2014 sẽ là năm của tăng trưởng kinh tế

Theo gafin.vn

(Tài chính) Ông Trichet nhận định cải cách chính sách và các biện pháp thắt lưng buộc bụng của khu vực Eurozone trong năm nay sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu 2014.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo ông Jean-Claude Trichet, cựu chủ tịch ECB “Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, đặc biệt là ở những nước phát triển. Có thể ở một vài nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng vẫn còn chậm, nhưng tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khác nhau phải được đánh giá dựa trên nền tảng cơ bản của nó. Do đó 2014 chắc chắn sẽ là một năm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

“Tôi nghĩ rằng châu Âu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cải tổ hệ thống”, ông Trichet nhận xét. Mục đích của cải cách là lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư vào khu vực Eurozone cũng như những quốc gia ngoại vi. Để làm được điều này, các chính phủ trong khu vực Eurozone đã củng cố các chính sách tài chính và thắt chặt chi tiêu công nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên việc áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy đã kìm hãm nền kinh tế các nước này, khiến khu vực Eurozone rơi vào suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục.

“Trong giai đoạn năm 2008 và 2009, 5 quốc gia này đã bị thâm hụt ngân sách nặng nề. Tuy nhiên hiện nay kinh tế các nước này đã dần phục hồi và từng bước cân bằng cán cân vãng lai”, ông Trichet cho biết.

Mặc dù ông Trichet tự tin về sự phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone, nhưng các số liệu kinh tế vẫn chưa đủ mạnh để thuyết phục. Theo báo cáo của cơ quan thống kê Eurostat, trong quý III năm 2013, chỉ số GDP thường niên của khu vực Eurozone chỉ tăng 0,1%, giảm so với mức tăng 0,3% của quý II. Trong khi đó tỉ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục, ở mức 12,1% trong tháng 10.

Tăng trưởng của khu vực 28 nước Liên minh châu Âu (EU) cũng không khả quan hơn, với chỉ số GDP quý III cũng chỉ tăng 0,2% so với quý trước (và tăng 0,1% so với năm trước). Các số liệu trên cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế có thể xấu đi, đặc biệt khi Standard & Poor hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của EU từ AAA xuống AA+, do những lo ngại về cuộc đàm phán ngân sách gây nhiều tranh cãi của EU.

Bên cạnh đó, có những lo ngại về xu hướng giảm phát trong khu vực Eurozone. Theo Eurostat, tỉ lệ lạm phát của khu vực Eurozone tháng 10 đã giảm 0,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009, buộc ECB cắt giảm lãi suất cơ bản ở mức thấp nhất 0,25% vào đầu tháng 11. Trong tháng 11, tỉ lệ lạm phát đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên người dân và các doanh nghiệp vẫn chưa đẩy mạnh tiêu dùng và đầu tư.

Mặt khác, ECB cũng lo lắng hành động cắt giảm 10 triệu USD trong gói QE của FED vào tháng 1 năm sau có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực Eurozone.