Tiền ảo Libra có "vỡ trận" khi các đối tác của dự án tìm cách rút lui?

Theo Kiều Trang/nhadautu.vn

Facebook ban đầu công bố sẽ ra mắt Libra vào năm 2020, nhưng với mọi thứ đang diễn ra, dự án này dường như rất khó khả thi.

Dự án Libra được đề xuất đã gây ra phản ứng dữ dội từ các cơ quan giám sát và chính trị gia toàn cầu. Ảnh: FT Montage/Getty
Dự án Libra được đề xuất đã gây ra phản ứng dữ dội từ các cơ quan giám sát và chính trị gia toàn cầu. Ảnh: FT Montage/Getty

Theo thông tin mới nhất từ tờ Financial Times, ít nhất có ba đối tác ban đầu của đồng tiền ảo Facebook đang bàn bạc cách để dần rút khỏi dự án này.

Kế hoạch đồng tiền ảo Libra được Facebook công bố vào tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Libra - cơ quan độc lập chịu trách nhiệm giám sát 'tiền điện tử' đã khoe có tới 28 thành viên, bao gồm một số đối tác nặng ký từ ngành tài chính (Visa, Mastercard) và ngành công nghệ (Spotify, Uber), cùng với Calibra (một công ty con của Facebook).

Dự án tiền ảo Libra đã trở thành "nguồn cảm hứng" mới cho giới đầu tư tiền kỹ thuật số toàn cầu. Tuy nhiên, dự án nhanh chóng vấp phải quan điểm hoài nghi, phản đối từ giới chức nhiều nước, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell.

Vào thời điểm đó, Facebook tung tin mỗi thành viên đã cam kết không ràng buộc là đầu tư ít nhất 10 triệu USD vào dự án, điều mà Facebook hy vọng không phá vỡ thị trường thanh toán toàn cầu và thúc đẩy các loại hình thanh toán khác.

Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, khi phía Liên minh Châu Âu cho biết đang điều tra liệu đồng tiền ảo Libra có dẫn đến một sự cạnh tranh không công bằng và vùi dập các đối thủ khác hay không. Về phía Facebook cho biết, sẽ không ra mắt chính thức đồng Libra cho đến khi họ có thể giải quyết được tất cả những mối lo ngại của các nhà lập pháp.

Một vài thành viên trong hội đồng còn bày tỏ quan ngại rằng nếu công khai ủng hộ Libra, công ty của họ phải chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý. Do đó, dự án Libra được cho là đang phát triển "ì ạch" vì thiếu sự hỗ trợ từ các đối tác sáng lập.