Startup Trung Quốc đua nhau IPO

Theo Tùng Linh/bizlive.vn

2018 sẽ trở thành năm đặc biệt với các hãng hãng công nghệ tại Trung Quốc. Hàng loạt các tên tuổi sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Gần đây nhất, Xiaomi đã đệ đơn xin IPO tại sàn giao dịch Hong Kong.
Nếu việc đăng ký IPO được chấp nhận, đây sẽ là vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất thế giới từ năm 2014. 
Không chỉ Xiaomi, cả dịch vụ chia sẻ xe Didi Chuxing, dịch vụ tài chính Ant Financial và dịch vụ âm nhạc Tencent Music cũng dự kiến sẽ IPO trong năm nay.
Theo ông Hans Tung, đối tác quản lý của quỹ đầu tư mạo hiểm GGV Capital, quỹ đầu tư đã rót tiền cho Didi và Xiaomi: “Quy mô của các công ty này đã ở mức hấp dẫn với các tổ chức đầu tư. Các công ty Internet đang thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc”.
Hiện nay giá trị thị trường của Tencent và Alibaba đang vượt xa rất nhiều giá trị các cổ phiếu ngành ngân hàng và năng lượng.
Đây là điều mà 5 hay 10 năm trước không ai có thể tưởng tượng ra.
Nhưng năm nay, CNN Money cho rằng sẽ là năm đầy biến động với những mã cổ phiếu hàng đầu trong ngành công nghệ như Tencent hay Alibaba.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn sẽ phải chú ý đến hoạt động IPO của các startup khổng lồ tại nước này. 
Vậy ngoài Xiaomi, còn những công ty công nghệ nào tại Trung Quốc sẽ lên sàn?
Didi Chuxing
Năm 2016, Didi được biết đến với việc mua lại Uber tại Trung Quốc. Khi đó Uber sau khi bỏ quá nhiều tiền cho thị trường này đã chấp nhận rút lui. 
Sau khi mua được Uber tại Trung Quốc, Didi đã được đầu tư thêm hàng tỷ USD. Ở vòng gọi vốn gần đây nhất vào tháng 12/2017, Didi đã có giá trị tới 56 tỷ USD. 
Dịch vụ chia sẻ xe này đang mở rộng hoạt động của mình ở thị trường quốc tế khi họ mua lại đối thủ của Uber tại Brazil vào tháng 1/2018, khai trương tại Mexico vào tháng 4/2018.
Hãng này đang dự định sẽ nộp đơn đăng ký IPO vào cuối năm 2018 và chính thức có mặt trên sàn giao dịch vào đầu năm 2019. Khi đó nhiều khả năng giá trị của Didi sẽ vượt qua cả Uber. 
Tại Việt Nam mặc dù đã từng xuất hiện thông tin cho biết Didi sẽ tiến vào thị trường dịch vụ gọi xe nhưng đến nay có vẻ Didi chưa chính thức triển khai bất kỳ hoạt động nào.
Ứng dụng Didi đang hoạt động tại Việt Nam là do một cá nhân khác phát triển và có trùng tên với dịch vụ tại Trung Quốc. 
Ant Financial
Đây là công ty trị giá hàng chục tỷ đô thứ 2 mà tỷ phú JackMa dự kiến đưa lên “sàn”.
Ant Financial là một phần trong hệ sinh thái thương mại điện tử của công ty mẹ Alibaba và được sự hỗ trợ lớn từ Alipay, nền tảng thanh toán có hàng trăm triệu người dùng ở Trung Quốc và đang mở rộng ra các nước khác. 
Dịch vụ mà startup này đang cung cấp là cho vay qua điểm tín dụng cá nhân. Hệ thống tính điểm này thu thập các dữ liệu cá nhân của người dùng. Và hỗ trợ người dùng có thể mang một khoản tiền nhỏ của mình đi cho vay thông qua Alipay.
Các nhà phân tích đang hy vọng Ant Financial sẽ làm như Alibaba, niêm yết trên sàn New York.
Tháng 4, công ty này đã chuẩn bị một vòng gọi vốn trước IPO và giá trị kêu gọi được ước đạt 150 tỷ USD. 
Tuy nhiên đại diện của Ant Financial cho biết công ty chưa có kế hoạch IPO chi tiết.
Tencent Music
10 năm trước, việc trả tiền để nghe nhạc ở Trung Quốc được coi là chuyện cười thì lúc này nhờ sự gia tăng của smartphone, các dịch vụ nghe nhạc miễn phí nhưng kèm quảng cáo đang thu hút hàng triệu người dùng. 
Tencent Music đang thống trị thị trường Trung Quốc với 3 nền tảng nghe là QQ Music, KuGou và Kuwo. Tổng 3 nền tảng này có 600 triệu người dùng và 15 triệu người dùng trả phí.
Một số nguồn tin cho biết Tencent Music và Spotify đang là đối tác chiến lược của nhau và cả 2 đã mua cổ phần tối thiểu của đối tác.
Tencent Music đang được định giá 12 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi giá trị sau khi IPO.