Thế giới 2018 - 2019: Những "giai điệu trầm bổng"

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những quyết sách của Tổng thống Donald Trump và xu hướng thị trường chứng khoán toàn cầu chìm sâu là đề tài làm hao tốn nhiều giấy mực nhất của truyền thông trong năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Và điều đó có thể sẽ chưa dừng lại trong năm 2019.

Mỹ - Trung trở mặt

Nếu như thế giới năm 2018 bắt đầu bằng mối quan hệ vẫn còn rất tốt đẹp của Mỹ và Trung Quốc, khi cuối năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc và được đón tiếp bằng nghi lễ trọng thể nhất trong gần 70 năm, thì ít ai ngờ chỉ vài tháng sau đó, Mỹ và Trung Quốc đã bước vào cuộc chiến tranh thương mại.

Vốn luôn chỉ trích tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngay khi còn tranh cử, ông Trump sau khi đắc cử tổng thống đã quyết liệt thực thi những chính sách bảo hộ thương mại nhắm vào các hàng hóa Trung Quốc. Thương chiến càng leo thang với hành động cứng rắn của Mỹ khi áp thuế lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 7.

Bắc Kinh đáp trả kiểu "ăn miếng trả miếng", khiến Trump tung đòn tiếp theo, nâng giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau lần lượt là 250 tỷ USD và 110 tỷ USD.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại, việc Mỹ có những hành động hạn chế, cấm vận hay kêu gọi tẩy chay những tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc từ ZTE đến Huawei với lý do an ninh quốc gia càng khiến các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc khốn đốn.

Vào những ngày đầu tháng 12, việc bà Mạnh Vãn Châu - Phó chủ tịch Huawei bị Canada bắt giữ theo yêu cầu từ phía Mỹ càng khoét sâu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo giới quan sát, chiến tranh thương mại thực chất chỉ là một trong những mặt trận chiến lược của Mỹ nhằm đối phó và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Chứng khoán toàn cầu chìm sâu

Trước những rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như chính sách bảo hộ "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump đã khiến giới đầu tư lo ngại thương mại toàn cầu sẽ trì trệ và đẩy các nền kinh tế giảm tốc. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh lộ trình thắt chặt chính sách với 4 lần tăng lãi suất trong năm đã kéo các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm sâu.

Thống kê cho thấy, hầu hết các thị trường chứng khoán của các quốc gia hiện nay đã rơi vào xu hướng giá xuống, được xem là giảm 20% so với mức đỉnh gần nhất đạt được. Sự biến động mạnh với điểm số tăng giảm thất thường đã thể hiện niềm tin của giới đầu tư ngày càng xói mòn, tâm lý lo ngại trước những yếu tố không chắc chắn trong nền kinh tế thúc đẩy các đợt bán tháo liên tiếp.

Đáng lưu ý là những cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn từng có lúc dẫn dắt các thị trường vượt các mốc kỷ lục, thì càng về cuối năm càng kéo các thị trường chìm sâu. Những "ông lớn" được giới đầu tư ưa chuộng một thời từ Facebook, Apple, Amazon, Tesla của thị trường Mỹ cho đến Tencent của Trung Quốc đã bị "ghẻ lạnh" và trở thành gánh nặng cho thị trường.

Sự khó lường của Tổng thống Mỹ

Nước Mỹ đang ngày càng mất dần sức ảnh hưởng trên thế giới và chịu sự cô lập do các chính sách và phát ngôn khó lường của Tổng thống Trump đã đụng chạm quá nhiều người, khiến không chỉ các đối thủ mà những đồng minh lâu năm của Mỹ cũng ngán ngẩm.

Trong khi không ngần ngại chỉ trích đồng minh, từ các tổ chức lâu đời như NATO, EU hay những quốc gia thân cận như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và sẵn sàng gây căng thẳng với đồng minh Arab Saudi sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại, thì Mỹ lại dành những lời "có cánh" cho những đối thủ từng được xếp vào phe trục xấu là Triều Tiên, cũng như có khuynh hướng xích lại gần Nga hơn.

Nước Mỹ đang ngày càng mất dần sức ảnh hưởng trên thế giới và chịu sự cô lập do các chính sách và phát ngôn khó lường của Tổng thống Trump đã đụng chạm quá nhiều người, khiến không chỉ các đối thủ mà những đồng minh lâu năm của Mỹ cũng ngán ngẩm.

Có thể nói, chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời của Tổng thống Trump khiến lãnh đạo nhiều nước gần như không thể đoán trước. Dù vậy, những hành động của ông Trump trong năm nay đều khá nhất quán với những lời cam kết tranh cử, đó là đưa việc làm quay lại nước Mỹ và khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Thực tế là thời gian qua, kinh tế Mỹ đã tăng kỷ lục, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm về mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Nhiều doanh nghiệp cũng rục rịch quay về Mỹ trước lợi ích từ các chương trình giảm thuế cũng như chính sách mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Năm 2018 cũng gây chú ý với sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, những cuộc khủng hoảng tiền tệ tại một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Ấn Độ,... thảm họa động đất, sóng thần tại Indonesia, Nhật Bản hay bất ổn chính trị tại châu Âu.

Các nhà kinh tế dự báo, những vấn đề tại châu Âu sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm và có khả năng leo thang trong năm 2019, dẫn đến những rủi ro tiềm tàng ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, và không loại trừ khả năng EU có thể đối mặt với nguy cơ tan rã khi chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ tại lục địa già. Mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia, đặc biệt là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và có thể là những cuộc chiến khác sẽ tiếp tục là "giai điệu chính" trong sân khấu chính trị - kinh tế - ngoại giao trong năm 2019.