Thị trường tài chính thở phào sau bầu cử Hy Lạp

Theo Dân trí

Cuối cùng “quả bom” Hy Lạp đã không phát nổ khi các chính đảng ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng đã thắng cử.

Với 97% số phiếu được kiểm, kết quả cuộc bầu cử tại Hy Lạp đã rõ ràng. Theo đó 2 chính đảng Dân chủ mới và PASOK, những người ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi lại các gói cứu trợ từ EU, đã giành được số phiếu đủ để đứng ra thành lập chính phủ liên minh. Thông tin trên vừa được Bộ Nội vụ Hy Lạp công bố.

Đây thực sự là niềm vui lớn với các nhà đầu tư bởi điều đó có nghĩa là Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại với khu vực đồng tiền chung Euro, giúp thị trường tài chính thế giới tránh được một sự hoảng loạn. Ngay sau khi đón nhận thông tin này, các thị trường tài chính từ Australia đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, những nước mở cửa giao dịch sớm nhất, đã đồng loạt tăng điểm. Tính đến 9 giờ 33 phút sáng nay, chỉ số Nikkei đã lên mức cao nhất 1 tháng qua.

Cùng lúc đó chỉ số S&P 500 tương lai tại Mỹ cũng tăng 0,5%. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ cũng như dầu thô Brent London cùng tăng hơn 1 USD/thùng. Đồng Euro sau nhiều ngày mất giá so với USD đã phục hồi trở lại mức 1 Euro đổi 1,2726 USD trước khi giảm nhẹ. Trong khi đó giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới giảm 1%. Hợp đồng vàng giao tháng 8 tại Mỹ cũng giảm 0,9%.

“Diễn biến này sẽ giúp thị trường phục hồi trong lúc đảng Dân chủ mới và đảng xã hội PASOK đứng ra thành lập chính phủ liên minh”, Megan Greene, giám đốc Kinh tế châu Âu tại Viện kinh tế toàn cầu Roubini phát biểu trên trang CNBC.

Cùng quan điểm trên, người đứng đầu bộ phận chiến lược kinh doanh tiền tệ European G10 của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch khẳng định: “Đảng Dân chủ mới đã thắng. Điều đó là chắc chắn. Giờ họ có thể thành lập chính phủ liên minh với PASOK với số ghế đa số tương đối cách biệt. Điều này có ý nghĩa tích cực đối với rủi ro thị trường”.

Tuy nhiên các nhà phân tích cũng cho rằng sự hưng phấn của thị trường chỉ là ngắn hạn và đà tăng giá của một số tài sản rủi ro sẽ không kéo dài. “Mặc dù đây là tín hiệu tích cực, tôi nghi ngờ rằng nó có thể tồn tại lâu trong bối cảnh những bất ổn từ tháng 5 đã khiến các tổ chức giải cứu Hy Lạp ngừng bơm vốn. Bất kỳ sự phục hồi nào về giá chỉ là cơ hội để giảm bớt rủi ro”, Simon Derrick, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ của ngân hàng Bank of New York Mellon nhận xét.

Phó giám đốc kinh tế quốc tế của ngân hàng Thụy Sỹ UBS Paul Donovan thì khẳng định: “Tôi nghĩ rằng kết quả này chỉ giúp chúng ta trở lại trạng thái cũ, vốn có nhiều bất ổn. Đầu tiên là các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh, sau đó là đàm phán để điều chỉnh các gói “cứu trợ”. Những bình luận chính trị ngẫu nhiên vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường và tôi cho rằng sự bất ổn vẫn sẽ còn tiếp diễn”