"Rửa tiền" và chống "rửa tiền" trên thế giới

Hồng Vân

TCTC online - Các nguồn khác nhau đưa ra ước tính mỗi năm bọn tội phạm rửa tiền từ 500-1.000 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và cả an ninh toàn cầu. Phòng chống "rửa tiền" là vấn đề làm đau đầu các nhà chức trách trên thế giới

Vài nét về "rửa tiền"

Những năm 20 của thế kỷ trước, tại Mỹ, buôn bán rượu bị cấm đoán. Các tổ chức tội phạm tham gia vào việc nhập rượu lậu từ các nước vùng Carribe và bán chui (trốn thuế) trên thị trường Mỹ đã thu được những món lợi khổng lồ. Số tiền không rõ nguồn gốc này đã được dấu trong các thu nhập của các hiệu giặt là và từ đây xuất hiện từ "rửa tiền hay giặt tiền".

Tuy nhiên, thuật ngữ "rửa tiền" lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Mỹ là vào năm 1973 trong vụ bê bối tài chính Watergate nổi tiếng nước Mỹ. Năm năm sau đó thuật ngữ "rửa tiền" chính thức được sử dụng trong một số văn bản pháp lý của tòa án Mỹ. Thuật ngữ này trở nên phổ biến trong những thập kỷ gần đây bởi tính phổ biến và ảnh hưởng của chúng. Tổ chức chống "rửa tiền" quốc tế (Finance Action Task Force) đã định nghĩa hoạt động của "rửa tiền" là:

• Việc giúp đỡ đối tượng phạm pháp lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật;

• Việc cố ý che giấu nguồn gốc, bản chất, việc cất giấu, di chuyển hay chuyển quyền sở hữu tài sản phạm pháp;

• Việc cố ý mua, sở hữu hay sử dụng tài sản phạm pháp.

Như vậy, hiểu một cách khái quát thì "rửa tiền" là toàn bộ các hoạt động được tiến hành một cách cố ý nhằm hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm.

3 bước "rửa tiền"

Thông thường, tiền được "tẩy rửa" qua 3 bước:

1.      Nhập tiền bẩn vào hệ thống kinh tế tài chính: Mục đích của bước này là biến đổi hình thái ban đầu của các khoản thu nhập phạm pháp và tách chúng khỏi tổ chức tội phạm nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Một số thủ đoạn phổ biến là chia nhỏ tiền bất chính để gửi vào các ngân hàng nhiều lần để số lượng mỗi lần không đến mức phải khai báo, mua các công cụ tiền tệ hay hàng hóa xa xỉ đắt tiền, chuyển lậu tiền ra nước ngoài...

2.      Quay vòng tiền: Trong giai đoạn này, những kẻ "rửa tiền" sử dụng tiền "bẩn" để thực hiện càng nhiều giao dịch tài chính càng tốt, đặc biệt là các giao dịch xuyên quốc gia, nhằm tạo ra một mạng lưới giao dịch chằng chịt, phức tạp và khó lần dấu vết. Tiền có thể được chuyển đổi thành chứng khoán, séc du lịch hoặc qua các ngân hàng khác nhau.

3.      Hội nhập tiền đã "rửa" vào hệ thống kinh tế: Dù tiền "bẩn" có được quay vòng qua bao nhiêu giao dịch thì đích đến cuối cùng vẫn là tổ chức tội phạm ban đầu. Một số thủ đoạn tiêu biểu là làm sai lệch hóa đơn trong giao dịch xuất nhập khẩu, chuyển tiền qua một ngân hàng hợp pháp thông qua một ngân hàng trá hình hay công ty ma ở nước ngoài... Sau đó những kẻ "rửa tiền" sẽ đầu tư tiền này vào các hoạt động kinh tế hợp pháp.

Yêu cầu cơ bản để việc "rửa tiền" được thành công là phải khéo léo xóa được mọi dấu vết giấy tờ giao dịch. Tránh khai báo hải quan, xâm nhập cài người vào hệ thống ngân hàng, trì hoãn cung cấp chứng từ là những thủ đoạn phổ biến giúp bọn tội phạm đạt mục đích này.

Cụ thể, các chiêu thức "rửa tiền" là:

Tiền gửi tí hon: Tội phạm "rửa tiền" chia số tiền lớn thành những khoản nhỏ thấp hơn hạn mức ngân hàng phải báo cáo giao dịch với nhà chức trách, nhằm giảm thiểu nghi ngờ. Số tiền này sau đó được gửi dần vào một hoặc nhiều tài khoản ngân hàng, việc gửi tiền do nhiều người thực hiện hoặc do một người duy nhất thực hiện trong khoảng thời gian dài.

Các ngân hàng nước ngoài: Tội phạm "rửa tiền" gửi tiền thông qua các tài khoản nước ngoài khác nhau ở các nước có luật bảo mật ngân hàng, tức cho phép giao dịch ngân hàng ẩn danh. Các “thiên đường bảo mật" bao gồm Bahamas, Bahrain, quần đảo Cayman, Hồng Công, Antilles, Panama và Singapore.

Ngân hàng ngầm: Một số nước ở châu Á tồn tại hệ thống ngân hàng ngầm chấp nhận gửi tiền, rút tiền và chuyển tiền không có giấy tờ. Đáng chú ý có hệ thống hawala tại Pakistan và Ấn Độ, hệ thống fie chen ở Trung Quốc.

Công ty vỏ bọc: Đây là những công ty giả tạo, tồn tại không có lý do nào khác hơn ngoài "rửa tiền". Nhiệm vụ của chúng là nhào nặn ra các giao dịch hợp pháp thông qua các hóa đơn và bảng cân đối khống.

Đầu tư vào các doanh nghiệp hợp pháp: Tội phạm đầu tư vào các doanh nghiệp hợp pháp nhằm rửa sạch tiền "bẩn". Chúng có thể nhắm đến các doanh nghiệp lớn như công ty môi giới hoặc các casino - những nơi có lượng tiền lưu thông lớn, dễ trà trộn tiền "bẩn", hoặc cũng có thể lợi dụng những doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu dùng tiền mặt như quán bar, tiệm rửa xe, câu lạc bộ múa thoát y…

Những doanh nghiệp này được gọi là “công ty bình phong”, tuy có cung cấp hàng hóa, dịch vụ hẳn hoi nhưng mục đích thực sự là để làm sạch tiền "bẩn". Phương pháp này thường được tiến hành theo một trong 2 cách: Cách thứ nhất đơn giản là kẻ rửa tiền gửi tiền "bẩn" vào tài khoản ngân hàng hợp pháp của công ty với hy vọng rằng nhà chức trách sẽ không so sánh bản cân đối ngân hàng với báo cáo tài chính của công ty. Cách thứ hai cần thêm chút khéo léo để chèn tiền "bẩn" vào doanh thu sạch của công ty và công ty sẽ báo cáo gộp chung thành doanh thu hợp pháp.

Những hậu quả của "rửa tiền"

1. Làm tăng tội phạm và tham nhũng

Việc "rửa tiền" thành công sẽ giúp cho các hoạt động phạm tội có thể sinh lợi, để những kẻ tội phạm có thể "hưởng thụ" các thành quả thu được từ các hoạt động tội phạm. Vì vậy, chừng nào một nước còn được coi là nơi ẩn náu an toàn cho hoạt động "rửa tiền" thì khi đó còn có nhiều khả năng nước đó có sức lôi cuốn tội phạm và thúc đẩy tham nhũng.

2. Những hậu quả đối với quốc tế và đầu tư nước ngoài

Tai tiếng về một nơi ẩn náu an toàn cho "rửa tiền" và tài trợ cho khủng bố cũng đã có thể gây ra những hậu quả bất lợi đáng kể cho sự phát triển của một đất nước. Các tổ chức tài chính nước ngoài có thể quyết định hạn chế các giao dịch của mình với những tổ chức là nơi ẩn náu an toàn cho "rửa tiền"; buộc những giao dịch như vậy phải qua sự kiểm soát gắt gao hơn, khiến cho chúng thêm tốn kém hoặc chấm dứt hoàn toàn các mối quan hệ giao dịch hay vay mượn. Ngay cả các doanh nghiệp hợp pháp lẫn những doanh nghiệp là nơi ẩn náu an toàn cho "rửa tiền" cũng có thể bị giảm khả năng tiếp cận các thị trường thế giới hoặc phải tiếp cận với chi phí cao hơn do phải chịu sự kiểm soát gắt gao hơn về quyền sở hữu, các hệ thống tổ chức và kiểm soát.

3. Làm suy yếu các tổ chức tài chính

"Rửa tiền" và tài trợ cho khủng bố có thể gây nguy hại theo nhiều cách cho sự lành mạnh của khu vực tài chính của một đất nước cũng như cho sự ổn định của từng tổ chức tài chính. Những hậu quả tai hại đó được coi là rủi ro đối với uy tín, nghiệp vụ, pháp lý và rủi ro tập trung đều có mối quan hệ qua lại với nhau. Mỗi rủi ro đều gây ra những chi phí cụ thể:

• Mất đi hoạt động kinh doanh sinh lợi,

• Những vấn đề về tính thanh khoản do việc rút tiền gây ra,

• Cắt đứt các cơ sở ngân hàng đại lý,

• Các chi phí điều tra và tiền phạt,

• Thu giữ tài sản,

• Tổn thất cho vay,

• Giảm giá trị cổ phiếu của các tổ chức tài chính.

4. Nền kinh tế và khu vực tư nhân bị tổn thương

Những kẻ "rửa tiền" khét tiếng về việc sử dụng “các công ty bình phong”- là những doanh nghiệp có vẻ bề ngoài hợp pháp và tham gia vào hoạt động kinh doanh hợp pháp nhưng trên thực tế lại do bọn tội phạm kiểm soát.

Những công ty bình phong này hòa trộn các quỹ phi pháp với các quỹ hợp pháp để che giấu những khoản tiền bất chính. Khả năng tiếp cận của các công ty bình phong tới những quỹ phi pháp cho phép chúng bao cấp các sản phẩm và dịch vụ của công ty, thậm chí với giá thấp hơn giá thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp hợp pháp sẽ khó cạnh tranh với những công ty bình phong khi mục tiêu duy nhất của chúng là bảo toàn và bảo vệ những khoản tiền bất hợp pháp chứ không phải để tạo một ra bất cứ khoản lợi nhuận nào.

Bằng việc sử dụng các công ty bình phong và những khoản đầu tư khác vào các công ty hợp pháp, những khoản thu được từ "rửa tiền" có thể được dùng để kiểm soát toàn bộ các ngành hoặc các khu vực của nền kinh tế ở những nước nhất định. Điều này làm tăng sự bất ổn định tiềm tàng về khía cạnh tiền tệ và kinh tế do sự phân bổ sai lệch các nguồn lực bắt nguồn từ tình trạng méo mó giả tạo của giá tài sản và hàng hóa. Nó cũng tạo ra một cơ chế cho trốn thuế, từ đó làm cạn kiệt nguồn thu của đất nước.

5. Những nỗ lực tư nhân hoá bị tổn hại

Những kẻ "rửa tiền" là mối đe dọa đối với những nỗ lực cải tổ nền kinh tế thông qua tư nhân hóa của nhiều nước. Những tổ chức tội phạm có khả năng trả giá cao hơn so với những người đấu thầu chính đáng của những doanh nghiệp nhà nước trước đây. Khi những khoản tiền bất chính được đầu tư vào theo cách này, những kẻ phạm tội sẽ tăng được tiềm năng của chúng để thực hiện nhiều hoạt động phạm tội hơn và tham nhũng nhiều hơn, cũng như tước đoạt của đất nước những những khoản tiền thuế hợp pháp từ các doanh nghiệp.

Phòng chống "rửa tiền"trên thế giới

Phòng chống "rửa tiền" là vấn đề làm đau đầu các nhà chức trách trên thế giới. Ở Mỹ, trong vô số các luật liên quan, có thể kể tới Luật Bảo mật Ngân hàng (1970) nhằm loại bỏ giao dịch ngân hàng ẩn danh. Theo đó, Bộ Tài chính có quyền buộc các ngân hàng lưu giữ hồ sơ để dễ truy vết hoạt động "rửa tiền", các ngân hàng phải báo cáo tất cả giao dịch 1 lần trên 10.000 USD hoặc nhiều lần có tổng giá trị trên 10.000 USD nhận vào hoặc chuyển đi từ 1 tài khoản trong cùng 1 ngày.

Năm 1986, Luật Kiểm soát "rửa tiền" ra đời đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền, từ đó rửa tiền đã bị xem là hành vi tội phạm, thay vì chỉ là yếu tố trong toàn bộ một tội ác.

Tiếp đó, Luật Ngăn chặn "rửa tiền" năm 1994 yêu cầu các ngân hàng phải thành lập lực lượng đặc nhiệm để loại trừ các hoạt động đáng ngờ trong các tổ chức của họ. Luật Ái quốc năm 2001 thiết lập kiểm tra danh tính bắt buộc đối với khách hàng của các ngân hàng Mỹ, cung cấp các nguồn theo dõi những giao dịch trong hệ thống ngân hàng ngầm thường được bọn khủng bố sử dụng. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi pháp luật cũng tăng cường hành động.

Tuy vậy, ngăn chặn "rửa tiền" là điều rất khó khăn. Do đó, nâng cao nhận thức và hợp tác toàn cầu là điều cần thiết. Các tổ chức quốc tế nổi bật nhất trong lĩnh vực này bao gồm Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), Liên hiệp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Cảnh sát quốc tế (Interpol)…

Trong đó, FATF tập hợp 34 quốc gia thành viên và 2 tổ chức quốc tế, đã ban hành “40+9 khuyến nghị” cho các ngân hàng, được xem như tiêu chuẩn chống "rửa tiền". FATF cũng lập danh sách “các quốc gia bất hợp tác” và khuyến cáo các nước thành viên không giao dịch trong các vấn đề tài chính. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng áp lực yêu cầu minh bạch đối với các nước đang áp dụng luật bí mật ngân hàng (được xem như thiên đường của những kẻ trốn thuế, "rửa tiền").

Ngay cả ngân hàng Thụy Sĩ vốn nổi danh kín tiếng cũng phải nhượng bộ khi chấp nhận cung cấp cho nhà chức trách Hoa Kỳ danh sách hơn 4.000 tài khoản bị nghi ngờ trốn thuế trong đại gia ngân hàng UBS, đồng thời cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước trong việc phòng chống trốn thuế và "rửa tiền".