Quá "say mê" với phá giá tiền tệ sẽ chỉ gây hại cho kinh tế toàn cầu

Theo M. Hồng/thoibaonganhang.vn

Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng lãi suất 0% hoặc âm sẽ gây hại nghiêm trọng đến kinh tế thế giới trong dài hạn, và khẳng định việc “say mê” với phá giá tiền tệ đang trở thành vấn đề lớn, khi các nhà băng khắp nơi trên thế giới đi chung lối mòn hạ lãi suất.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng lãi suất 0% hoặc âm sẽ gây hại nghiêm trọng đến kinh tế thế giới. Nguồn: internet
Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng lãi suất 0% hoặc âm sẽ gây hại nghiêm trọng đến kinh tế thế giới. Nguồn: internet

Yuwa Hedrick-Wong, một học giả thỉnh giảng tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho biết, xu hướng của lãi suất 0% đang được áp dụng “quá mức cần thiết” và sẽ làm “vẩn đục” môi trường kinh doanh.

Lãi suất thấp làm tổn thương người cho vay khi co hẹp biên lợi nhuận của các nhà băng. Trong khi đó với một môi trường lãi suất âm, việc hạ lãi suất sâu hơn vào vùng tiêu cực về cơ bản có nghĩa là những người cho vay - nhà băng - đang trả nhiều tiền hơn cho ngân hàng trung ương khi gửi tiền của họ qua đêm.

Phát biểu tại Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes tại Singapore vào thứ Ba, Hedrick-Wong cho biết: “Tin chắc rằng lãi suất bằng 0%, hoặc lãi suất âm gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế toàn cầu trong dài hạn. Khởi đầu là, lãi suất bằng 0% đầu độc môi trường kinh doanh”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục kêu gọi lãi suất thấp. Trong một tweet vào tháng 9, ông cho rằng Fed nên cắt giảm lãi suất xuống 0% hoặc thậm chí đặt lãi suất âm. Ông cũng ra mặt ca ngợi lãi suất âm của trái phiếu chính phủ Đức.

Các ngân hàng châu Âu đã phải vật lộn trong nhiều năm với một môi trường lãi suất thấp liên tục, lần đầu tiên chạm 0% vào năm 2012 trước khi chuyển sang vùng lãi suất âm vào năm 2014. Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đã đẩy lãi suất của mình xuống dưới 0% trong tháng 9 và các nước như Đan Mạch, Thụy Điển và Nhật Bản cũng đã làm như vậy.

“Chúng ta phải đảo ngược quá trình đó. Bình thường hóa lãi suất phải là ưu tiên hàng đầu trong việc quản lý nền kinh tế trong tương lai”, Hedrick-Wong nói trong một cuộc thảo luận. “Sự say mê với phá giá tiền tệ là vấn đề, không phải là giải pháp”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo ​​Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ vẫn tiếp tục cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu khó khởi sắc, sự không chắc chắn đối với căng thẳng thương mại và “bùng nhùng” Brexit.

Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, thậm chí lo ngại rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa.

“Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, nếu diễn biến Brexit trở nên phức tạp hơn, thì tôi nghĩ Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa. Trên thực tế, ở một số thời điểm, có thể tính đến giới hạn lãi suất dưới 0%”, ông nói với CNBC vào thứ Tư, đề cập đến công cụ chính sách tiền tệ là hạ lãi suất ngắn hạn xuống 0% để kích thích nền kinh tế.

Vào tháng 7, Fed đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008. Ngân hàng trung ương này đã cắt giảm lãi suất lần thứ hai vào tháng 9, hạ lãi suất qua đêm trong phạm vi mục tiêu từ 1,75 đến 2%.

“Tôi cũng muốn nói về lãi suất âm ở Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, tất nhiên, đó là biểu hiện của một cuộc suy thoái”, Zandi nói.

Suy cho cùng, chính sách tiền tệ có thể trở nên kém hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng khi hầu hết các nền kinh tế lớn đều sử dụng nó như một công cụ chính sách, giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell nói với CNBC. Thay vào đó, các chính phủ nên cân bằng chính sách hơn, bao gồm cả việc kết hợp kích thích tài khóa, ông nói.

“Sự phụ thuộc dai dẳng vào lãi suất chính sách cực thấp hoặc tiêu cực khiến các hệ thống tài chính dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết và có ít tác động tích cực đến tăng trưởng”, ông bình luận.