Tiếc nuối một di sản gần 9 thế kỷ

Theo Khải Hoàn/nhandan.com.vn

Nhắc tới nước Pháp và kinh đô ánh sáng Paris, không mấy ai không biết Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris), có tuổi thọ 855 năm. Vậy mà chỉ sau hơn bốn giờ bị hỏa hoạn trong tối 15/4, công trình kiến trúc - tôn giáo - lịch sử vốn được coi là một trong những biểu tượng lớn nhất của nước Pháp đã không còn nguyên vẹn, để lại niềm tiếc nuối sâu sắc trong lòng những người yêu mến biểu tượng này của nước Pháp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giá trị kiến trúc - văn hóa vô giá

Notre Dame de Paris là một nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc gothic trên đảo Île de la Cité, nằm giữa dòng sông Seine của Paris. Notre Dame de Paris cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Sau khi trúng cử, Giám mục Maurice de Sully của Paris cùng các tu sĩ đã đi đến một quyết định quan trọng, đó là xây dựng trên quảng trường Saint-Etienne một nhà thờ mới, lớn hơn nhiều so với nhà thờ cũ. Nhà thờ này thờ Đức Mẹ, có phong cách kiến trúc mới, về sau được gọi là kiến trúc Gothic.

Năm 1163, viên đá đầu tiên được đặt để bắt đầu quá trình xây dựng nhà thờ với sự chứng kiến của Giáo hoàng Alexander III và vua Louis VII. Giám mục Maurice de Sully chỉ đạo công việc xây dựng cho tới năm 1196, rồi được tiếp tục bởi giám mục Eudes de Sully. Công việc thi công đầu tiên gồm bốn giai đoạn chính: 1163-1182: xây dựng điện và hai hành lang chính diện, 1182-1190: xây dựng hai gian cuối, các gian bên và diễn đàn, 1190-1225: xây dựng mặt ngoài, hai gian đầu của nhà thờ, 1225-1250: xây dựng hành lang thượng, hai tháp cùng thay đổi, mở rộng các cửa sổ và năm 1350: chính thức xây dựng xong. Các đợt xây dựng tiếp theo diễn ra từ cuối thế kỷ 13 cho tới đầu thế kỷ 14, với hai cánh ngang nhà thờ được mở rộng, điện thờ được bố trí lại, mặt ngoài gian giữa được ốp.

Trong suốt hơn 850 năm qua, nhà thờ đã chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của nước Pháp. Nổi bật là sự kiện vua Henry VI của Anh lên ngôi trong chính nhà thờ này vào năm 1431. Tiếp đó là những thiệt hại và tàn phá trầm trọng trong những năm 1870 diễn ra cuộc cách mạng Pháp và trong chiến tranh thế giới thứ 1. Dù trải qua rất nhiều đợt trùng tu nhưng nhà thờ vẫn cơ bản giữ được lối kiến trúc sơ khai độc đáo, xứng đáng là một kiệt tác của nhân loại.

Với chiều dài 128 m và chiều rộng 48m, Nhà thờ Đức Bà Paris càng nổi tiếng hơn kể từ năm 1831 khi có nhân vật nàng Esmeralda và thằng gù Quasimodo trong tác phẩm văn học kinh điển "Nhà thờ Đức Bà Paris" của đại văn hào Victor Hugo. Tất cả những vẻ đẹp về kiến trúc, văn hóa được nhân lên gấp bội trong tác phẩm này, chu du khắp thế giới và từ đó lôi cuốn các độc giả khắp thế giới đến nước Pháp để được thăm nhà thờ. Là một điểm nhấn đắt giá cho ngành du lịch không chỉ của Pháp mà còn của cả khu vực châu Âu, mỗi năm Nhà thờ Đức Bà Paris đón khoảng 14 triệu lượt khách tới thăm.

Đối với người dân Pháp cũng như du khách quốc tế, những nét kiến trúc độc đáo của nhà thờ là những hình ảnh rất ấn tượng, lôi cuốn, càng ngắm càng thấy đẹp. Nhà thờ nổi bật với các mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên, các tháp nhọn, các ống máng nước mặt quỷ nổi tiếng. Bên trong nhà thờ là mái trần cao vút với các tấm kính và ô cửa sổ vạn hoa đầy màu sắc. Cùng với những nét kiến trúc đầy ấn tượng, vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, Nhà thờ Đức Bà Paris còn được biết đến là nơi có dấu mốc địa lý quan trọng của nước Pháp, đó là cây số 0 ở ngay khu vực sân mặt trước của nhà thờ.

Đợt trùng tu lớn mới bắt đầu thì bị cháy

Toàn bộ tháp cao 69m và mái của nhà thờ bị cháy và sập xuống.
Toàn bộ tháp cao 69m và mái của nhà thờ bị cháy và sập xuống.

Sau gần 9 thế kỷ chống chọi với thời gian và thời tiết, Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi đợt trùng tu thường kéo dài nhiều năm, và rất tốn kém. Các đợt sửa chữa từ giữa thế kỷ 20 đến nay tập trung vào việc thay mới các cửa kính ghép màu ở gian chính nhà thờ, sửa sang và làm mới mặt tiền.

Năm 2003, các quả chuông của nhà thờ cũng được thay mới, tuy nhiên phần còn lại của nhà thờ đều đã quá cũ kỹ và trong tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng. Nhiều bức tường bị mủn, vỡ, còn kết cấu bằng và các vòm chống có nguy cơ bung ra và sụp đổ.

Năm 2018, công việc trùng tu được bắt đầu sau khi Ban quản lý nhà thờ nhận được tiền hỗ trợ từ nhà nước, các tổ chức và cá nhân tại Pháp cũng như ở các nước khác. Quá trình sửa chữa kéo dài ít nhất 10 năm và dự kiến tốn hơn 150 triệu euro. Một trong những công việc khó khăn nhất là thay mới chóp nhọn hình mũi tên trên mái nhà thờ. Chóp mũi tên này cao 93m, được dựng lên trong giai đoạn cải tạo giữa thế kỷ 19, được làm bằng gỗ sồi bọc chỉ, nặng 750 tấn, bao quanh có bốn dãy tượng các tông đồ tạc bằng đồng.

Trong khi công việc trùng tu mới diễn ra chưa lâu, hỏa hoạn đã bùng phát vào lúc hơn 18 giờ ngày 15/4. Kết quả điều tra ban đầu cho rằng lửa rất có thể lan ra từ khu vực sửa chữa trên mái nhà thờ. Hơn 400 lính cứu hỏa cùng các thiết bị hiện đại được huy động để chữa cháy nhưng lửa vẫn bùng phát dữ dội trên khu mái nhà, nơi diễn ra công việc trùng tu. Phương án sử dụng máy bay chữa cháy cũng được xem xét nhưng cuối cùng thay đổi vì lo ngại hàng tấn nước đổ xuống một lúc sẽ phá hủy mái nhà thờ.

Trong suốt hơn bốn giờ, hàng triệu người ở Pháp và trên thế giới theo dõi sát sao những diễn biến tại hiện trường. Người dân Pháp, đặc biệt là những người có nhiều kỷ niệm gắn bó với nhà thờ, bộc lộ cảm xúc nghẹn ngào khi thấy hỏa hoạn thiêu trụi phần mái và làm sập tháp nhọn cao 69m. Hình ảnh chiếu trên truyền hình Pháp vào lúc nửa đêm cho thấy Nhà thờ Đức Bà không còn như cũ, chìm trong khói bụi, trơ trụi hết phần mái.

Vụ cháy đã gây ra thiệt hại khó tính hết được đối với một di sản tôn giáo, văn hóa và lịch sử của thủ đô Paris và nước Pháp. Cả người dân và đại diện các đảng phái đều bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước thiệt hại vô cùng lớn đối với "báu vật" này. Ngay trong tối 15/4, Tổng thống Pháp Emmanuel đã có mặt tại hiện trường, khẳng định việc thành lập một quỹ quyên góp quốc gia để xây dựng lại kiệt tác của nhân loại. Nhiều tổ chức và cá nhân ở Pháp và quốc tế cũng cho biết sẽ đóng góp, trong đó có thông báo tài trợ 100 triệu euro từ gia đình tỷ phủ Pinault ở Pháp.

Nhiều độc giả cho rằng, khi viết cuốn tiểu thuyết "Nhà thờ Đức Bà Paris", Victor Hugo muốn rằng nhà thờ cổ kính tráng lệ nằm ở giữa dòng sông Seine có thể vượt lên trên thời gian và tất cả những biến cố. Nhà thờ Đức Bà vừa trải qua một biến cố rất lớn và cần nhiều năm nữa mới dần trở lại hình dáng xưa.