Thách thức trong phục hồi du lịch ở châu Âu

Bảo Lê (Báo Nhân dân)

Mặc dù thời gian qua các nước châu Âu nỗ lực thúc đẩy phục hồi ngành du lịch, vốn lao đao vì đại dịch COVID-19, nhưng triển vọng tăng trưởng của “ngành công nghiệp không khói” vẫn tương đối ảm đạm. Ủy ban du lịch châu Âu (ETC) dự báo, du lịch châu Âu sẽ không thể trở về như mức trước đại dịch cho đến năm 2024.

Du khách Nga chờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở thủ đô Zagreb của Croatia. Ảnh REUTERS.
Du khách Nga chờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở thủ đô Zagreb của Croatia. Ảnh REUTERS.

Theo dự đoán của ETC, số lượt khách du lịch quốc tế đến “lục địa già” trong năm 2021 sẽ giảm 60% so với năm 2019. ETC cũng ra báo cáo nêu rõ, lượng khách du lịch đến châu Âu vào giữa năm nay thấp hơn khoảng 77% so với cùng kỳ năm 2019, năm cuối cùng ngành du lịch thế giới ở trong “tình trạng bình thường” trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Điều này được cho là do sự vắng bóng của các chuyến bay đường dài. Việc châu Âu chậm thu hút khách du lịch cũng còn do chi phí xét nghiệm COVID-19 tốn kém, yêu cầu khắt khe về nhập cảnh của một số quốc gia, cũng như những lo ngại về làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới.

Hiện tại, các quốc gia “lục địa già” đang chật vật đối phó với làn sóng dịch mới bùng phát mạnh mẽ, cản trở tốc độ phục hồi của ngành du lịch. Đức, Anh, Pháp... cùng nhiều nước Đông Âu chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng nhanh chóng. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã xếp 10 thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Bỉ, Hà Lan, Hy Lạp và các nước Đông Âu, vào danh sách “rất đáng lo ngại” về dịch bệnh. Cùng với đó, tình hình dịch tại 13 quốc gia EU ở Bắc và Tây Âu được coi là “đáng lo ngại”. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp vào mùa đông, Hà Lan đã tái áp đặt một phần biện pháp phong tỏa, Pháp quyết định hoãn việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch...

Giải cứu ngành du lịch luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo các nước thành viên EU, bởi đây là ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều quốc gia. Trước khi dịch bệnh hoành hành, du lịch đóng góp tới 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU và cung cấp khoảng 27 triệu việc làm, chủ yếu là tại các quốc gia Nam Âu. Tình trạng “ngủ đông” của ngành du lịch trong suốt thời gian đại dịch hoành hành đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế.

Châu Âu là một trong những khu vực đi tiên phong trong mở cửa du lịch. Các nước EU đã triển khai việc ban hành Chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 (EUDCC), công cụ hữu hiệu giúp du khách di chuyển dễ dàng hơn giữa các quốc gia thành viên và từng bước “hồi sinh” ngành du lịch. Các nước châu Âu yêu cầu du khách xuất trình chứng nhận về việc đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19. Đây được coi là yếu tố tiên quyết cho một chuyến du lịch nước ngoài trong giai đoạn bình thường mới. Theo Công ty phân tích dữ liệu ForwardKeys, vào mùa hè vừa qua, thành phố nghỉ dưỡng biển Palma de Mallorca của Tây Ban Nha và thành phố Athens của Hy Lạp đã đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ phục hồi du lịch của các thành phố châu Âu trong mùa hè năm 2021.

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge kêu gọi các nước trong khu vực nỗ lực chống dịch hơn nữa, đồng thời nhận định, tốc độ dịch bệnh lây lan tại 53 nước châu Âu hiện nay đang ở mức rất đáng lo ngại. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan, nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2, bất kỳ kế hoạch khôi phục du lịch nào cũng cần phải đặt yếu tố an toàn của người dân lên hàng đầu, với những bước đi thận trọng.