Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể mang tính hiệu ứng "tàn khốc"

Theo Hà My/nhadautu.vn

Nhận định về động thái mới nhất của Tổng thống Trump khi tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: "Đừng vội căn cứ vào một vài động thái có tính chất nhất thời, ngay cả khi chiến tranh thương mại có dừng lại thì xung đột vẫn tiếp tục diễn ra".

Động thái của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc hoàn tất cuộc đàm phán thương mại mới nhất. Nguồn: internet
Động thái của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc hoàn tất cuộc đàm phán thương mại mới nhất. Nguồn: internet

Không nên vội đánh giá

Động thái của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc hoàn tất cuộc đàm phán thương mại mới nhất. Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 31/7 cho biết vòng đàm phán cấp cao thứ 12 về kinh tế và thương mại Mỹ - Trung đã đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới một tiến trình mới.

Và một khi mức thuế quan mới được Hoa Kỳ áp dụng, tổng khối lượng hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung sẽ lên tới 550 tỷ USD, tức là gần như toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Trong loạt bài đăng trên Twitter, ông Trump cũng chỉ trích Trung Quốc vì đã không mua thêm các sản phẩm nông nghiệp Mỹ như đã hứa và chỉ trích cá nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 'đã không làm nhiều hơn để ngăn chặn việc bán thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện fentatyl sang Mỹ'.

Tuy nhiên, chia sẻ với Nhadautu.vn qua điện thoại, PGS.TS Trần Đình Thiên lại cho rằng, "ngay cả khi chiến tranh thương mại có dừng lại thì xung đột vẫn tiếp tục diễn ra dưới hình thức này hoặc hình thức khác, có thể nó lắng xuống chứ không thể chấm dứt được. Vậy nên đừng vội căn cứ vào một vài động thái có tính chất nhất thời mà nghĩ rằng mọi chuyện đang tốt lên hoặc xấu đi rất nhanh".

"Tác động của động thái mới nhất nếu nói gây ra sụp đổ thì hơi sớm, nhưng nó mang tính hiệu ứng rất tàn khốc. Chẳng hạn như liên quan đến câu chuyện về tỷ giá hối đoái, liên quan đến dòng vốn nước ngoài, nợ nần của các ngân hàng, chính tác động đó mới là "đòn" rất mạnh. Còn tác động thương mại thì hoàn toàn có thể tính được, nó chưa làm sập hoàn toàn nhưng hiệu ứng kia mới là đáng sợ", ông Thiên nhận định.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương lại cho rằng, khi cuộc chiến này leo thang đến mức bùng phát sẽ có tác động rất lớn, thứ nhất là chiều hướng tiêu cục lớn hơn đối với nền kinh tế không chỉ riêng Trung Quốc, Mỹ, mà là kinh tế toàn cầu.

Qua đó phần nào tác động tiêu cực có thể ở mức đáng kể hơn đối với kinh tế Việt Nam. "Trước kia chúng ta nói tác động của chiến tranh thương mại trong ngắn hạn hoặc dài hạn Việt Nam có thể có lợi, nhưng bây giờ tác động tiêu cực thấy rõ hơn, đứng đầu là thị trường chứng khoán, ông Thành nói.

Thứ hai, là giảm tốc kinh tế toàn cầu và thương mại toàn cầu sẽ rõ ràng hơn. Và với một nền kinh tế mở như Việt Nam rõ ràng sẽ có tác động không thuận.

Thứ ba, ngày càng thấy cuộc chiến này gắn với nền tảng như là cạnh tranh địa chính trị.

"Như vậy, câu chuyện không còn là cuộc chiến nước ngoài mà là đặt ra vấn đề chuyển hướng chiến lược của rất nhiều nước chứ không chỉ riêng Mỹ và Trung Quốc", TS. Võ Trí Thành nhận xét.

Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Theo TS. Võ Trí Thành, việc Việt Nam vẫn đang làm không phải là tìm ra những khía cạnh tích cực, hoặc cố gắng nỗ lực giảm thiểu rủi ro như ta vẫn nói.

"Hai thứ chúng ta đã chuẩn bị hiện nay, một là tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, sự linh hoạt của chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Thứ hai là đệm tài khóa, tức là đệm ngân sách bền vững. Thứ ba, lành mạnh hóa hệ thống tài chính, cùng với đó là đa dạng hóa thị trường", ông Thành cho hay.

TS. Võ Trí Thành nhận định, Việt Nam đã có những bước đi tương đối tốt trong thời gian vừa qua, đó là chú trọng vào thị trường nội địa, với sức mua lớn hơn rất nhiều.

Ông Thành cho rằng, cùng với độ linh hoạt là gắn với câu chuyện nếu như tình trạng tiếp tục xấu đi thì bên cạnh tăng cường khả năng chống chịu, phải tính đến chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ thích hợp hơn. Thế nhưng, chuyện này thực hiện không đơn giản, không phải chạy theo thế giới nhưng chúng ta phải có chuyển đổi nhất định để đảm bảo kinh tế ổn định, quan tâm hơn đến hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, phải không tạo ra những nguyên cớ để các nước có thể áp đặt chính sách bất lợi cho Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp nên tìm hiểu các thị trường ngóc ngách, để giải bài toán tăng thêm lợi ích và giảm thiểu rủi ro ở các thị trường nước ngoài, cùng với đó là nhìn nhận đầy đủ hơn ở thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải có tự mình nhìn nhận và "test" thử với những biến động có thể có như việc thay đổi dòng tiền, tài sản thì làm thế nào để hạn chế được những rủi ro khi đang ở trong những biến động.