Sẽ có ngoại lệ với từng nước bị Mỹ áp thuế nhôm, thép

Theo Minh Anh/baoquocte.vn

Một ngày trước khi bản kế hoạch áp thuế lên hai mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ dự định được thông qua vào hôm nay (8/3), hơn 100 đảng viên đảng Cộng hòa đã cùng ký một lá thư gửi lên Nhà Trắng phản đối đề nghị này của Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Trump đề cập tới việc miễn giảm thuế cho một số đối tác. Nguồn: Associated Press
Tổng thống Trump đề cập tới việc miễn giảm thuế cho một số đối tác. Nguồn: Associated Press

Chủ tịch Uỷ ban Thuế vụ Hạ viện và Chủ tịch Tiểu ban Thương mại Kevin Brady - cũng là đại biểu đảng Cộng hoà ở bang Texas cho biết, bức thư này nhằm mục đích "ép" ông Trump "xem xét lại ý tưởng áp thuế nhập khẩu hà khắc, với nhiều hậu quả tiêu cực khó có thể lường trước”. Trong bức thư, các đảng viên Cộng hoà đã đề nghị ông Trump xem xét lại các mục tiêu áp thuế, ông Brady cho biết.

Có 107 người, chiếm gần một nửa số đảng viên đảng Cộng hòa đã ký vào bức thư này và nó được gửi đến Nhà Trắng vào chiều thứ Tư (7/3).

Theo thông tin từ một quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Trump dự kiến sẽ ký một bản tuyên bố vào chiều nay (8/3), để đưa ra kế hoạch áp đặt mức thuế mới. Đây là động thái rõ ràng nhất, khẳng định quyết tâm của Tổng thống Donald Trump, bất chấp những mối quan tâm của nhiều nhà lập pháp và các đối tác thương mại.

Ngày 7/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders tiết lộ, Mỹ có thể sẽ tiến hành các cuộc thăm dò đối với Mexico, Canada và một số nước khác. Tuy nhiên, giới quan chức cho hay vẫn chưa rõ, liệu việc đó có được giải quyết ngay vào ngày hôm nay hay không. Rất có thể, ông Trump sẽ bổ sung thêm một vài điều khoản, để đưa ra các ngoại lệ trên cơ sở từng quốc gia.

Các lời mời cho sự kiện ngày hôm nay, thứ Năm (8/3), đã được gửi đi vào chiều thứ Tư, bao gồm các giám đốc điều hành ngành công nghiệp và đại diện người lao động. Giới chức trách Nhà Trắng cũng cho biết thêm, không có điều khoản dự phòng hoặc thời gian xem xét lại đối với đề xuất thuế mới.

Trong bức thư phản đối kế hoạch thuế, các nhà lập pháp đã trích dẫn "mối quan ngại sâu sắc" về những ảnh hưởng tiềm ẩn đối với giới kinh doanh và người tiêu dùng Mỹ. "Bởi vì, thuế quan sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ kém cạnh tranh hơn và người tiêu dùng Mỹ thiệt thòi hơn. Bất kỳ mức thuế nào được áp dụng cần phải được nghiên cứu kỹ càng, vì các quyết định “méo mó” rất có thể sẽ dẫn đến các hành vi thương mại bất công", bức thư nêu rõ.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người đã phản đối kế hoạch thuế quan từ hồi đầu tuần, đã không ký vào lá thư.

Hồi tuần trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ quyết định áp đặt thuế quan tại cuộc họp của các nhà điều hành thép và nhôm Mỹ. Tuy nhiên, hiện ông vẫn để lại một số chi tiết quan trọng, bao gồm phạm vi và thời hạn của thuế quan. Chính động thái này đã khơi lên một cuộc tranh luận nội bộ gay gắt giữa các cố vấn hàng đầu của Tổng thống.

Trong số các tranh luận tại Nhà Trắng, có ý kiến đưa ra vấn đề làm thế nào để đưa được sự linh hoạt vào trong quyết định của Tổng thống, để có thể thông qua các ngoại lệ đối với một số quốc gia. Tuy nhiên, cũng có quan ngại rằng, việc miễn giảm có thể sẽ làm giảm tính hợp lý của thuế quan mới.

Trong khi đó, chính Tổng thống Trump đã đề cập về quan tâm của ông đối với việc miễn giảm thuế cho một số đối tác. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin với các nhà lập pháp vào ngày 6/3, mặt hàng nhôm, thép từ Mexico và Canada có thể sẽ được miễn thuế trong trường hợp Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới được ký kết.

Một số quan chức Nhà Trắng cũng tỏ ra quan ngại đối với chính đề xuất về sự linh hoạt trong đàm phán thương mại của Tổng thống, rằng việc tạo ra những ngoại lệ cho một số nước có thể tạo nên những tiền lệ xấu.

Về thông  tin này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sanders cho biết, ngoại lệ cho các nước sẽ được xem xét dựa trên cơ sở dữ liệu "từng trường hợp" và "từng quốc gia". Trước đó, bà này cũng thông báo với giới truyền thông rằng, các chi tiết về chính sách thuế quan vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và sẽ được công bố vào cuối tuần này.