Tài sản người giàu Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) vừa công bố báo cáo thường niên về người giàu toàn cầu (Global Wealth Report 2019), cho thấy tốc độ tăng trưởng tài sản là 2,6% trong năm qua, dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc, bất chấp căng thẳng thương mại.

Nếu tính theo mức tăng giá trị tài sản trên đầu người, Thụy Sĩ đứng đầu danh sách với giá trị tài sản tăng thêm của mỗi công dân đạt 17.790 USD.
Nếu tính theo mức tăng giá trị tài sản trên đầu người, Thụy Sĩ đứng đầu danh sách với giá trị tài sản tăng thêm của mỗi công dân đạt 17.790 USD.

Trung Quốc đứng đầu top 10% giàu nhất

Đây là năm thứ 10 Viện nghiên cứu của Credit Suisse phát hành ấn bản báo cáo người giàu toàn cầu - nguồn thông tin toàn diện và cập nhật nhất về tài sản của giới nhà giàu khắp thế giới.

Thống kê cho thấy, tài sản toàn cầu đã tăng thêm 2,6% trong năm qua, lên mức hơn 360 nghìn tỷ USD; tài sản tính trên mỗi người trưởng thành đạt kỷ lục mới là 70.850 USD/người, tăng 1,2% so với thời điểm giữa năm 2018. Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng tài sản toàn cầu, lần lượt ở mức 3,8 nghìn tỷ USD, 1,9 nghìn tỷ USD và 1,1 nghìn tỷ USD.

Nếu tính theo mức tăng giá trị tài sản trên đầu người, Thụy Sĩ đứng đầu danh sách với giá trị tài sản tăng thêm của mỗi công dân đạt 17.790 USD, theo sau là Mỹ với 11.980 USD, Nhật Bản tăng 9.180 USD, Hà Lan tăng 9.160 USD. 

Ở chiều ngược lại, Úc giảm mạnh nhất với 28.670 USD, phần lớn do ảnh hưởng của đồng AUD suy yếu, kế tiếp là Na Uy giảm 7.520 USD, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 5.230 USD và Bỉ giảm 4.330 USD.

Ước tính, đến giữa năm 2019, số triệu phú toàn cầu tăng thêm 1,1 triệu người, lên mức 46,8 triệu người, trong đó Mỹ đóng góp hơn một nửa mức tăng với 675.000 triệu phú mới. 

Sự sụt giảm tài sản trung bình ở Úc, dẫn đến số lượng triệu phú của nước này cũng giảm bớt 124.000 người, những quốc gia khác chứng kiến sự sụt giảm ít hơn như Vương quốc Anh giảm 27.000, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 24.000.

Trong năm nay, lần đầu tiên Trung Quốc được ghi nhận có số thành viên nhiều nhất trong top 10% người giàu nhất toàn cầu, với con số 100 triệu người, cao hơn 99 triệu người của Mỹ.

Bất bình đẳng giàu nghèo cũng đã giảm tại hầu hết quốc gia trong những năm đầu của thế kỷ này. 90% người có tài sản thấp nhất thế giới hiện sở hữu 18% tài sản, tăng so với mức 11% của năm 2000. Mặc dù còn quá sớm để nói rằng chênh lệch giàu nghèo đang trong xu hướng giảm, khi số liệu hiện tại cho thấy năm 2016 có thể đã là mức đỉnh trong tương lai gần.

Tài sản của phụ nữ tăng nhanh hơn

Báo cáo năm nay cũng đánh giá hiệu suất của các quốc gia theo giá trị thực chứ không phải là giá trị danh nghĩa có tính đến ảnh hưởng của lạm phát. 

Đáng lưu ý, các thị trường mới nổi, gồm cả Trung Quốc, ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, khi chiếm 2/3 mức tăng thêm về tài sản kể từ năm 2008, và gấp đôi mức đóng góp của khu vực Bắc Mỹ. Ngược lại, khu vực châu Âu chứng kiến mức tăng trưởng tài sản âm từ năm 2008 nếu tính theo giá trị đồng USD thực, một phần là do sự mất giá của đồng euro.

Báo cáo cũng chỉ ra, tỷ lệ tài sản tăng lên có liên quan mật thiết với tăng trưởng GDP trong dài hạn. Theo đó, những quốc gia thành công nhất là những quốc gia chứng kiến tài sản tăng lên gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng GDP, bằng cách giải quyết những thiếu hụt về thể chế và tài chính.

Điều này có thể dẫn đến một chu kỳ, trong đó sự giàu có hơn kích thích tăng trưởng GDP cao hơn, đến lượt GDP cao lại giúp tăng thêm giá trị tài sản của quốc gia. Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là những ví dụ cụ thể chứng minh tính hiệu quả của chu kỳ trên. 

Xét theo giới tính, tốc độ tăng tài sản của phụ nữ đã nhanh hơn so với nam giới ở hầu hết quốc gia, do sự tham gia của lực lượng lao động nữ ngày càng tăng, sự phân chia tài sản bình đẳng hơn giữa vợ và chồng cũng như các yếu tố khác.

Theo truyền thống, thừa kế là nguồn tài sản quan trọng đối với phụ nữ hơn nam giới - một phần vì thu nhập thấp hơn làm hạn chế tài sản tích lũy của họ, một phần do góa bụa và một phần vì phụ nữ giữ được tài sản thừa kế lâu hơn so với nam giới do có xu hướng sống thọ hơn.

Vì vậy, dòng chảy của tài sản thừa kế giảm trong nửa đầu thế kỷ XX có xu hướng hạ thấp tài sản tương đối của phụ nữ, do họ phụ thuộc nhiều hơn vào thừa kế.

Báo cáo cũng cho biết, giá trị tài sản toàn cầu hiện là hơn 360 nghìn tỷ USD. Con số này sẽ tăng thêm 27% trong 5 năm tới, lên 459 nghìn tỷ USD, trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ đóng góp 38% cho sự tăng trưởng, mặc dù họ chỉ đang chiếm 31% tài sản hiện tại.

Tăng trưởng của các nước có thu nhập trung bình cũng sẽ là động lực chính của xu hướng toàn cầu. Số lượng triệu phú cũng sẽ tăng trưởng rõ rệt trong 5 năm tới và chạm mốc gần 63 triệu người, trong khi số lượng siêu giàu sẽ đạt mức 234.000 người.