Quyết định của ông Trump khuấy đảo thị trường dầu mỏ

Theo Minh Anh/baoquocte.vn

Thị trường dầu mỏ đã trở nên hỗn loạn, sau khi Tổng thống Trump chính thức tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh lên quốc gia Trung Đông này.

Các biện pháp trừng phạt Iran có khả năng sẽ trở lại với đầy đủ các nội dung. Nguồn: CNN Money
Các biện pháp trừng phạt Iran có khả năng sẽ trở lại với đầy đủ các nội dung. Nguồn: CNN Money

Như vậy, không còn là đồn đoán, cái gì đến đã đến, ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lại làm cái điều mà giới đầu tư và thì trường lâu nay vẫn “ngại” nhất, đó là chính thức rút khỏi thỏa thuận từng là nỗ lực ngoại giao suốt 15 năm qua của các cường quốc và Iran.

Ngay trước thời điểm ông Trump đưa ra quyết định, giá dầu gần như biến động tích cực, có lúc giảm tới hơn 4% vì ngờ vực khả năng Mỹ rút chân, nhưng đã ngay lập tức tăng trở lại vào sáng sớm nay, khi thông tin chính thức được công bố. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI sáng 9/5 tăng 1,7%, lên 70,22 USD/thùng. Trong khi đó, mức tăng với Brent là 1,83% lên 76,22 USD.

Ông Trump gọi Thỏa thuận hạt nhân Iran là “khủng khiếp, một chiều” và “mục ruỗng từ bên trong”. Cũng trong dịp này, Tổng thống Mỹ còn ký một biên bản ghi nhớ về việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Washington lên Chính quyền Iran.

Những lệnh trừng phạt này có thể sẽ mất vài tháng mới có hiệu lực, do Mỹ còn cần thời gian để đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các công ty và ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề khiến thị trường năng lượng lo lắng chính là thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, rằng các biện pháp trừng phạt có khả năng sẽ trở lại với đầy đủ các nội dung. Sau một giai đoạn điều chỉnh, các lệnh trừng phạt chắc chắn sẽ vẫn nhắm vào ngành thương mại dầu mỏ và năng lượng của Iran.

Tại Trung Đông, Iran hiện đứng ở vị trí thứ hai về trữ lượng dầu mỏ, chiếm khoảng 10% trữ lượng dầu mỏ thế giới và chỉ sau Saudi Arabia. Bởi vậy, lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Iran sẽ hạn chế dòng chảy dầu thô ra khỏi quốc gia OPEC này. Giới phân tích dự đoán con số bị hạn chế rất có thể sẽ lên tới 1 triệu thùng/ngày.  

Như vậy, tác động của những quyết định tái áp đặt trừng phạt “mạnh mẽ” lên Iran chắc chắn sẽ không nhỏ trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới đang trong tình trạng thiếu cung, do OPEC và Nga cắt giảm sản xuất để cứu giá dầu. Hôm 7/5, giá mới lần đầu lên lại trên 70 USD/thùng, kể từ cuối năm 2014.

Tác động cuối cùng sẽ được xác định bởi cách khách hàng chủ chốt của Iran như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Hàn Quốc – phản ứng thế nào với các biện pháp trừng phạt của ông Trump. Iran hiện xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày sang các nước này, nên giới phân tích cho rằng, nếu Washington triển khai ở "mức cao nhất" các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào buôn bán dầu mỏ với Iran, thì xuất khẩu dầu của Iran sẽ sụt giảm ngay trong năm nay và năm tới.

Trong khi Tổng thống Mỹ đã cảnh báo bất kỳ nước nào giúp Iran thực hiện chương trình vũ khí hạt nhân cũng sẽ bị trừng phạt mạnh tay thì trên thực tế, các nguồn tin từ các công ty lọc dầu cho biết, hiện các nhà lọc dầu châu Á đã chuyển hướng mua dầu của các nhà xuất khẩu khác để chuẩn bị cho phương án xấu nhất. Bạn hàng nhập khẩu dầu của Iran lớn nhất hiện nay là Trung Quốc, với lượng nhập khẩu từng đạt mức “đỉnh” khoảng 900.000 thùng/ngày nhận định họ không khó để tìm được phương án thay thế Iran từ Nga, Saudi Arabia, Tây Phi và Mỹ. 

Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu dầu Âu-Á được cho là sẽ sớm phải đối mặt với sự lựa chọn đầy khó khăn khi quyết định làm ăn với Mỹ hay đối trọng của họ là Iran. Người đứng đầu Tập đoàn Năng lượng Rapidan (Washington) Bob McNally dự đoán, các công ty sẽ liên lạc với Nhà Trắng để đề nghị được miễn trừ. 

Đối với nền kinh tế Iran, hiện sản lượng khai thác dầu của Iran đứng ở mức khoảng 3,8 triệu thùng/ngày, chiếm 4% nguồn cung của thế giới. Tuy vậy, xuất khẩu dầu của Iran được cho là sẽ không giảm ngay lập tức, do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra sẽ mất 180 ngày mới có hiệu lực. Chắc chắn, nền kinh tế dựa vào thu nhập dầu ở mức 60% này sẽ phải chịu những tác động không hề nhỏ.

Đến thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Âu thể hiện rõ quan điểm không ủng hộ chính sách của Mỹ. Các chính phủ Pháp, Đức và Anh ngày 8/5 đều khẳng định những nước này muốn ở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đã bày tỏ tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran, bất chấp việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận.