Robot cướp đi kế sinh nhai của hàng triệu người châu Á?

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Tự động hóa đồng nghĩa rằng nhiều công ty tại các nước thu nhập thấp sẽ quyết định không bao giờ tạo ra loại công việc đó ngay từ ban đầu mà họ sẽ đầu tư tiền mua robot.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phó chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, ông Cai Fang, từng kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn xu thế tự động hóa dẫn đến kỷ nguyên thất nghiệp mới do công nghệ ở châu Á: “Chúng ta cần hãm bớt tốc độ và hạn chế sự phát triển của robot nhằm ngăn quá trình tự động hóa gây ra nhiều tác động xấu đến cuộc sống con người.”
Trước khi vị thành viên thường trực này của Đại hội đại biểu Nhân dân Trung Quốc lên tiếng, đã có nhiều nhân vật có tiếng tăm kêu gọi bảo vệ con người khỏi sức ảnh hưởng của máy móc.
Trong năm ngoái, tỷ phú Bill Gates nổi tiếng từng kêu gọi đánh thuế robot để hạn chế bớt tình trạng dùng robot thay thế cho con người. 
Trong khi những lời kêu gọi mang tính bảo hộ như vậy ngày một nhiều ở thế giới các nước công nghiệp phát triển, có nhiều lý do để lo lắng về sự tự động hóa ngày một rộng khắp ở châu Á, đặc biệt xét đến ảnh hưởng của nó trong nhiều ngành sản xuất của khu vực. 
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã công bố một báo cáo nghiên cứu mới.
Theo đó, 14% việc làm tại 32 nền kinh tế công nghiệp có mức độ tự động hóa cao, đó có thể là robot công nghiệp thay thế người dọn dẹp hoặc robot công nghiệp có sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhiều phần mềm thay thế người dịch thuật hoặc phân tích dữ liệu. 
Điều này có thể khiến nhiều người lo sợ, thế nhưng con số 14% thực ra thấp hơn so với nhiều nghiên cứu tương đương, trong đó phải kể đến báo cáo nghiên cứu năm 2013 thực hiện bởi chuyên gia kinh tế đại học Oxford, ông Carl Frey và Michael Osborne. 
Hai ông đã nghiên cứu khoảng 700 loại công việc và kết luận rằng khoảng 47% công việc làm tại Mỹ đối diện với rủi ro bị thay thế trong những thập kỷ tới. 
Thay cho việc chỉ nghiên cứu chung chung về các loại hình công việc, nghiên cứu viên của OECD đã xem xét đến từng nhiệm vụ công việc, cố gắng tìm hiểu những khâu nào cần đến sự sáng tạo hoặc trí tuệ xã hội mà ít chịu ảnh hưởng bởi tự động hóa.
Có quá nhiều công việc được thực hiện hàng ngày có những thao tác khó bị tự động hóa thay thế, ví như thương thảo với khách hàng cho đến đồng nghiệp. 
Cuối cùng, họ kết luận rằng có thể chúng ta đã lo lắng quá mức về việc một số công việc văn phòng, có một số công việc trình độ thấp sẽ vẫn có khả năng tồn tại được. 
Kết quả nghiên cứu mới này có thể khiến nhiều ông chủ doanh nghiệp ở phương Tây tạm yên lòng, thế nhưng ở châu Á, câu chuyện lại khác hoàn toàn.
Nguyên nhân bởi ở châu Á vẫn còn nhiều công việc trình độ thấp dễ bị thay thế bởi tự động hóa. 
Tự động hóa có thể coi như mối hiểm họa trực tiếp với loại công việc tạo nên xương sống cho những nền kinh tế phát triển với trọng tâm xuất khẩu ví như Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan. 
Thế nhưng mối hiểm họa thậm chí còn tồi tệ hơn đối với nhiều nền kinh tế khác đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, ví như Campuchia hay Myanmar hay nổi bật có thể kể đến Ấn Độ - tất cả nhóm nền kinh tế này đang chật vật xây dựng lĩnh vực sản xuất quy mô lớn và thâm dụng lao động.
Robot cướp đi kế sinh nhai của hàng triệu người châu Á? - Ảnh 1
 Tốc độ tự động hóa tại nhiều nền kinh tế mới nổi châu Á đang tăng nhanh chóng - Ảnh: Verint
Hiểu theo một cách khác, tự động hóa không chỉ đe dọa sẽ thay thế các công việc sản xuất hiện tại ở châu Á. Nó còn đồng nghĩa rằng nhiều công ty tại các nước thu nhập thấp sẽ quyết định không bao giờ tạo ra loại công việc đó ngay từ ban đầu mà họ sẽ đầu tư tiền mua robot. 
Ảnh hưởng đến cuộc sống của người châu Á sẽ cực kỳ lớn, nó lấy đi nấc thang thoát khỏi cuộc sống khó khăn của hàng triệu người nông dân rời khỏi đồng ruộng để đi làm kiếm sống tại nhà máy khắp nơi ở châu Á.
Chính quá trình này trước đây đã từng giúp cho hàng loạt nền kinh tế châu Á thoát khỏi đói nghèo và vươn lên được vị trí thu nhập trung bình. 
Sự tự động hóa tiềm năng không đồng nghĩa với việc cuối cùng nó sẽ xảy ra.
Các nghiên cứu về robot chỉ muốn nhấn mạnh về những công việc chịu rủi ro.
Các doanh nghiệp có thể sẽ quyết định tự động hóa chậm hơn, đó là chưa nói đến chi phí và sự phức tạp khi áp dụng công nghệ cao vào các thị trường mới nổi. 
Nhìn từ nhiều góc độ, tự động hóa vẫn chỉ đang ở giai đoạn còn rất mới ở các nền kinh tế mới nổi châu Á.
Trung Quốc hiện có 631 robot công nghiệp trên mỗi 10.000 người lao động, tỷ lệ tương đương 30% so với Mỹ và 1/10 so với Hàn Quốc, theo thống kê của Liên đoàn Robot quốc tế.
Dù vậy, tốc độ tự động hóa đang tăng nhanh chóng mặt. 
Giờ đây, ít chính phủ muốn thực hiện biện pháp gắt gao như được nói đến bởi ông Fang và Gates bởi họ lo sợ về khả năng các nhà sản xuất sẽ chuyển việc sản xuất sang nước khác.
Tuy nhiên nếu chính phủ nhiều nước châu Á không thể giúp cho người lao động của họ thích ứng và tốc độ tự động hóa cứ tăng nhanh như hiện nay, những lời kêu gọi chống robot sẽ chỉ ngày một nhiều hơn.