Thiếu ngân sách không đồng nghĩa tất cả các hoạt động bị "đóng băng"

Theo Thùy An/bnews.vn

Lịch sử cho thấy việc chính phủ hết ngân sách hoạt động hầu như không gây tác động nghiêm trọng đối với Mỹ, bởi thiếu ngân sách không đồng nghĩa tất cả các hoạt động ngay lập tức bị "đóng băng".

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico là hàng rào lớn nhất cản trở các ông nghị Đồi Capitol đạt được một thỏa thuận về dự luật ngân sách, dẫn tới việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần tới ít nhất qua kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Lịch sử cho thấy việc chính phủ hết ngân sách hoạt động hầu như không gây tác động nghiêm trọng đối với nước Mỹ, bởi trên thực tế, thiếu ngân sách không đồng nghĩa tất cả các hoạt động ngay lập tức bị "đóng băng".

Tuy nhiên, bế tắc trong vấn đề tài chính lần này - vốn được xem là cuộc đối đầu đầu tiên giữa các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 vừa qua, báo hiệu một tương lai u ám hơn trên chính trường Mỹ về khả năng hợp tác giữa các nhà lập pháp trong việc đưa ra các quyết sách.

Ngọn nguồn căng thẳng bắt đầu từ khi Hạ viện, hiện do phe Cộng hòa kiểm soát, hồi tuần trước thông qua một dự luật chi tiêu bao gồm khoản 5 tỷ USD chi cho dự án bức tường biên giới Mỹ-Mexico mà Tổng thống Donald Trump đặc biệt yêu cầu phải có trong dự luật chi tiêu chính phủ.

Tuy nhiên, dự luật này sau đó đã không đạt đủ tối thiểu 60 phiếu ủng hộ tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa hiện chỉ có 51 ghế, do các nghị sĩ Dân chủ chỉ chấp thuận con số 1,6 tỷ USD.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer sau đó cũng đã bác bỏ đề xuất bổ sung 2,5 tỷ USD cho an ninh biên giới, được Phó Tổng thống Mike Pence đưa ra trong cuộc gặp trước thời điểm ngân sách liên bang Mỹ hết hiệu lực ngày 21/12, do cho rằng khoản tiền này và những giới hạn về chính sách kèm theo là "không thể chấp nhận".

Bất đồng xung quanh bức tường biên giới Mỹ-Mexico nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư từ biên giới phía Nam đã dẫn tới việc Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động một phần từ sau nửa đêm 21/12. Ước tính, khoảng 800.000 nhân viên công vụ sẽ phải nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc trong tình trạng không được trả lương.

Việc đóng cửa một phần chính phủ đã chặn ngân sách cấp cho 9 bộ cùng hàng chục cơ quan, trong đó có Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp Mỹ, và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Tuy nhiên, một số cơ quan gồm Lầu Năm Góc, Bộ Y tế, Cục Điều tra liên bang (FBI), lực lượng biên phòng, cảnh sát biển vẫn hoạt động bình thường do đã được cấp đủ ngân sách tới hết tháng 9/2019.

Trên thực tế, việc Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động trong hơn 2 tuần bắt đầu gây ra những tác động đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định lưỡng viện Quốc hội Mỹ khó có thể đạt được một dự luật nhằm nối lại hoạt động của chính phủ tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội hiện tại sau kỳ nghỉ Giáng sinh vào ngày 27/12 tới.

Thậm chí, cái bắt tay giữa 2 phe Cộng hòa và Thượng viện cũng là điều không tưởng tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới vào ngày 3/1/2019, thời điểm các nghị sĩ đắc cử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua nhậm chức.

Với cán cân quyền lực chia đều cho cả 2 phe Dân chủ và Cộng hòa, các cuộc thương lượng được dự báo sẽ khó khăn hơn, đặc biệt sau khi các thượng nghị sĩ Dân chủ tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ khoản ngân sách nào chi cho kế hoạch xây bức tường biên giới. Đa số các nghị sĩ Dân chủ cho rằng việc xây bức tường này là tốn kém và không hiệu quả trong việc ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp từ quốc gia láng giềng Mexico.

Việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa lần thứ 3 trong năm nay một lần nữa đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào tình trạng hỗn loạn chính trị sau khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngày 20/12 tuyên bố từ chức, động thái được xem là nhằm phản đối quyết định của Tổng thống Trump rút quân Mỹ khỏi Syria. Chính phủ liên bang Mỹ từng phải hai lần đóng cửa ngắn ngày trong năm nay do sự thiếu nhất trí của giới lập pháp trong các vấn đề người di cư.

Có thể thấy, việc các ông nghị Đồi Capitol không thể đảm bảo một trong những nhiệm vụ cơ bản là duy trì cho chính phủ hoạt động ổn định báo hiệu một nhiệm kỳ nhiều khó khăn sắp tới của quốc hội mới khi đảng Dân chủ có nhiều tiếng nói hơn. Đây cũng một lần cho thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trên chính trường Mỹ.

Bức tường biên giới Mỹ-Mexico không phải là chủ đề duy nhất gây tranh cãi giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ, các ông nghị Đồi Capitol còn mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu tới chăm sóc y tế. Các nghị sĩ Dân chủ cảnh báo biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa khẩn cấp và hiện hữu đối với nền kinh tế, an ninh quốc gia Mỹ cũng như sức khỏe và tương lai của trẻ em.

Trong khi đó, các nghị sĩ Cộng hòa hoài nghi liệu khí hậu có đang thực sự biến đổi như cảnh báo của giới khoa học, đồng thời cho rằng các báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) là mang tính chính trị chứ không đơn thuần là những tài liệu công tâm.

Về vấn đề y tế, phe Dân chủ chủ trương duy trì chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare của cựu Tổng thống Barack Obama, phe Cộng hòa thì muốn chấm dứt chương trình này.

Do đó, mối quan hệ giữa đảng "Con Lừa" (biểu tượng của đảng Dân chủ) và đảng "Con Voi" (biểu tượng của đảng Cộng hòa) được dự báo sẽ khó có thể "xuôi chèo mát mái" do những bất đồng dai dẳng giữa hai bên.

Theo các kết quả khảo sát công bố tại Mỹ, 86% người dân Mỹ cho rằng cuộc đối đầu giữa các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa là nghiêm trọng hơn cả cuộc xung đột sắc tộc hay xung đột giai cấp trong xã hội. Người dân Mỹ từng hứng chịu nhiều giai đoạn đấu đá giữa hai đảng phái khiến hoạt động của quốc hội bế tắc.

Giới phân tích nhận định, để có thể phá vỡ "bức tường" ngăn cách giữa hai đảng, hai bên cần gạt sang một bên những lợi ích chính trị để có thể đưa ra những nhượng bộ cần thiết. Bằng không, viễn cảnh chính phủ Mỹ phải đóng cửa sẽ còn lặp lại.