Thương hiệu "Made in China" thực sự đang đứng ở đâu?

Theo Trí thức trẻ

Đã qua rồi cái thời hàng Trung Quốc chỉ đồng nghĩa với giá rẻ và chất lượng thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một cuộc cách mạng tiêu dùng đang diễn trên khắp Trung Quốc. Cụm từ “Made in China” không còn đồng nghĩa với giá rẻ, chất lượng thấp và lạc hậu nữa. Nhiều thương hiệu Trung Quốc uy tín đã xuất hiện. Một số không những đã bắt kịp mà còn vượt qua các thương hiệu nước ngoài ở Trung Quốc và nhiều nước khác.

Vào năm 2011, 70% doanh số smartphone ở Trung Quốc đến từ ba thương hiệu nước ngoài: Nokia, Samsung, và Apple. Tại thời điểm đó, các thương hiệu nội địa chỉ được xem là hàng nhái rẻ tiền, kém chất lượng và không thể hiện được đẳng cấp mà những chiếc điện thoại nước ngoài đắt tiền đem lại.

“Khi ấy, bất cứ người tiêu dùng Trung Quốc sành điệu nào cũng không thèm để mắt đến thương hiệu trong nước”, Mark Tanner, giám đốc Skinny Trung Quốc, một công ty nghiên cứu tiêu dùng có trụ sở ở Thượng Hải cho biết. Nhưng giờ đây, sau 5 năm, mọi chuyện đã thay đổi.

“Năm ngoái, 8 trong số 10 thương hiệu smartphone bán chạy nhất ở Trung Quốc là của các công ty trong nước, với Huawei và Xiaomi chiếm hai vị trí dẫn đầu. Các thương hiệu nội địa đang làm suy yếu thị phần của các thương hiệu nước ngoài như Apple và Samsung”, ông nói.

Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm nay. Oppo, một công ty điện thoại nội địa của Trung Quốc, gần đây đã trở thành thương hiệu smartphone được ưa chuộng thứ hai ở nước này. Tăng trưởng doanh số 67% đã giúp hãng này vượt qua Apple. Theo nhiều báo cáo khác nhau, 7 trong số 10 thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc, trong đó có Huawei. Đây không chỉ là thương hiệu điện thoại đứng đầu Trung Quốc mà còn là thương hiệu số hai ở Châu Âu và số ba trên thế giới.

Các thương hiệu Trung Quốc không còn mặc nhiên bị xem thường như vài năm trước nữa. Theo một báo cáo gần đây của McKinsey, 62% người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay ưa chuộng thương hiệu Trung Quốc hơn thương hiệu nước ngoài, nếu chất lượng và giá thành là ngang nhau. “5 năm trước, con số trên còn chưa bằng một nửa hiện nay”, Tanner nói.

Tanner nhận định có bốn nhân tố dẫn đến sự thay đổi trong thái độ của người tiêu dùng:

1) Nhiều thương hiệu Trung Quốc đã cải thiện đáng kể chất lượng sản phẩm

Đây chính là nhân tố quan trọng nhất làm thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng. “Made in China” không đồng nghĩa là xấu nữa. Trước đây, các nhà sản xuất Trung Quốc chỉ nghĩ đến chuyện chiếm lĩnh phân khúc giá rẻ của thế giới. Giờ thì họ đang bán ra những sản phẩm chất lượng cao và tiên tiến nhất. Nhờ đó, thái độ của người tiêu dùng thế giới đã thay đổi theo.

2) Người tiêu dùng Trung Quốc đang tự tin hơn trong việc thể hiện địa vị bằng thương hiệu trong nước

Thương hiệu nước ngoài không còn là điều mới mẻ và thể hiện đẳng cấp ở Trung Quốc nữa. Các thương hiệu này hiện diện ở một quốc gia đã giàu có hơn trước đây. Đối với thế hệ trẻ, các thương hiệu quốc tế như Apple và Starbucks không còn giúp họ thể hiện sự giàu có và thời thượng như trước nữa, mà đã trở thành một phần bình thường của cuộc sống.

Khi một số sản phẩm cao cấp của Trung Quốc không còn thua kém về chất lượng so với các mặt hàng nước ngoài, vị thế của thương hiệu quốc tế đang sụt giảm nhanh chóng. Sự lao dốc không phanh của Apple ở Trung Quốc, với doanh số giảm 26% trong năm nay, chỉ là một trong nhiều ví dụ của hiện tượng trên. Theo Tanner, người tiêu dùng Trung Quốc không còn cần một thương hiệu nước ngoài để chứng tỏ sự sành điệu của bản thân.

3) Mua hàng Trung Quốc được xem là hành động yêu nước

Số người mua hàng Trung Quốc vì lý do yêu nước cũng đang gia tăng nhanh chóng. “Nhiều người muốn ủng hộ thương hiệu Trung Quốc vì họ là người Trung Quốc”, Cody Chao, chuyên gia về ngành công nghệ Trung Quốc nói.

Các nhân vật nổi tiếng, như phu nhân chủ tịch Trung Quốc, Bành Lệ Viên (bà chỉ mặc các thương hiệu thời trang Trung Quốc) đang làm tăng sức hút của thương hiệu nội địa và ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng nước này. Theo Hiệp hội hàng xa xỉ thế giới, vào tháng 10/2012 có tới 86% người tiêu dùng Trung Quốc từ chối mua sản phẩm xa xỉ nội địa vì định kiến giá rẻ và chất lượng kém. Thế nhưng, chỉ 18 tháng sau, nhờ “hiệu ứng Bành Lệ Viên”, con số trên đã giảm xuống 9 %, theo nghiên cứu của Added Value.

4) Điện ảnh Trung Quốc có ảnh hưởng tích cực lên thói quen tiêu dùng của người dân nước này

Văn hóa đương đại Trung Quốc đang được thúc đẩy nhờ sự phát triển của điện ảnh nước này. Nền điện ảnh Trung Quốc đang sử dụng quyền lực mềm của mình để thúc đẩy thương hiệu nước nhà, tương tự như cách Hollywood thúc đẩy các thương hiệu phương Tây như Starbucks và Nike. Vào năm 2012, 47,6% phim được chiếu tại các rạp phim Trung Quốc là phim trong nước. Nhưng con số trên đã tăng lên 62% trong năm ngoái. Hiện tượng này đã thúc đẩy lòng tự hào dân tộc và sự ưa chuộng hàng Trung Quốc của người tiêu dùng.

Ngoài ra, một số công ty Trung Quốc đã biết tận dụng sự am hiểu sâu sắc về thị trường rộng lớn và phức tạp của nước này. Nhờ đó, họ có thể vạch ra các chiến lược bán hàng hiệu quả hơn.

Oppo là ví dụ điển hình về cách một thương hiệu Trung Quốc tiến hành lược dịch bán hàng dựa trên sự am hiểu thị trường. Oppo đã sử dụng các ngôi sao Hàn Quốc và Trung Quốc làm người đại diện và xâm nhập thị trường ở các thành phố nhỏ bằng các cửa hàng thực, nơi người dân không có thói quen mua sắm trực tuyến, Nhờ đó, Oppo đã nhanh chóng trở thành thương hiệu smartphone số 2 ở nước này.

Ngành sản xuất ở Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng và kéo theo đó là thái độ của người tiêu dùng. Trước đây, các công ty Trung Quốc thường đua nhau sản làm sản phẩm với số lượng lớn và giá càng rẻ càng tốt. Giờ đây, họ đã chú trọng hơn vào chất lượng, marketing, và xây dựng hình ảnh thương hiệu. 5 năm trước, Xiaomi đã thành công nhờ bán điện thoại giá rẻ cho những khách hàng không đủ tiền mua iPhone hoặc điện thoại cao cấp của Samsung. Nhưng, hiện nay họ đã không còn đi theo chiến lược này nữa.

“Họ không nói thế nữa. Thay vào đó, họ nói hàng của mình có chất lượng tốt”, Chao cho biết. “Đây là một xu hướng mới trong ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc, mà giờ đã chuyển sang giai đoạn chất lượng cao, giá đắt”.

Sau nhiều năm quen với suy nghĩ “Made in China” đồng nghĩa với giá rẻ và chất lượng thấp, người Trung Quốc bỗng nhận ra rằng: “Ồ, hàngTrung Quốc cũng tốt đấy chứ”, Tanner kết luận.