Sản xuất toàn cầu tiếp tục suy giảm

Theo SaigonTimes

Hoạt động sản xuất tháng 8-2012 trên toàn cầu tiếp tục suy giảm do những khó khăn ở khu vực đồng euro (eurozone), theo kết quả khảo sát công bố ngày 3-9 của công ty Markit.

Cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài ba năm có thể đẩy 17 nước eurozone rơi trở lại suy thoái trong quí 3-2012. Tháng 8-2012, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của eurozone đã giảm từ 45,3 xuống 45,1.

Đặc biệt, hoạt động sản xuất chậm lại ở những nền kinh tế lớn nhất eurozone là Đức và Pháp. Số đơn đặt hàng xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế của Đức, giảm mạnh nhất kể từ tháng 4–2009. Trong khi đó, hoạt động sản xuất cũng giảm dần từng tháng ở Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp dù với tốc độ chậm hơn. Ở Thụy Điển, chỉ số PMI tháng 8-2012 bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua do khả năng phục hồi xuất khẩu chậm.

Chỉ số PMI (Purchasing Managers’ Index): là chỉ số tổng hợp được xây dựng để cho đánh giá khái quát về hoạt động của ngành sản xuất.

Chỉ số này được hình thành từ các chỉ số riêng đo lường sự thay đổi về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và lưu kho hàng hóa mua.

Kết quả chỉ số PMI dưới 50 cho thấy ngành sản xuất giảm sút; trên 50 nghĩa là phát triển; 50 nghĩa là không có sự thay đổi.

Đáng lo ngại là suy thoái ở các nền kinh tế lớn như Đức và Pháp đã gây tổn hại tới các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu ở châu Á. Chỉ số PMI của Trung Quốc - động cơ chính của tăng trưởng châu Á - đã giảm xuống dưới 50 điểm và đây là mức sụt giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3-2009. Điều đó càng củng cố thêm dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang suy yếu.

Chỉ số PMI của các nước xuất khẩu lớn khác của châu Á cũng suy giảm tương tự. Cụ thể, PMI tháng 8-2012 của Hàn Quốc là 47,5 điểm, đánh dấu tháng thứ ba PMI thấp hơn ngưỡng 50 điểm - điểm phân chia giữa tăng trưởng và suy giảm. Tại Đài Loan - nền kinh tế phụ thuộc chính vào xuất khẩu - hoạt động sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 11-2011.

Ở Ấn Độ - nơi có hoạt động sản xuất liên tục tăng trưởng trong hơn ba năm qua - nhưng PMI tháng 8-2012 cũng giảm từ 52,9 điểm xuống 52,8 điểm. Ở Indonesia, hoạt động sản xuất tăng trưởng trong tháng 8-2012 nhưng số lượng đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ năm liên tiếp.

Giám đốc quản lý Manulife Asset, ông Endre Pederse, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á tuy có chậm hơn so với dự báo nhưng vẫn nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Ông hy vọng nền kinh tế châu Á sẽ hồi phục vào năm 2013. Nhưng rõ ràng, điều đó phụ thuộc nhiều vào châu Âu và Mỹ.