Rơi vào hoảng loạn, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong lịch sử

Theo Minh Anh/bizlive.vn

Thị trường chứng khoán Mỹ có phiên đầu tuần nhuốm sắc đỏ do nhà đầu tư rơi vào tình trạng hoảng loạn và bán tháo đồng loạt. Chỉ số Down Jones có phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử khi có lúc mất gần 1.600 điểm trong phiên.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chỉ số S&P 500 mất 113,19 điểm, tương đương 4,1% còn 2.648,94 điểm. Chỉ số này hiện giảm hơn 5% so với mức đỉnh cao nhất trong lịch sử là 2.872,87 đạt được ngày 26/1/2017. Chỉ số S&P 500 đã có 406 phiên chưa từng giảm mạnh như vậy, và đây là thời kỳ dài nhất mà chỉ số này không sụt 5% trong 20 năm qua.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average kết phiên giảm 1.175,21 điểm, tương đương 4,6%, xuống còn 24.345,75 điểm.
Đây là mức giảm tương đối (theo tỷ lệ phần trăm) mạnh nhất kể từ 18/8/2011 đối với chỉ số S&P 500 và là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số Dow Jones kể từ 10/8/2011. Cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều giảm điểm so với cuối năm ngoái.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 273,42 điểm hay 3,8% còn 6.967,53 điểm. Tuy nhiên, chỉ số nhóm ngành công nghệ này vẫn giữ được mức tăng 0,9% so với cuối năm ngoái.
Trong số các nhóm ngành, ngành tài chính giảm mạnh nhất là 5%, sau đó là y tế, công nghiệp, năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin đều giảm hơn 4%.
“Hoảng loạn” là từ được nhiều chuyên gia sử dụng khi bình luận về thị trường Mỹ trong phiên thứ Hai “đen tối”. Tình trạng trắng bảng bên mua cũng xuất hiện ở bảng điện tử Mỹ trong phiên này.
Thứ Sáu tuần trước, chỉ số S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2016, trong khi đó hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 có tuần giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm. Đà bán tháo diễn ra sau khi có báo cáo việc làm Mỹ tốt hơn dự báo, khiến giới đầu tư nhìn nhận là một dấu hiệu Cục Dự trữ liên bang (Fed) có thể tăng lãi suất mạnh hơn 3 lần như dự kiến trước đó.
Thị trường bị chi phối bởi lợi suất trái phiếu tăng mạnh, khiến dòng tiền đổ vào chứng khoán bị thu hẹp. Trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vọt lên mức 2,883%, nhưng sau đó lại giảm về 2,72% trong bối cảnh giới đầu tư đổ tiền vào tài sản “tránh bão” khi thị trường chứng khoán đỏ lửa.
Lợi suất trái phiếu 10 năm biến động ở mức cao nhất trong vòng 4 năm sau khi báo cáo việc làm Mỹ được công bố thứ Sáu tuần trước cho thấy lương tăng mạnh và có thể khiến lạm phát tăng.
Michael Wilson, chiến lược gia chứng khoán Mỹ tại Morgan Stanley, cho rằng chưa nên “bắt dao rơi” do vẫn còn lo ngại về tình trạng ngân sách cho Chính phủ Mỹ chưa được thông qua và lãi suất có thể còn tăng.
Kim Caughey Forrest, chuyên gia phân tích cấp cao và quản lý danh mục tại Fort Pitt Capital Group, cho rằng “đà bán tháo trong hoảng loạn và phục hồi một phần là do các chương trình máy tính tự động, chứ con người không thể đưa ra quyết định nhanh như vậy”.
Forrest cho rằng đà tăng liên tục của thị trường đã mạnh, và thị trường hiện nay dường như trở về mức bình thường.