Sự sụp đổ của hoạt động sản xuất toàn cầu

Theo Ngọc Diệp (Cafef)

Năm 2008, sức phá huỷ của khủng hoảng tài chính rõ nét hơn bao giờ hết, kéo theo nó là khủng hoảng công nghiệp.

 Phí chuyển một container hàng từ miền Nam Trung Quốc sang châu Âu, nếu không tính phí nhiên liệu và vận chuyển, mức thấp nhất thậm chí chỉ còn 0USD vào thời điểm hiện tại. Mùa hè năm 2007, mức phí này là 1,400USD. Những chuyến tàu biển trống đến một nửa là một dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất thế giới đang đi xuống.
 

Tại Đức, lượng đơn đặt hàng máy móc thiết bị giảm 40% so với một năm trước. Trung Quốc đã từng có tới 9.000 nhà máy sản xuất đồ chơi, và nay một nửa trong số này đã ngừng hoạt động. Tháng 1/2009, số máy tính xách tay xuất khẩu của Đài Loan giảm 1/3. Tại Mỹ, số xe ô tô được lắp ráp trong tháng 1/2009 thấp hơn 60% so với thời điểm tháng 1/2008.

 

Năm 2008, người ta có thể thấy rõ sức phá hủy của khủng hoảng tài chính. Quy mô của khủng hoảng trong lĩnh vực sản xuất ngày một tệ hại hơn và chính ngành này đang mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng toàn cầu.

 

Tình hình sản xuất công nghiệp trong 3 tháng cuối năm tại Mỹ và Anh hạ lần lượt 3,6% và 4,4% (tính cả năm mức hạ này sẽ lần lượt là 13,8% và 16,4%) Một số công ty sản xuất địa phương đổ lỗi tại khủng hoảng nhà đất và khủng hoảng tài chính Mỹ. Tại những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, sự đi xuống của ngành sản xuất còn tệ hại hơn. Công việc phát triển sản xuất tại những nước này phụ thuộc vào người tiêu dùng ở nước nhập hàng của họ.

 

Sản xuất của Đức quý 4/2008 giảm 6,8%, Đài Loan và Nhật lần lượt là 21,7% và 12%. Tình hình sản xuất biến động là chuyện bình thường, tuy nhiên thế giới chưa bao giờ chứng kiến sự suy giảm tệ hại và có quy mô lớn đến như vậy kể từ khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970.

 

Ngành sản xuất tại Đông Âu, Brazil, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc đồng loạt đi xuống. Hàng triệu người công nhân về quê ăn Tết, ngày trở lại của họ có sẽ là rất lâu nữa.

 

Các nhà máy sản xuất gặp “khó”

 

Sau khi đưa ra những biện pháp giải cứu ngành tài chính, đã đến lúc chính phủ các nước nên cứu ngành sản xuất. Ngành thu hút một lượng lao động lớn, tập trung tại một số khu vực như Detroit – Mỹ, Stuttgart – Đức và Quảng Châu – Trung Quốc.

 

Sự sụp đổ của một tên tuổi lớn như General Motors sẽ là một cú sốc lớn đánh mạnh vào niềm tin của người lao động trong bối cảnh niềm tin vốn đã là một thứ hàng hóa xa xỉ. Niềm tin đi xuống cũng khiến kinh tế chững lại. Như vậy, đã đến lúc cần cứu ngành sản xuất.

 

Dù tình hình ngành sản xuất đã khó khăn như vậy, vẫn không có sự hỗ trợ nào. Có hai yếu tố cản trở sự hỗ trợ của chính phủ đối với ngành sản xuất. Thứ nhất, chính phủ mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu và đưa ra chương trình hỗ trợ. Thứ hai, các chương trình này có quá nhiều thủ tục và không kịp thích nghi với tình hình thay đổi ngày một nhanh chóng của ngành sản xuất thế giới. Một phần nguyên nhân cho sự chậm trễ trên là nguồn tài chính cạn kiệt. Không ai biết điều này sẽ kéo dài bao lâu.

 

Một hạn chế khác là sự hỗ trợ của chính phủ đối với từng ngành không giải quyết được vấn đề gốc rễ của khủng hoảng, đó chính là nhu cầu hàng hóa giảm, không phải chỉ là đối với hàng hóa sản xuất mà đối với tất cả các mặt hàng.

 

Chính phủ làm sao để quyết định nên cứu công ty nào hay quy mô thực tế của một ngành ra sao? Chính người tiêu dùng sẽ quyết định điều này, nếu chính phủ dành tiền cho những ngành có khả năng vận động hành lang tốt sẽ là không công bằng và lãng phí.

 

Sự ưu đãi của chính phủ đối với một ngành có thể tạo ra làn sóng bảo hộ ở nước ngoài và làm chậm tăng trưởng kinh tế nội địa bằng việc hạn chế nguồn lực tại các công ty hoạt động kém hiệu quả.

 

Dây chuyền sản xuất có thể sụp đổ

 

Một số người cho rằng ngành sản xuất là ngành hết sức đặc biệt bởi nền kinh tế phụ thuộc vào ngành này. Trên thực tế, nền kinh tế giống như một hệ thống và mọi thứ liên kết với nhau, mỗi nhà sản xuất là một đối tượng tiêu dùng. Không nên phân biệt giữa ngành sản xuất và ngành dịch vụ mà nên phân biệt giữa những công việc tạo ra sản phẩm và không tạo ra sản phẩm.

 

Một số nhà sản xuất đồng ý với quan điểm trên, tuy nhiên sau đó lập tức chuyển sang luận điểm mới: khủng hoảng hiện nay đang đe doạ đến những công việc sản xuất yêu cầu kỹ năng, tay nghề cao. Hiện nay, mỗi công ty trong dây chuyền sản xuất phụ thuộc vào nhiều công ty khác. Ngành ô tô Mỹ nhận định rằng việc GM sụp đổ sẽ gây chấn động cả dây chuyền cung cấp của Mỹ.

 

Tại Trung Quốc, khi nhu cầu đi xuống, khách hàng có thể nhanh chóng tìm được một nhà cung cấp mới nếu công ty cung cấp cũ phá sản. Đối với một công ty chuyên cung cấp phụ tùng, việc có một ban quản lý tốt còn hiệu quả hơn những hỗ trợ từ phía nhà nước.

 

Những công ty tốt nhất quản lý chặt chẽ hệ thống cung cấp cho họ và mua phụ tùng không chỉ từ một nguồn ngay cả khi điều này khiến họ phải bỏ ra nhiều chi phí. Các công ty có thể hỗ trợ những nhà cung cấp đang gặp khó khăn bằng việc giúp họ tăng vốn hay đầu tư tiền vào đó.

 

Nếu sự hỗ trợ đối với từng lĩnh vực là phí phạm, tại sao lại phải cứu ngành ngân hàng? Tất nhiên không phải vì quyền lợi của những ngân hàng này hay bởi vì hỗ trợ của chính phủ sẽ mang lại một ngành tài chính hoạt động hiệu quả.

 

Ngay cả những kế hoạch giải cứu ngân hàng và nền kinh tế như kế hoạch Tổng thống Obama đã ký chấp thuận tuần qua có mục đích giải quyết được gốc rễ các vấn đề hiện nay của nền kinh tế bằng việc cứu các ngân hàng, dù những ngân hàng đó không đáng được cứu. Chính phủ cứu các ngân hàng để bảo đảm hoạt động bình thường, đây là điều cần thiết để giúp doanh nghiệp tiếp cận được với tài chính. Khi lĩnh vực sản xuất đi xuống, chính phủ không nên tiêu tiền cho các kế hoạch cứu từng ngành. Điều họ nên làm là tiếp tục chi tiêu và làm tan băng trên thị trường tài chính.