm hoạt động thâu tóm các công nghệ tiên tiến của Mỹ. Các thương vụ mua bán công ty sở hữu thông tin nhạy cảm như dữ liệu tài chính, hồ sơ sức khỏe, đã bị loại bỏ vì nguy cơ tiềm ẩn của hoạt động gián điệp và tống tiền.

Dựa trên ước tính từ Rhodium Group và Ủy ban Quốc gia về Mối quan hệ Mỹ - Trung, các thỏa thuận trị giá hơn 8 tỷ USD đã bị ngăn cấm thực hiện trong năm 2017, bởi vì các bên không thể giải quyết các lo ngại của Cfius.

Hồi đầu tháng 1, công ty thanh toán điện tử của Trung Quốc Ant Financial và công ty chuyển tiền Mỹ MoneyGram cho biết họ đã hủy hợp đồng mua bán trị giá 1,2 tỷ USD, sau khi không được cơ quan chức năng của Mỹ chấp thuận.

Thương vụ mua bán MoneyGram-Ant Financial đổ vỡ khi căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng lớn trong việc xác định nước nào sẽ kiểm soát công nghệ của tương lai. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng trở nên xung đột liên quan tới việc dữ liệu cá nhân sẽ phải được quản lý như thế nào khi mà dòng tiền và quyền sở hữu doanh nghiệp đang “chạy xuyên biên giới”.

Một khi mua được công ty chuyển tiền có quy mô hoạt động lớn như MoneyGram, Ant Financial có thể có quyền truy cập các hồ sơ tài chính thực hiện tại Mỹ. Và nó cũng tạo ra lỗ hổng an ninh lớn nếu công ty này có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc. Ant Financial đã phủ nhận những cáo buộc trên, cho rằng dữ liệu của người dùng sẽ được tiếp tục lưu trữ tại Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 9/2017, ông Trump cũng đã ngăn chặn một nhà đầu tư, do Chính phủ Trung Quốc đứng sau, mua một công ty bán dẫn của Mỹ sau khi Cfius cho rằng thỏa thuận này ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

“Việc giám sát của Cfius và Quốc hội Mỹ đối với các thương vụ của Trung Quốc” có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay, Jerry Yang, đồng sáng lập của Yahoo!, cho biết tại hội nghị ở Silicon Valley vào tháng 10/2017.

Trung Quốc ngăn chặn đầu tư “phi lý tính” ra nước ngoài

“Cách đây 1 năm rưỡi, Trung Quốc bắt đầu áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, trong đó ngăn chặn các công ty thực hiện các đợt thâu tóm ở Mỹ”, Stephen Orlins, Chủ tịch của Ủy ban Quốc gia về Mối quan hệ Mỹ - Trung, cho hay.

Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ cắt giảm đầu tư vào Mỹ mà còn cắt giảm đầu tư vào nhiều nước khác. Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) ngày 16/1 cho biết trong năm 2017, các nhà đầu tư của nước này đã đầu tư tổng cộng 120 tỷ USD vào 6.236 doanh nghiệp tại 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, giảm 29,4% so với năm 2016.

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phi tài chính (ODI) của Trung Quốc đã tăng trưởng hết sức nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đứng trước tình trạng đầu tư ồ ạt một cách “phi lý tính”, các cơ quan quản lý của Trung Quốc kể từ năm 2016 đã đưa ra nhiều quy định ngày càng chặt chẽ và khuyến cáo các doanh nghiệp nước này cân nhắc thận trọng hơn đối với những quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Ông Trump khiến doanh nghiệp Trung Quốc không còn ‘hứng thú’ với thị trường Mỹ? - Ảnh 2

Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào thị trường bất động sản của Mỹ.

Trong “Chỉ thị về việc tiếp tục định hướng hoạt động đầu tư ra nước ngoài”, được ban hành vào giữa tháng 8/2017, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã tuyên bố hạn chế các dự án ODI trong những lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, rạp chiếu phim và câu lạc bộ giải trí, đồng thời nghiêm cấm đầu tư vào những lĩnh vực như sòng bạc.

Tiếp đó, Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 3/11/2017 đã đưa ra dự thảo “Biện pháp quản lý đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp”, trong đó đưa hoạt động đầu tư ở nước ngoài của các công ty được doanh nghiệp nội địa thành lập bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào khuôn khổ quản lý.

Trong năm 2017, hoạt động ODI của các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như dịch vụ cho thuê và thương mại, chế tạo công nghiệp, bán buôn và bán lẻ, và công nghệ thông tin.

Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm 2017 không xuất hiện thêm bất cứ dự án ODI mới nào trong các lĩnh vực bất động sản, thể thao hoặc giải trí.